Nỗ lực đi tìm đồng đội...
Nhiều cựu chiến binh (CCB) bước ra từ cuộc chiến vẫn còn nhớ rất rõ những đồng đội của họ đều là các chiến sĩ trẻ đã hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…
CCB Nguyễn Văn Chương (ngụ khu phố 11A, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) kể: “Chỉ hơn 3 ngày chiến đấu bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An từ đêm 26 đến 29-4-1975, riêng Tiểu đoàn 23 và Tiểu đoàn 174, Trung đoàn Đặc công 113 (nay là Lữ đoàn 113, Binh chủng Đặc công) đã có 53 đồng chí hy sinh. Trong đó nhiều đồng chí còn chưa tìm được hài cốt…”.
Theo ông Chương, đặc thù của bộ đội đặc công khi chiến đấu đánh nhanh, rút gọn, chiếm giữ ngay. Vào đêm 26, rạng sáng 27-4-1975, Tiểu đoàn 23 và 174 được lệnh đánh cầu Ghềnh, cầu Hóa An. Rất nhanh chóng, đơn vị đã chiếm được cầu nhưng lại có lệnh của cấp trên khi chiếm được phải chốt giữ cầu để cho đại quân ta vượt qua.
“Đây là điều vô cùng khó khăn với chúng tôi vì đã quen lối đánh đặc công, nhưng giờ lại chuyển sang đánh bộ binh nên ít nhiều lúng túng, song do có lệnh nên đơn vị vẫn quyết tâm giữ cầu. Thêm vào đó, những ngày cuối tháng 4, bị thất bại nhiều nơi, địch đổ dồn phòng thủ quốc lộ 1 và thị xã Biên Hòa. Ngoài ra, cầu Ghềnh và cầu Hóa An nằm gần Sân bay Biên Hòa và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 nên quân địch dễ dàng phản công với lực lượng áp đảo” - ông Chương kể.
Trước thực tế đó, chỉ huy đơn vị quyết định tổ chức 3 lực lượng chính; trong đó 2 lực lượng làm nhiệm vụ đánh chiếm cầu, sau đó bố trí chốt giữ, không để địch chiếm lại. Lực lượng còn lại làm nhiệm vụ dọn đường…
Ông Nguyễn Hữu Quang (ngụ khu phố 2, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa), nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 18, Đặc công Quân khu miền Đông, cho hay trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ cầu Ghềnh, cầu Hóa An, nhiều đồng đội của ông đến từ các tỉnh, thành phía Bắc hy sinh.
Rời quê hương vào Đồng Nai sinh sống, làm việc từ tháng 12-1995 đến nay, ông Chương vẫn không nguôi nỗi nhớ thương đồng đội. Điều này đã thôi thúc ông cùng các CCB lặn lội để mong tìm thấy hài cốt của đồng chí, đồng đội.
Với sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đến nay các CCB Trung đoàn 113 ngày ấy đã lập được bia ghi tên 41 liệt sĩ tại miếu bà Chúa Xứ (phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa); xây dựng nhà bia tưởng niệm 48 liệt sĩ của Trung đoàn 113 tại phường Hóa An (thành phố Biên Hòa) và Đài tưởng niệm 146 liệt sĩ hy sinh ở khu vực Nhà máy Nước Thiện Tân. Đặc biệt, ông Chương và các CCB đã tìm thấy hài cốt 4 liệt sĩ với đầy đủ họ, tên đưa về quê hương và tìm được nơi chôn cất của một số liệt sĩ khác…