Dịch giả Nguyễn Tiến Văn qua đời ở tuổi 87
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn, người dành trọn cuộc đời cho sách vở và chia sẻ tri thức, đã qua đời lúc 21 giờ 38 phút ngày 20.4 tại TP.HCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn là tấm gương về lòng đam mê tri thức, sự cống hiến không mệt mỏi và tinh thần chia sẻ vô tư, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa và học thuật Việt Nam.
Ông sinh năm 1939 tại Hà Nội, năm 16 tuổi vào Sài Gòn thăm người thân và ở lại miền Nam sau khi đất nước chia cắt. Trước năm 1975, ông bị bắt giam vì từ chối nhập ngũ, trong thời gian ở tù tại khám Chí Hòa, ông học chữ Nho và Đông y từ các bạn tù.

Dịch giả Nguyễn Tiến Văn (1939 - 2025) - Ảnh: Tư liệu
Năm 1985, ông sang Canada định cư, nhưng vẫn giữ cuộc sống thanh đạm và dành toàn bộ thời gian cho việc đọc và dịch sách. Năm 2005, ông trở về Việt Nam, sống trong một căn phòng trọ nhỏ gần khám Chí Hòa, tiếp tục công việc dịch thuật và nghiên cứu.
Trong sự nghiệp của mình, ông đã dịch hàng trăm đầu sách thuộc các lĩnh vực triết học, tôn giáo, văn hóa và xã hội học, góp phần giới thiệu nhiều tư tưởng lớn đến với độc giả Việt Nam. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như Lũ người quỷ ám của Dostoevsky, Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời? của Kentetsu Takamori, Giải thoát tâm đức của Thubten Chodron, Tâm vô lượng của Andrew Olendzki...
Không chỉ là dịch giả, ông còn là người hiến tặng hàng chục ngàn đầu sách quý cho các thư viện, viện nghiên cứu như Viện Nghiên cứu Xã hội TP.HCM, Thư viện Huệ Quang… Triết lý sống của ông là “tri thức càng chia sẻ càng lớn mạnh”. Ông tin rằng sách chỉ thực sự có giá trị khi được đọc và chia sẻ, không nên giữ làm của riêng.
Ở tuổi xế chiều, ông vẫn dịch sách mỗi ngày, sống thanh đạm, không dùng thuốc men, tin vào sự tự điều chỉnh của cơ thể và năng lực chữa lành từ tri thức. Dù lặng lẽ, cuộc đời ông là một hành trình rực sáng của tâm huyết và trí tuệ.