Nỗ lực gìn giữ sách quý
Vào mỗi dịp lễ lớn, trong không gian linh thiêng tại các đền tháp Chăm ở Ninh Thuận, những bài kinh thỉnh cầu vang lên đều đặn, ngân vang giữa đất trời, được truyền đời hàng trăm năm thông qua những bộ sách lá buông, vật thiêng chỉ dành riêng cho các tu sĩ Bà la môn trong các dịp lễ trọng.

Phó Cả sư Nại Cao Liêm đang thực hiện công đoạn khắc chữ trên lá buông. (Ảnh: NGỌC XIÊM)
Trước nguy cơ mai một những bộ sách quý này, một tu sĩ Chăm ở Ninh Thuận đang âm thầm “hồi sinh” loại sách thiêng bằng niềm đam mê và lòng tôn kính đối với di sản tổ tiên để lại.
Ninh Thuận, mảnh đất miền trung đầy nắng và gió, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Từ xa xưa, đồng bào Chăm nơi đây luôn mong muốn mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi và gửi sự nhờ cậy đến các đấng thần linh thông qua các vị chức sắc tôn giáo. Những bộ sách lá buông chính là “hành trang” để các chức sắc bước vào thế giới tâm linh của đồng bào Chăm.
Nghệ nhân nối lại từng trang sách thiêng
Một bộ sách lá buông có thể tồn tại hàng trăm năm nếu được bảo quản đúng cách. Bởi vậy, sách lá buông không hiện diện trong đời sống thường nhật mà chỉ dành cho tầng lớp tu sĩ cấp cao, dùng để hành lễ tại các tháp thiêng, trong các nghi thức tôn giáo như cầu an, tạ ơn, rước y trang hay lễ hội cộng đồng.
Không giống các loại thư tịch thông thường, nội dung sách lá buông không chỉ là kinh văn, mà còn bao gồm các kiến thức về thiên văn, lịch pháp, nghi lễ, y học dân gian, tín ngưỡng và các giá trị văn hóa cổ truyền… Mỗi trang sách là một phần của ký ức văn hóa, được truyền đời bằng sự tôn kính. Thế nhưng, cùng với dòng chảy phát triển xã hội, kỹ thuật chế tác sách lá buông dần mai một, trong khi nhiều bộ sách cổ đang bị hủy hoại do khí hậu khắc nghiệt và thiếu phương pháp bảo tồn phù hợp.
Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, hiện nay chỉ còn rất ít bộ sách cổ còn nguyên vẹn, phần lớn đã hư hỏng do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mối mọt, và sự thiếu hụt các phương pháp bảo quản hiện đại. Sách lá buông do Cả sư trụ trì các đền tháp Chăm quản lý. Khi một Cả sư viên tịch, bộ sách được truyền lại cho người kế nhiệm. Các tu sĩ cấp dưới, dù rất mong muốn có sách để học tập và hành lễ, vẫn rất khó tiếp cận do giới hạn trong việc truyền dạy và số lượng sách có hạn.
Không chỉ vậy, kỹ thuật chế tác sách cũng đang dần bị thất truyền. Trong hệ thống tu sĩ Bà la môn, việc truyền dạy cách chế tác, viết chữ lên lá buông xưa nay chỉ dành cho chức sắc cấp cao. Các tu sĩ trẻ hơn thường chỉ được đọc lại sách, chứ không được tiếp cận với kỹ thuật chế tác một bộ sách mới. Trong bối cảnh đó, việc phục dựng kỹ thuật chế tác sách lá buông, từ khâu chọn lá, xử lý, khắc chữ đến đóng sách là một yêu cầu cấp thiết để gìn giữ di sản này cho các thế hệ tương lai.
Trước nhu cầu rất lớn về kho tri thức trong sách lá buông, một nhóm tu sĩ cấp dưới đã bắt đầu tham gia nghiên cứu kỹ thuật chế tác sách lá buông với sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, họ đã thực nghiệm và phục dựng được kỹ thuật khắc chữ trên lá buông.
Người đi tiên phong là Phó Cả sư Nại Cao Liêm, ở thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Trong suốt hơn 10 năm, ông đã tự học hỏi, nghiên cứu, và thử nghiệm hàng chục lần để tìm lại cách tạo ra một bộ sách lá buông hoàn chỉnh. Hiện tại, ông đang lưu giữ hai bộ sách cổ và đã chế tác thành công hơn 40 bộ sách mới bằng lá buông, được sao chép đúng kỹ thuật cổ xưa và sử dụng trong các nghi lễ của đồng bào Chăm tại địa phương.
Ông Nại Cao Liêm chia sẻ: “Tôi luôn canh cánh trong lòng vì thấy các tu sĩ trẻ không có sách để học, để hành lễ. Mỗi bộ sách là một kho tàng tri thức tổ tiên để lại. Nếu mình không làm, sau này con cháu sẽ không còn gì để mà nhớ, mà giữ nữa”.
Cây buông, nguyên liệu chính để làm sách thuộc họ cau, lá xòe hình quạt, cuống dài tới 8m. Mỗi lá có hàng chục mảnh nối với nhau bằng gân lá. Chính những mảnh này, sau khi được xử lý, sẽ trở thành những trang sách bền bỉ nhất.
