Đưa cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy
'Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém'; 'Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong'; 'Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu'... Những lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một chân lý, nhất là khi chúng ta đang sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp và chuẩn bị
Cán bộ nào phong trào ấy
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt thời gian và ngày càng tỏa sáng như ánh bình minh, giúp chúng ta vững bước trên hành trình mới. Trong đó, không thể không nói đến quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt”. Theo Người, có cán bộ tốt và cán bộ xoàng. Để nhận rõ 2 hạng cán bộ này không khó. Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy, bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật, thì việc gì cũng uể oải... Đó là một cách nhìn thực tiễn, qua phong trào từng địa phương để biết năng lực, hiệu quả công tác của cán bộ. Cán bộ nào phong trào ấy.

Lãnh đạo UBND xã Bình Dương (Bình Sơn) kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa của xã. Ảnh: HIỀN THU
Cán bộ tốt phải có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. “Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Để có cán bộ tốt là cả quá trình đào tạo, bồi dưỡng và tự rèn luyện phấn đấu không ngừng nghỉ của mỗi người. Bài học đau xót những năm gần đây vẫn còn đó, không ít cán bộ được đào tạo bài bản, rèn luyện thử thách qua nhiều cương vị công tác, nhưng chỉ một phút “mềm lòng” với cái tôi chủ nghĩa, tham ô, nhận hối lộ, mà vướng vào lao lý, mất hết danh dự, sự nghiệp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng.
Để ngày càng có nhiều cán bộ tốt, bớt cán bộ xoàng, cần phải làm đồng bộ nhiều cách, gắn đào tạo với bố trí sử dụng, tạo môi trường cho cán bộ phấn đấu. Mặt khác, có cơ chế, chế tài xử lý nghiêm cán bộ sai phạm; thay thế, cho thôi việc cán bộ không đủ uy tín; hoặc làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh - căn bệnh sợ trách nhiệm đã xuất hiện mấy năm gần đây. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ để xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, thật sự là “công bộc” của dân.
Chọn mặt gửi vàng
Trong đổi mới công tác cán bộ, trước hết cần đổi mới khâu đánh giá để bố trí đúng người vào vị trí xứng đáng. Hiện nay, cả nước đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, thì nhiệm vụ then chốt này càng phải coi trọng. Các chủ trương lớn của Đảng có được hiện thực hóa để đất nước vươn mình phát triển hay không, điều cốt tử là ở công tác cán bộ. Bởi cán bộ là người đề ra đường lối, đồng thời tổ chức thực hiện đường lối đó. Sau sáp nhập, mỗi tỉnh, thành phố, làm thế nào để lựa chọn những cán bộ đảm bảo chất lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời, có chính sách hợp lý với hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức dôi dư. Việc lựa chọn cấp ủy khóa mới cũng đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn, khó và phức tạp hơn. Mấu chốt thành công cho công việc này là việc đánh giá cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trước khi cất nhắc cán bộ, phải xem xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào, mà còn phải xem xét họ đối với người khác thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số nhiều đồng chí có nhận họ tốt hay không. Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ, không nên chỉ xem xét công việc của họ trong một lúc, mà phải xem xét công việc của họ từ trước đến nay.
Nhằm tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hơn bao giờ hết, đây là lúc cần mở “cẩm nang” công tác cán bộ mà Người đã dày công đúc kết, học và làm theo. Để “chọn mặt gửi vàng”, thì điều đầu tiên phải nhận biết đâu là cán bộ tốt, đâu là cán bộ xoàng. Có như thế mới chọn đúng những người đủ đức tài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, như Tổng Bí thư Tô Lâm từng phát biểu: “Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém”. Đó cũng là mong đợi của nhân dân, là đòi hỏi khi đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, phát triển phồn vinh và hùng cường.