Ninh Bình: Công đức Đức Thánh Nguyễn với tổ nghề Đúc đồng và Y học Việt Nam

Ngày 23/11, Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình phối hợp với Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng tổ chức tọa đàm 'Công đức Đức Thánh Nguyễn với tổ nghề Đúc đồng và Y học Việt Nam'.

Các đại biểu nêu lên các ý kiến tại tọa đàm “Công đức Đức Thánh Nguyễn với tổ nghề Đúc đồng và Y học Việt Nam”.

Các đại biểu nêu lên các ý kiến tại tọa đàm “Công đức Đức Thánh Nguyễn với tổ nghề Đúc đồng và Y học Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Hoàng Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình cho biết: Đức Thánh Nguyễn tên thật là Nguyễn Chí Thành, hiệu là Minh Không. Ngài có nhiều công lớn trong việc chữa bệnh cứu người được nhân dân vinh danh là Thần Y, được ban Thiên Y thư, tức kho sách của Trời, được vua Lý Thần Tông phong làm Quốc sư, là một vị cao tăng đứng đầu tổ chức phật giáo của triều đại nhà Lý và cũng được tôn vinh là ông tổ nghề đúc đồng Việt Nam.

Bí thư Huyện ủy Gia Viễn Hoàng Mạnh Hùng phát biểu tại tọa đàm.

Bí thư Huyện ủy Gia Viễn Hoàng Mạnh Hùng phát biểu tại tọa đàm.

Cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Ngài là một vị Thiền sư, Pháp sư, Dược sư, Quốc sư lỗi lạc và được nhân dân suy tôn là một vị thánh, gọi là Đức Thánh Nguyễn Minh Không - tên tuổi của ngài gắn liền với đời sống nhân dân và truyền thuyết dân gian suốt từ thế kỷ thứ 12 cho đến ngày nay.

Hiện Đền thờ Đức Thánh Nguyễn tại xã Gia Thắng, xã Gia Tiến là một ngôi đền cổ, từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng trên vùng đất Gia Viễn, được xưng tụng là một trong "Hoa Lư Tứ trấn".

Trong những năm qua, cùng với hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện, các di tích liên quan đến Thiền sư Nguyễn Minh Không ở Gia Viễn đã được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tốt. Qua đó, góp phần giáo dục, làm phong phú đời sống tinh thần các thế hệ mai sau và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hiện nay, huyện Gia Viễn đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận lễ hội Đền Thánh Nguyễn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đã tập trung làm rõ, sâu sắc hơn về những công lao to lớn của Thiền sư - Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc, đặc biệt là công lao to lớn của ông trong nghề đúc đồng và y học Việt Nam; công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản lịch sử văn hóa liên quan đến Đức Thánh Nguyễn gắn với tri thức bản địa; việc quảng bá, hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương trong thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” và thực hiện các chính sách đóng góp trong tiến trình đưa Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ…

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại tọa đàm.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại tọa đàm.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho rằng, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền huyện Gia Viễn cần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa liên quan đến Đức Thánh Nguyễn; xây dựng quy hoạch bảo tồn không gian di tích, hài hòa giữa không gian văn hóa, bản sắc kiến trúc, cảnh quan môi trường, tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích Thiền sư - Quốc sư Nguyễn Minh Không và các nhân vật lịch sử liên quan. Đồng thời, huyện lựa chọn, xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh gắn với du lịch di sản Nguyễn Minh Không bảo đảm sản phẩm du lịch phải có yếu tố đặc sắc, mang được tính lịch sử, văn hóa truyền thống của địa phương; chú trọng việc đổi mới sáng tạo, tìm sự khác biệt độc đáo, ứng dụng phát huy giá trị di sản trong đời sống, nhất là nhận diện, khai quật được di sản đó…

Trong khuôn khổ tọa đàm cũng diễn ra diễn đàn “Đổi mới sáng tạo từ truyền thống tới hiện đại dựa trên Di sản của Đức Thánh Nguyễn với Y học".

Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn, Hợp tác xã Dược liệu Nguyễn Minh Không, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Vũ Gia ký kết hợp tác trong nghiên cứu dược liệu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến dược liệu và nghiên cứu chế tạo thuốc từ trà hoa vàng Ninh Bình.

Viện nghiên cứu Y học Đinh Tiên Hoàng, Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn, Hợp tác xã Dược liệu Nguyễn Minh Không, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dược liệu Vũ Gia ký kết hợp tác trong nghiên cứu dược liệu và chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến dược liệu và nghiên cứu chế tạo thuốc từ trà hoa vàng Ninh Bình.

Trước đó, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn đã tổ chức chương trình Tưởng nhớ và tri ân công đức Đức Thánh Nguyễn với các nghi thức dâng hương, đúc “Vạc thuốc Thánh” bằng đồng, nghi thức dâng Thánh tác phẩm “Đèn Thánh Hoa”, thưởng trà gắn với văn hóa địa phương và chương trình trồng cây tại “Thảo dược viên” trong Khu di tích.

Các đại biểu dự lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Nguyễn.

Các đại biểu dự lễ dâng hương tưởng nhớ Đức Thánh Nguyễn.

Nghi thức đúc “Vạc thuốc Thánh” bằng đồng.

Nghi thức đúc “Vạc thuốc Thánh” bằng đồng.

Nghi thức dâng Thánh tác phẩm “Đèn Thánh Hoa”.

Nghi thức dâng Thánh tác phẩm “Đèn Thánh Hoa”.

VĂN LÚA - YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ninh-binh-cong-duc-duc-thanh-nguyen-voi-to-nghe-duc-dong-va-y-hoc-viet-nam-post846574.html
Zalo