Nỗ lực đóng góp vào thành công kỳ họp lịch sử
Sáng 5/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc đồ sộ, trong đó có nhiều nội dung có tính cấp thiết, quan trọng, liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát huy vai trò của mình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động bám sát dự kiến chương trình, chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp. Qua đó tham gia tích cực, sôi nổi vào các chương trình nghị sự của Quốc hội, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình nghị sự của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao.
“Nặng” công việc
Với khối lượng công việc được đánh giá là “chưa từng có”, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV được nhiều đại biểu đánh giá là kỳ họp “nặng” về công việc nhất từ trước đến nay.
Đây là kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11 vừa qua.
Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, nền tảng cho phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương cả nước.
Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Kỳ họp thứ 9 là một trong những kỳ họp dài nhất của Quốc hội khóa XV. Đây là kỳ họp hết sức quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, với khối lượng công việc đặt ra rất lớn.
Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định 54 nội dung về công tác lập hiến, lập pháp; 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Nhiều nội dung trong đó mang tính cấp thiết, quan trọng, liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có tác động sâu rộng đến người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Phải kể đến là các nội dung về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; về sắp xếp đơn vị hành chính các cấp nhằm tinh gọn bộ máy; về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tháo gỡ khó khăn, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế cả nước...
Để đảm bảo kỳ họp diễn ra thành công, đạt được các mục tiêu đề ra, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã quán triệt sâu sắc; bám sát những định hướng, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 11 để xem xét, cho ý kiến từng dự án luật, nghị quyết. Đặc biệt là thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tổ.
“Sâu” trách nhiệm
Trước tầm quan trọng đặc biệt của kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động bám sát dự kiến chương trình, chuẩn bị chu đáo để tham gia chất lượng, hiệu quả tại kỳ họp.
“Chuẩn bị cho kỳ họp, mỗi đại biểu Quốc hội đã dành thời gian chủ động nghiên cứu tài liệu, sâu sát vấn đề để đảm bảo mỗi ý kiến đóng góp đều xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất đối với cử tri và đất nước”, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Bước vào kỳ họp, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã tham gia đầy đủ, nghiêm túc chương trình nghị sự của Quốc hội với tinh thần trách nhiệm cao. Chủ động tham gia phát biểu nhiều ý kiến sâu sắc, đa chiều tại tổ và hội trường. Các ý kiến được nghiên cứu, phân tích và đánh giá kỹ lưỡng, chất lượng, bám sát những vấn đề Quốc hội đặt ra theo tinh thần đổi mới trong công tác lập pháp.
Chiều 6/5, tại phiên thảo luận tổ xoay quanh các Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 2 ý kiến vào nhiều quy định cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi sau khi ban hành.
Quan tâm đến bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị cần nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nhiệm vụ quốc phòng, an ninh tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định rõ việc đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin trong quá trình phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, không tạo ra kẽ hở để lộ lọt bí mật khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ mới, công nghệ phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Cùng với việc đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thường xuyên cho ý kiến tại các phiên thảo luận hội trường.
Sáng 6/5, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị xem xét bổ sung quy định nhà giáo có quyền “Được hỗ trợ sử dụng nền tảng số, kho học liệu mở, công cụ hỗ trợ dạy học bằng trí tuệ nhân tạo” để có điều kiện thuận lợi nghiên cứu, giảng dạy, giáo dục học sinh, sinh viên và người học đạt kết quả tốt nhất. Đồng thời xem xét bổ sung quy định nhà giáo không “Đưa thông tin, hình ảnh tiêu cực về học sinh, phụ huynh, nhà trường hoặc ngành Giáo dục lên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Vì cần phải coi mối quan hệ giữa nhà giáo và phụ huynh, học sinh khác với các mối quan hệ xã hội khác, cần phải có sự tôn trọng tuyệt đối giữa phụ huynh, học sinh với nhà giáo và ngược lại.
Sáng 7/5, đại biểu Trần Văn Tiến tiếp tục đóng góp 2 ý kiến liên quan đến nội dung Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và bố cục của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại phiên thảo luận hội trường.
Dù mới chỉ diễn ra những phiên họp đầu tiên, nhưng nhìn vào sự chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng thể hiện qua hoạt động của các thành viên trong Đoàn, có thể tin tưởng rằng, xuyên suốt kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ có thêm nhiều hoạt động tích cực góp phần vào thành công chung của kỳ họp. Từ đó góp phần tạo ra những quyết sách lịch sử, mở đường cho chặng phát triển mới của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.