Dự kiến bỏ kiểm định đối với giáo dục phổ thông, hiệu trưởng được cấp bằng THPT
Số lượng trường mầm non, phổ thông và TTGDTX lên tới hàng chục nghìn cơ sở, trong khi số tổ chức kiểm định đang hoạt động rất hạn chế.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 110 quy định về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục.
Điểm mới đáng chú ý là việc không tiếp tục áp dụng kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên thông qua tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục như hiện hành. Thay vào đó, Dự thảo chuyển sang hình thức đánh giá chất lượng theo quy định của Bộ.
Lý do được đưa ra là quy định hiện nay không khả thi trên thực tế. Nếu áp dụng cơ chế kiểm định như đối với giáo dục đại học sẽ gây quá tải lớn, do số lượng trường mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên lên tới hàng chục nghìn cơ sở (hơn 15.000 trường mầm non, 12.000 trường tiểu học, 10.700 trường trung học cơ sở, gần 3.000 trường trung học phổ thông...), trong khi hiện nay số tổ chức kiểm định đang hoạt động rất hạn chế, nhân lực kiểm định viên cũng không đủ đáp ứng yêu cầu. Chưa kể, Thông tư của Bộ quy định chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục là 5 năm.
Bên cạnh đó, việc kiểm định thông qua tổ chức kiểm định chất lượng sẽ phát sinh nhiều chi phí như hợp đồng đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, chi phí cho thành viên đoàn đánh giá ngoài, tổ chức tập huấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho các đơn vị, cá nhân thực hiện công tác tự đánh giá…, trong khi đó, đa số là cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập, không có quyền tự chủ tài chính như cơ sở giáo dục đại học, nên rất khó đảm đương nguồn kinh phí cho hoạt động này.

Chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông cho hiệu trưởng
Ngoài ra, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 34 theo hướng giao các cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình trung học cơ sở, thay vì thủ tục “cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở” đang thực hiện tại Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông từ Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho hiệu trưởng nhà trường, nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền và cắt giảm thủ tục hành chính.

Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 36 quy định về mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp được xác định nhằm đào tạo nhân lực cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và phát triển kỹ năng theo hướng ứng dụng, thực hành liên quan đến nhiều lĩnh vực nghề nghiệp, sản xuất, dịch vụ và sinh kế nhằm hướng tới việc làm, thích ứng với sự thay đổi của công nghệ và thị trường lao động, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bãi bỏ các Điều 49, 50 và 51 của Luật Giáo dục hiện hành (về điều kiện thành lập, đình chỉ hoạt động, chia tách, sáp nhập, giải thể nhà trường), nhằm cắt giảm triệt để thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư trong Luật, đồng thời chuyển thẩm quyền quy định sang Chính phủ.
Cùng với đó, tại khoản 1, Điều 85, quy định về học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập cũng được đề xuất sửa đổi theo hướng không quy định chi tiết kết quả học tập để xét học bổng ngay trong Luật, mà sẽ giao cho Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể, nhằm tăng tính linh hoạt và phù hợp thực tiễn.

Xem chi tiết Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục TẠI ĐÂY.