Phó Cả sư Nại Cao Liêm cùng các tu sĩ cấp dưới phải vượt rừng, băng suối, tìm đúng loại lá vừa độ chín, không non, không già. Theo kinh nghiệm của ông, chỉ nên thu hoạch lá sau ngày rằm để tránh mối mọt và giữ được độ bền. Ông Liêm chia sẻ kinh nghiệm: “Lá non mầu trắng thì mỏng, lá già mầu xanh thì giòn. Lá vừa có mầu vàng nhạt là tốt nhất. Chỉ cần chọn sai, lá sẽ không khắc được chữ hoặc không giữ được bền lâu”.
Sau khi chọn xong, lá được phơi trong bảy ngày, vào buổi sáng từ 7-9 giờ. Công đoạn này đòi hỏi phải canh nắng chuẩn, đảo lá liên tục để không bị cong, gãy. Sau khi phơi khô, tiến hành cắt lá buông và xếp thành tập, mỗi tập khoảng 20-30 lá, kẹp vào hai bìa bằng gỗ hoặc tre, lấy vật nặng đè lên khoảng năm đến mười ngày, rồi xâu lỗ, đóng thành tập. Mỗi chiếc lá buông không đánh số thứ tự trang, cho nên sợi chỉ có chức năng giữ lá buông theo trật tự sắp xếp cố định, và dùng sợi dây chỉ buộc lại tập lá buông như một quyển sách.
Khác với các loại sách viết tay, chữ trên lá buông được khắc chứ không viết. Dụng cụ sử dụng là dao nhỏ đầu nhọn, loại dao mà các chức sắc dùng trong nghi lễ. Ông Liêm phát hiện ra điều này sau nhiều lần thử nghiệm thất bại bằng bút và than.
Để có được bộ kinh sách lá buông là cả một quá trình lao động miệt mài. Những tinh hoa của cuốn sách lá buông được thể hiện rõ nét ở công đoạn khắc chữ và hoàn thiện. Việc khắc chữ đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối. Một nét sai là phải bỏ cả lá. Vì vậy, người khắc chữ phải kiên trì, cẩn thận và hiểu rõ nội dung từng đoạn kinh.
Mỗi lá buông có thể khắc ba đến năm dòng chữ trên hai mặt. Sau khi khắc, ông Liêm dùng mực than sống được giã mịn từ than củi xoa đều lên mặt chữ. Mực ngấm vào rãnh khắc, giúp chữ hiện ra rõ nét, bền vững suốt hàng trăm năm. “Than sống tượng trưng cho sự tinh khiết, còn than chết thì không dùng vì bị coi là ô uế. Đồng bào Chăm rất coi trọng điều này trong các nghi lễ”, ông Liêm cho biết.
“Hồi sinh" di sản trong cộng đồng
Không giữ riêng kiến thức cho mình, Phó Cả sư Nại Cao Liêm còn truyền dạy kỹ thuật chế tác cho các tu sĩ cấp dưới. Tháp Chăm linh thiêng, nơi các tu sĩ hành lễ, đã trở thành điểm hội họp để ông chia sẻ những kỹ thuật chế tác sách lá buông. Họ nhiệt tình, hào hứng làm theo những chỉ dẫn của ông Liêm và luôn mong muốn một ngày nào đó sẽ được sở hữu một bộ kinh thư lá buông dày dặn. Cũng từ những buổi học kỹ thuật làm sách của ông Liêm, đã có nhiều tu sĩ trẻ lần đầu được cầm trên tay bộ sách lá buông do chính mình tạo ra. Không chỉ học kỹ thuật, họ còn học cả cách hiểu và tôn trọng giá trị văn hóa ẩn sâu trong từng trang sách.
Sách lá buông tuy được làm từ chất liệu đơn sơ như lá cây, mực than, nhưng lại mang trong mình cả một nền tri thức tôn giáo, văn hóa và tinh thần, đồng thời còn là nguồn tư liệu quý đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, ngôn ngữ, dân tộc học. Từ kỹ thuật chọn lá, phơi, ép, cắt, khắc… đến cách bảo quản, tất cả là một hệ thống tri thức hoàn chỉnh mà chỉ những người trong cuộc mới thấm thía hết được giá trị.
Chính vẻ đẹp nguyên sơ, giản dị nhưng đầy tinh tế ấy đã tạo nên sức hấp dẫn của sách lá buông, không chỉ với đồng bào Chăm, mà còn với bất kỳ ai trân quý di sản văn hóa dân tộc. Hiện nay, nhiều nhà khoa học đang phối hợp với cộng đồng tu sĩ Bà la môn để giải mã nội dung trong sách lá buông, lập cơ sở dữ liệu và tìm phương án bảo tồn theo phương pháp số hóa, nhằm gìn giữ di sản văn hóa quý giá này cho các thế hệ mai sau.
Những nỗ lực âm thầm của Phó Cả sư Nại Cao Liêm là minh chứng rõ nét cho sức sống bền bỉ của văn hóa Chăm. Chỉ với những chiếc lá, dao nhỏ và lòng thành, ông đã “đánh thức” cả một di sản tưởng chừng đã ngủ quên. Những bộ kinh thư này không chỉ là hành trang để các tu sĩ bước vào thế giới tâm linh của đồng bào Chăm, mà còn là cách để họ bảo tồn di sản văn hóa quý báu của dân tộc.