Độc đáo cấu trúc làng của người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi

Do cư trú ở vùng rừng núi hiểm trở nên cấu trúc làng bản của người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi có nhiều điểm khác biệt so với các dân tộc khác. Bru-Vân Kiều và Tà Ôi là 2 trong số các tộc người có nguồn gốc lâu đời, cư trú tập trung ở những vùng rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn, thuộc địa bàn các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Bản Hà Lệt của người Bru-Vân Kiều ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phương Liên

Bản Hà Lệt của người Bru-Vân Kiều ở xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Phương Liên

Theo nghiên cứu của ông Lê Văn Quyền, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, mỗi cộng đồng người Bru-Vân Kiều, Tà Ôi lập thành một bản riêng, chủ yếu ở ven sông, suối, dọc theo các thung lũng nhỏ hoặc các triền đồi, chân núi. Họ sống phân tán và biệt lập, cư trú rải rác thành các điểm tụ cư và khó liên lạc với nhau.

Trong tổ chức xã hội cổ truyền của dân tộc, người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi chỉ biết đến Vil, Vel hay Val - tương ứng với khái niệm làng của người Việt. Đó là cộng đồng những người có quan hệ huyết thống hoặc khác huyết thống cùng sinh sống, làm ăn trong phạm vi đất đai nhất định. Tổ chức Vil, Vel hay Val gồm có khu cư trú, các nguồn nước, khu canh tác, khu săn bắn, chăn nuôi, khu rừng cấm (rừng ma) là khu mồ mả và khu rừng đặt miếu thờ.

Sự hình thành làng, bản của người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố như: Gần nguồn nước sinh hoạt, thuận lợi cho sản xuất nương rẫy, săn bắt thú rừng, hái lượm lâm, thổ sản, cung cấp chất đốt... và đặc biệt là phải có sự đồng ý của thần linh. Một yếu tố khác cũng được đồng bào quan tâm trong bố cục làng truyền thống, đó là khả năng phòng thủ. Xuất phát từ đặc điểm cư trú tại nơi rừng núi hiểm trở, đồng bào phải tồn tại độc lập giữa thiên nhiên hoang dã cũng như xác lập sự hiện diện của mình trước những cộng đồng cùng tộc hay khác tộc có thể dẫn đến sự va chạm bất cứ lúc nào theo quy luật sinh tồn. Trong điều kiện đó, bên cạnh việc quần cư thì nhu cầu cấp thiết đặt ra là phải có một thiết chế mang tính cộng đồng, biểu tượng cho sự hợp nhất về vật chất và tinh thần, củng cố tình đoàn kết, tạo nên một tập thể lớn mạnh, bền chặt, đồng lòng, tương trợ, đùm bọc trong sản xuất, chiến đấu cũng như trong sinh hoạt.

Khi đã được xác định thì phạm vi đất làng là bất khả xâm phạm đối với các làng khác. Cấu trúc làng bản truyền thống đặc trưng của dân tộc Bru-Vân Kiều và Tà Ôi thường theo hình tròn, tứ giác, chữ U hoặc hình nan quạt. Mỗi làng bản quần tụ khoảng trên dưới 100 nhân khẩu, từ 10 đến vài chục nóc nhà. Khoảng cách giữa hai làng thường khá lớn, đôi khi những dòng chảy hay dãy núi cao được đồng bào sử dụng làm ranh giới tự nhiên để xác định địa giới làng.

Cách đặt tên làng bản chủ yếu được đồng bào sử dụng theo trực giác tự nhiên, song khi đã xác định thì mãi mãi một danh xưng, không ai có thể thay đổi. Đồng bào rất tôn trọng và tự hào về tên bản làng của mình. Cách đặt tên bản, làng của người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi thường dựa trên các tiêu chí như: Gắn với tên một loại cây (bản Cây Đa, bản Khoai...); gắn với tên khe suối (bản Khe Paling, bản Khe Apai...); gắn với tên sông (bản Rào Quán, bản Ba Lòng...); gắn với tên núi (bản Động Tranh, bản Động Tri...); gắn với tên địa hình (làng Cát, làng Đồi...); tên vay mượn người Kinh (Trại Cá, Đá Bàn...). Cũng có trường hợp đặt theo cảm tính nên tên làng bản không có ý nghĩa nội dung (Tamêl, Parngiau...) nhưng danh xưng đó vẫn có giá trị thiêng liêng. Sau này, khi xã hội biến đổi và trải qua nhiều bước ngoặt lịch sử, tên các làng mới lập cũng được đặt theo những tên mới như Phú An, Phú Thành, Vĩnh Hà...

Ở đầu làng đều dựng một cái miếu được coi như cửa ngõ của làng. Các nhà ở nhất thiết phải hướng tới ngôi nhà chung của làng. Những làng không có ngôi nhà chung thì thay vào vị trí ấy là một khoảng sân rộng dùng làm nơi sinh hoạt, hội hè của làng. Những ngôi nhà trong làng phải đảm bảo một nguyên tắc, đó là các đòn nóc không được đâm vào nhau. Theo cấu trúc truyền thống, xung quanh làng thường được bao bọc bằng hệ thống hàng rào kiên cố, vững chắc để chống thú dữ, trộm cắp, giặc dã. Hàng rào cao từ 1,5-2m, được làm từ gỗ, tre, lồ ô... chôn xuống đất và kết nối với nhau bằng dây mây, dây rừng. Khi rào làng, đồng bào làm một cổng chính để ra vào và một cổng phụ dùng khi trong làng có chuyện bất trắc. Cổng làng được chọn về hướng thuận lợi nhất cho việc đi lại. Trong truyền thống tộc người, dù khu vực được lựa chọn làm nơi cư trú có địa hình nhỏ hẹp, hiểm trở hay rộng lớn thì cấu trúc ngôi làng cũng không thay đổi, đó là biểu trưng cho sức mạnh cố kết tộc người của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều và Tà Ôi nói riêng, các dân tộc thiểu số cư trú trên dãy Trường Sơn nói chung.

Trong phạm vi đất làng có một khu vực làm nghĩa địa chung, là nơi cây cối um tùm, xanh tốt quanh năm, nằm về phía Tây của làng. Tại khu vực đó, cư dân không được đốt rừng làm nương rẫy. Các thành viên trong làng nếu chết vì già cả, ốm đau chết tại nhà thì được chôn tại đây. Khu rừng này không ai đi lại và cũng không ai đến gần để săn bắt hay làm rẫy.

Mỗi làng có một chủ làng, thường là người của dòng họ gốc cha truyền con nối qua nhiều thế hệ, có tài năng và đức độ, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, tín ngưỡng của làng. Chủ làng cũng là người có tài ngoại giao và sản xuất, chịu trách nhiệm điều hành, quản lý mọi công việc của làng, quản lý đất đai, tổ chức sắp xếp làng bản. Thầy cúng, thầy mo là những người rất có uy tín trong xã hội người Bru-Vân Kiều và Tà Ôi, được dân làng kính trọng. Họ vừa làm nhiệm vụ tôn giáo, vừa chữa bệnh cho dân làng. Hội đồng già làng gồm các trưởng họ, người có công tìm ra vùng đất mới cho làng cùng tất cả người cao tuổi trong làng có trách nhiệm tư vấn cho trưởng làng. Hội đồng này là một tổ chức không thể thiếu trong bộ máy tự quản của làng. Họ rất được coi trọng và được coi như rường cột trong gia đình và trong làng.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doc-dao-cau-truc-lang-cua-nguoi-bru-van-kieu-va-ta-oi-post484443.html
Zalo