Ninh Bình thông qua Nghị quyết lịch sử hợp nhất với Hà Nam, Nam Định
HĐND tỉnh Ninh Bình đã xem xét, quyết định thông qua chủ trương hợp nhất với các tỉnh Hà Nam, Nam Định thành 1 tỉnh lấy tên là tỉnh Ninh Bình.
Chiều tối 28/4, tại kỳ họp thứ 31 của HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã thông qua 16 Nghị quyết quan trọng liên quan đến thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, quy hoạch, đất đai, ngân sách, kế hoạch đầu tư công, biên chế. Đặc biệt, trong đó thống nhất quyết định thông qua chủ trương hợp nhất với các tỉnh Hà Nam, Nam Định thành 1 tỉnh lấy tên là tỉnh Ninh Bình và thông qua chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Ninh Bình năm 2025. Cũng tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thực hiện công tác nhân sự thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Tại kỳ họp thứ 31 của HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đã thông qua 16 Nghị quyết quan trọng
Các đại biểu khẳng định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh là cần thiết, đáp ứng theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đề án hợp nhất bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định và nhận được sự đồng thuận của cử tri trong tỉnh cũng như đại biểu HĐND các cấp. Nội dung dự thảo nghị quyết bám sát vào các quy định của pháp luật. Sau khi sắp xếp đã giảm được 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh; kết thúc hoạt động của 22 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm được 269 xã (đạt 67,58%); đồng thời, tinh giản số lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước, mở rộng quy mô địa bàn, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho đơn vị hành chính mới thành lập.
Theo Đề án hợp nhất, thành lập tỉnh Ninh Bình trực thuộc TƯ trên cơ hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định thành 1 tỉnh, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình (TP. Hoa Lư hiện nay). Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình có 3.942,6 km2, dân số 4.412.264 người, có 129 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 97 xã, 32 phường).
Đề án khẳng định, việc hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định lấy tên là tỉnh Ninh Bình là đúng chủ trương tại Nghị quyết số 60 của Ban chấp hành TƯ Đảng.
Bên cạnh đó, đảm bảo nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có sẵn, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ; giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
Đặt trung tâm ở Ninh Bình có vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, dễ dàng kết nối với các khu vực trong nội tỉnh, thành phố và các đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước hoặc với hệ thống không gian biển. Ngoài ra, có không gian phát triển trong tương lai; phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị hành chính mới, bảo đảm hài hòa, hợp lý, tránh sự mất cân đối giữa các địa phương khi sáp nhập và giữ vững quốc phòng an ninh.