Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa: Đổi mới hoạt động, xây dựng Hội Nông dân Hà Nội ngày càng vững mạnh

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa trao đổi về việc đổi mới các hoạt động, tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị “Về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới” trên địa bàn Thủ đô, Hội Nông dân thành phố đã tích cực đổi mới các hoạt động, tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa xung quanh vấn đề này.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Phạm Hải Hoa.

Hỗ trợ nông dân toàn diện

- Theo đồng chí, Nghị quyết số 46-NQ/TƯ có ý nghĩa gì đối với Hội Nông dân Việt Nam và thành phố Hà Nội đã triển khai Nghị quyết này như thế nào?

- Nghị quyết số 46-NQ/TƯ ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị là bước ngoặt quan trọng, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết tập trung vào ba nhóm quan điểm cốt lõi, đó là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân, nhấn mạnh vai trò trung tâm của nông dân trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, phát huy quyền làm chủ và đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ; đổi mới tổ chức và hoạt động hội, củng cố vai trò nòng cốt của Hội Nông dân trong phong trào nông dân, kiện toàn bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới.

Ngay sau khi Nghị quyết số 46-NQ/TƯ được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 31-CTr/TU và UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND, nhằm sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tạo sức mạnh, niềm tin cho hội viên nông dân, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Hội Nông dân thành phố cũng đã tham mưu và triển khai các kế hoạch cụ thể, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, như phát triển kinh tế tập thể, chuyển đổi số trong nông nghiệp và xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân.

- Vậy, sau một năm triển khai, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

- Trong một năm thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Một trong những thành tựu nổi bật là phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững". Phong trào đã thu hút hơn 526.000 lượt hội viên nông dân đăng ký tham gia và đã có 326.110 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội cũng duy trì 206 câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi ở cấp cơ sở và thành lập các câu lạc bộ nông dân tiêu biểu tại các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa, tạo điều kiện cho nông dân giao lưu, học hỏi và liên kết sản xuất.

Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Hà Nội thăm mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Sơn tùng

Lãnh đạo Hội Nông dân thành phố Hà Nội thăm mô hình trồng chè mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Ba Trại (huyện Ba Vì). Ảnh: Sơn tùng

Bên cạnh đó, Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật để hỗ trợ hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Có hơn 251.000 lượt hội viên đã được tập huấn các kiến thức quan trọng về khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi số, kỹ năng quản trị doanh nghiệp và tiếp cận thị trường. Hội cũng tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông dân. Hơn 1.800 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) và nông sản chất lượng cao đã được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, với 54 chủ thể sản xuất, kinh doanh tham gia, cùng 67 điểm kết nối tiêu thụ nông sản an toàn được xây dựng.

Trong năm qua, Hội Nông dân thành phố đã kết nạp thêm hơn 19.000 hội viên, nâng tổng số lên gần 450.000 hội viên. Các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cũng được phát triển mạnh mẽ, với 251 chi hội và 2.481 tổ hội trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ, thu hút hàng chục nghìn thành viên tham gia.

Không chỉ tập trung vào hỗ trợ kinh tế, Hội Nông dân thành phố còn tích cực tham gia phản biện chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, môi trường, giúp chính quyền địa phương hiểu rõ hơn những khó khăn, vướng mắc của nông dân; đồng thời, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, cũng như giám sát và phản biện xã hội.

Xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại, nông thôn phát triển

- Như đồng chí đã trao đổi, trong thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TƯ, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia xây dựng Đảng và chính quyền, cũng như giám sát và phản biện xã hội. Đồng chí có thể thông tin cụ thể nội dung này?

- Từ cuối năm 2023 đến nay, Hội Nông dân thành phố đã tham gia vào 1.262 cuộc giám sát, trong đó tổ chức trực tiếp 307 cuộc và phối hợp tham gia 955 cuộc cùng các cơ quan chức năng. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề quan trọng đối với đời sống nông dân và phát triển nông nghiệp, như thực hiện các chính sách tín dụng phát triển nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, hay chuyên đề giám sát về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng lúa trong năm 2024. Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố đã phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức 517 hội nghị đối thoại giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với hội viên nông dân, ghi nhận 757 ý kiến phản hồi. Song song, 236 hội nghị phản biện xã hội đã được tổ chức với sự tham gia của hơn 3.000 người, đưa ra 453 ý kiến trực tiếp và 169 văn bản phản biện, đóng góp cho các dự thảo văn bản liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Trong thời gian qua, Hội đã phối hợp tham gia tiếp công dân 383 buổi và vận động hội viên tham gia vào 1.327 tổ hòa giải cơ sở, với hơn 6.600 thành viên. Nhờ vậy, 137 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân đã được hòa giải thành công. Hội duy trì và phát triển 208 câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên.

- Trong quá trình hoạt động, Hội Nông dân thành phố Hà Nội gặp những khó khăn, thách thức gì và định hướng phát triển của hội trong thời gian tới?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nông dân còn hạn chế. Việc triển khai các mô hình sản xuất liên kết còn gặp khó khăn, do sản xuất nông nghiệp vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún. Hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hiện đại. Ngoài ra, nông dân Thủ đô cũng phải đối mặt với tình trạng giá cả thị trường biến động, mất an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp. Hơn nữa, lực lượng lao động nông nghiệp trẻ đang giảm sút, khi nhiều người rời bỏ nông thôn để tìm kiếm cơ hội trong các ngành, nghề khác.

Trước những thách thức đó, trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội đã xác định rõ hướng phát triển. Hội tập trung hỗ trợ bà con chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao và gắn với thị trường. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, việc mở rộng các mô hình kinh tế hợp tác và liên kết sản xuất sẽ là trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hội Nông dân thành phố cũng định hướng phát triển các mô hình nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, tận dụng lợi thế của các vùng ven đô, giúp tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Hội tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa nông dân và các cơ quan quản lý để tiếp thu kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con. Hội cũng phối hợp với các ngành liên quan để tháo gỡ những vướng mắc về chính sách, hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu sản phẩm và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, cùng tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn thể hội viên, Hội Nông dân thành phố Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn, đạt được những bước tiến vững chắc, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại, nông thôn phát triển; đời sống nông dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Bạch Thanh thực hiện

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chu-tich-hoi-nong-dan-thanh-pho-ha-noi-pham-hai-hoa-doi-moi-hoat-dong-xay-dung-hoi-nong-dan-ha-noi-ngay-cang-vung-manh-686099.html
Zalo