Niềm vui đến từ giáo dục

Từ năm học 2025 - 2026, học sinh Tiểu học và THCS sẽ được học 2 buổi/ngày miễn phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc này đang nhận được sự đồng thuận cao từ các thầy, cô giáo, phụ huynh và chuyên gia, bởi đây là chính sách khiến rất nhiều người dân cảm thấy được động viên, khích lệ, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Đ.Tùng)

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai). (Ảnh: Đ.Tùng)

Quyết định tiên phong và nhân văn

Văn phòng Trung ương Đảng vừa ra thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc ngày 18/4 với Chính phủ và các ban, Bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học.

Theo đó, Tổng Bí thư thống nhất chủ trương các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi mỗi ngày, tùy theo điều kiện từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên. Các đơn vị cần có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa. Việc dạy 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh (HS), tăng cường dạy văn hóa, nghệ thuật, giảm áp lực, bảo đảm HS phát triển toàn diện.

Thông báo nêu rõ: “Giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng giáo dục”. Cũng theo thông báo này, thống nhất Nhà nước hỗ trợ bữa ăn trưa cho HS tiểu học và THCS ở các xã biên giới, trong đó ưu tiên các xã biên giới miền núi (cả HS dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh sống tại địa bàn này).

Các địa phương cần xây dựng hoàn thiện các trường liên cấp nội trú, bán trú cho các xã biên giới, tạo thuận lợi cho HS học tập và sinh hoạt. “Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần giám sát, nghiêm cấm việc bớt xén tiêu chuẩn ăn của HS. Trước mắt, thực hiện việc này tại các xã biên giới đất liền, từ năm học 2025 - 2026 (tháng 9/2025), trên cơ sở đó làm bài học để nhân rộng toàn quốc”, thông báo nêu...

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định: “Chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục quốc dân hiện đại, bình đẳng. Dạy 2 buổi/ngày không chỉ nâng cao chất lượng học tập mà còn giúp HS được tiếp cận với văn hóa, nghệ thuật, rèn luyện thể chất. Nhưng để làm được, cần có điều kiện trường lớp, giáo viên, chương trình học và cả sự phối hợp từ nhiều Bộ, ngành, không thể để ngành Giáo dục tự làm một mình”.

PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, chỉ đạo của Tổng Bí thư về miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho HS là một quyết định mang tính chất tiên phong, rất nhân văn và đầy ý nghĩa thực tiễn. Đây là chính sách khiến rất nhiều người dân cảm thấy được động viên, khích lệ, đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đến các gia đình, đặc biệt là những hộ còn nhiều khó khăn. Chính sách này, nếu được triển khai tốt ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, sẽ giúp tăng tỷ lệ HS đến lớp, giảm tình trạng bỏ học vì khó khăn kinh tế”.

Phụ huynh, thầy cô vùng sâu, vùng xa xúc động

Chị Côi (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), phụ huynh có 2 con học lớp 8 và lớp 6 tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai cho hay, gia đình chị có 3 con nhỏ, chỉ có nghề làm nông nên thu nhập bấp bênh. Nếu được học hai buổi, có cơm trưa, các con chị sẽ được ở lại trường an toàn, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. “Người dân vùng cao chúng tôi biết ơn chính sách này vì đây là cách tốt nhất để giúp con em dân tộc thiểu số có cơ hội vươn lên...”, chị Côi bày tỏ.

Là một giáo viên đã nhiều năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” ở vùng sâu, vùng xa đang công tác tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), thầy Vũ Văn Tùng cho biết, ở nơi đây có đến hơn 90% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên việc duy trì sĩ số lớp học luôn là một bài toán nan giải đối với các trường nơi đây. Nếu được miễn học phí và có thêm bữa ăn trưa tại trường các em sẽ không chỉ được học về văn hóa mà còn được rèn luyện sức khỏe. Thầy tin chất lượng giáo dục nơi đây sẽ cải thiện rõ rệt hơn.

Thầy Tùng xúc động: “Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Tổng Bí thư và lãnh đạo các cấp. Những chính sách này chắc chắn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho giáo dục, đặc biệt là những vùng khó khăn. Đây cũng là cơ hội để các em nhỏ ở vùng cao sẽ không bị tụt lại phía sau và được phát triển toàn diện... Không chỉ riêng tôi, mà tất cả thầy cô, phụ huynh và người dân ở vùng sâu, vùng xa đều rất vui mừng khi nghe thông tin về chính sách miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh từ năm học 2025 - 2026...”.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/niem-vui-den-tu-giao-duc-post548068.html
Zalo