Ninh Bình: Lễ hội đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 3986/QĐ – BVHTTDL công nhận Lễ hội đền Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Thánh Nguyễn được tổ chức hàng năm (từ ngày 8 – 10/3 âm lịch) nhằm tưởng nhớ công đức, tri ân Thiền sư Nguyễn Minh Không, vị thiền sư tài năng, đức độ có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống văn hóa, chính trị của Nhà nước Đại Việt thời Lý.
Lễ hội đền Thánh Nguyễn gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ có lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, lễ cáo yết, lễ rước bách thần, tế yên vị, đang hương, rước nước và lễ tạ. Phần hội có phiên chợ làng Điềm, nhiều trò chơi dân gian, trưng bày triển lãm ảnh, giới thiệu tuyến, tour du lịch tìm về cội nguồn cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trình diễn trang phục.
Những năm gần đây, để gìn giữ nét văn hóa độc đáo, phát huy giá trị lịch sử truyền thống, Lễ hội đền Thánh Nguyễn được nâng tầm về quy mô và nội dung, không gian tổ chức, trở thành một nét đẹp sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc của đông đảo nhân dân và du khách.
Lễ hội đền Thánh Nguyễn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào của nhân dân huyện Gia Viễn nói riêng và nhân dân tỉnh Ninh Bình nói chung. Việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của Lễ hội đền Thánh Nguyễn cần được tiếp tục duy trì, thực hành, lưu truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách. Từ đó, góp phần khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc chung tay, góp sức bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản văn hóa.
Thiền sư Nguyễn Minh Không là một vị Thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý; là một trong số ít các Thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại. Đặc biệt, năm 1136 Thiền sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư. Thiền sư có vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo thời Lý nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung. Thiền sư Nguyễn Minh Không còn được coi là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng.