Nỗ lực kết nối, phát triển thương mại, du lịch
Là 1 trong 4 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Cà Mau phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực. Ðể đạt mục tiêu đó, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại (XTTM), du lịch trong và ngoài nước, đồng thời phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch, kinh tế, với đa dạng các sản phẩm đặc trưng.

Cụm Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau.
Những năm qua, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm công tác XTTM, kết nối quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tỉnh Cà Mau với các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL, khu vực phía Bắc và nước ngoài.
Theo đó, tỉnh đã tổ chức và tham gia các sự kiện tiêu biểu như: tổ chức khu vực trưng bày, quảng bá sản phẩm thủy sản xuất khẩu, OCOP Cà Mau, kết quả đã có 209 lượt làm việc giữa 42 doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thủy sản, chủ thể OCOP trong tỉnh với các chuỗi siêu thị: Central Retail, Saigon Co.op, Kingfood Mart, Bách Hóa Xanh, Satra, cùng 20 DN đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Malaysia; tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ DN Trung Quốc và DN tỉnh Cà Mau”, với sự tham gia của 50 DN đến từ Trung Quốc và 50 DN xuất khẩu thủy sản, chủ thể OCOP trong tỉnh Cà Mau. Phối hợp với Cục XTTM tổ chức đoàn làm việc, kết nối giao thương với nhà nhập khẩu Trung Quốc, hỗ trợ 10 công ty chế biến, xuất khẩu thủy sản kết nối với Tập đoàn Cung tiêu Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh; phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore và Hiệp hội Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) hỗ trợ 3 công ty chế biến thủy sản Cà Mau tham gia kết nối với Ðoàn DN Singapore tại TP Hồ Chí Minh.
Anh Khưu Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại SK NONI, cho biết: "Năm 2024, công ty tôi vinh dự là 1 trong 2 công ty được hỗ trợ tham gia đoàn XTTM, đầu tư, du lịch và học tập kinh nghiệm các mô hình ứng dụng công nghệ thông tin tại Ấn Ðộ; kết nối, làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Ðộ (IICCI), phía Ấn Ðộ đánh giá cao tiềm năng sản phẩm của 2 công ty. Riêng sản phẩm nước cốt nhàu, công ty đang tiếp tục làm việc với đối tác Ấn Ðộ, xúc tiến xuất khẩu sản phẩm sang thị trường này”.
Trong lĩnh vực XTTM, theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, Sở Công thương tập trung thực hiện 7 hoạt động lớn: Hội nghị tổng kết Chương trình Hợp tác giữa tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình và Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các tỉnh: Cà Mau - Bạc Liêu - Ninh Bình; tham gia các hoạt động XTTM, hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung - cầu tại các tỉnh, thành phố; Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc; Hội chợ XTTM cho các hợp tác xã năm 2025 tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...

Ông Trần Hoàng Em, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương), ký hợp tác tại Hội nghị Xúc tiến sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024, do UBND tỉnh phối hợp Bộ Công thương tổ chức.
Ông Trần Hoàng Em, Giám đốc Trung tâm Khuyến công (Sở Công thương), cho biết: "Thông qua các hoạt động trên nhằm giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người và tiềm năng phát triển của tỉnh Cà Mau; tăng cường kết nối giao thương, tạo điều kiện để DN gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh; xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, kết nối mời gọi đầu tư vào các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2025, định hướng các hoạt động XTTM trong nước theo chiều sâu, tập trung tham gia các sự kiện thương mại lớn, kết nối đối tác trong và ngoài nước có nhu cầu phù hợp với sản phẩm của tỉnh; chia nhóm sản phẩm để có định hướng hỗ trợ phù hợp, thúc đẩy tiêu thụ, quảng bá sản phẩm OCOP và đặc sản tỉnh Cà Mau trên nền tảng số”.
Trên lĩnh vực du lịch, năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Cà Mau là 2.150.000 lượt, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu ước đạt 3.080 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, tỉnh đã tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch; tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá du lịch Cà Mau tại các tỉnh, thành phía Bắc, miền Trung và Ðông Nam Bộ, thông qua gian hàng du lịch Cà Mau tại các sự kiện, với thông điệp “Là nơi đất nở ra, rừng biết đi và biển sinh sôi”, đặc biệt thu hút sự quan tâm tìm hiểu của khách tham quan về các thông tin tour tuyến và điểm đến của du lịch Cà Mau. Riêng tại Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh, gian hàng du lịch Cà Mau còn được bố trí mô hình tiểu cảnh 2 hệ sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau, với cây đước và rừng U Minh Hạ (trưng bày tổ ong, hệ sinh thái rừng tràm, mời khách trải nghiệm và thưởng thức mật ong rừng), được xếp vào một trong những gian hàng đẹp nhất sự kiện, thu hút khoảng 4 ngàn lượt khách tham quan.
Nhìn chung, các hoạt động giới thiệu điểm đến du lịch trong năm có khởi sắc bởi sự đồng hành của nhiều DN, điểm đến, cơ sở kinh doanh du lịch, chủ thể OCOP, đưa sản phẩm du lịch Cà Mau đến với nhiều đối tượng du khách trong và ngoài nước.
Ông Tiêu Minh Tiên, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: "Kế hoạch từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ tập trung tổ chức các sự kiện tại địa phương, chương trình liên kết và trọng điểm, cùng các hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch, hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch và đào tạo nguồn nhân lực".
Theo ông Tiêu Minh Tiên, tỉnh sẽ tham gia các hoạt động tiêu biểu như: Hội nghị trao đổi giải pháp quản lý Nhà nước và triển khai chương trình hợp tác, liên kết phát triển du lịch cụm phía Tây ÐBSCL; Hội nghị tổng kết Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch cụm phía Tây ÐBSCL năm 2025; Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội năm 2025...
Cùng với đó, tổ chức 2 đoàn famtrip khảo sát điểm đến du lịch tại Cà Mau (đơn vị truyền thông báo chí, các DN lữ hành thuộc các tỉnh trong chương trình liên kết, hợp tác...); đặc biệt, tổ chức Ngày hội Cua Cà Mau lần thứ II-2025, nhằm tuyên truyền, quảng bá và nâng cao thương hiệu, văn hóa ẩm thực và tầm quan trọng của ngành cua tỉnh Cà Mau trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.