Niềm tin với KOLs vụn vỡ từ những vụ như Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs
TS.BS Trương Hồng Sơn phân tích khi nhận tiền để quảng cáo, nghệ sĩ, KOL đã trở thành một phần trong chuỗi thương mại và không thể vô can nếu sản phẩm gây hại.

30% là tỷ lệ cổ phần và lợi nhuận mà Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên nắm giữ trong sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Với vai trò đồng sáng lập và góp vốn tại Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, Thùy Tiên vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam. Không chỉ Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, trước đó, nhiều nghệ sĩ như biên tập viên Quang Minh, diễn viên Vân Hugo cũng bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật sản phẩm dinh dưỡng.
Những vụ việc liên tiếp cho thấy lỗ hổng trong quản lý truyền thông y tế và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của người nổi tiếng khi tham gia hoạt động quảng bá.

Thùy Tiên tại cơ quan công an.
Khi lời người nổi tiếng... vượt qua cả lời bác sĩ
Vì sao một hoa hậu, biên tập viên hay diễn viên không chuyên ngành y lại có thể ảnh hưởng mạnh đến hành vi sức khỏe của hàng vạn người? TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, lý giải với Tri Thức - Znews:
"Chúng ta đang sống trong một xã hội mà lời khuyên của người nổi tiếng đôi khi lại được tin hơn cả chuyên gia y tế. Người tiêu dùng tiếp nhận thông tin theo cảm xúc, ấn tượng cá nhân, câu chuyện gần gũi hơn là dữ liệu khoa học".
Đây chính là "hiệu ứng hào quang" (Halo Effect). Khi công chúng yêu mến một nghệ sĩ trong lĩnh vực giải trí, họ dễ dàng tin tưởng người đó trong cả những lĩnh vực ngoài chuyên môn, kể cả... dinh dưỡng lâm sàng.
Người bệnh thường không có kiến thức chuyên môn để phân biệt đâu là thật - giả. Họ chỉ biết tin vào những gì có vẻ đáng tin
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam
Không chỉ vậy, nhiều thông tin y tế được truyền tải khô khan, hàn lâm, thiếu kênh tiếp cận đại chúng, dẫn đến khoảng cách giữa khoa học và người dân. Trong bối cảnh thông tin bão hòa, công chúng thường ưu tiên "kinh nghiệm thật" thay vì con số, nghiên cứu - dù chưa được kiểm chứng.
Nghiên cứu đăng trên Health Communication (2019) từng chỉ ra rằng thông tin y tế do người nổi tiếng chia sẻ có tác động mạnh đến hành vi của công chúng, bất kể độ chính xác. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về tình trạng "infodemic" - dịch bệnh thông tin sai lệch - nơi tin giả hấp dẫn lan nhanh hơn thông điệp khoa học chính thống.
TS.BS Trương Hồng Sơn phân tích nhiều nghệ sĩ viện dẫn lý do "không biết sản phẩm vi phạm", nhưng khi nhận tiền để quảng bá, họ đã trở thành một phần trong chuỗi thương mại và không thể vô can nếu sản phẩm gây hại.
"Đặc biệt nguy hiểm khi những sản phẩm chưa qua kiểm nghiệm lại được dùng cho các đối tượng dễ tổn thương như trẻ sơ sinh, người bệnh mạn tính, người già hay phụ nữ mang thai", ông nhấn mạnh.

Hoa hậu Thùy Tiên quảng bá kẹo Kera với Quang Linh VLogs, Hằng Du Mục. Ảnh: Kera Vietnam.
Vị chuyên gia cũng cho rằng các sản phẩm dinh dưỡng y tế cần được kiểm soát nghiêm ngặt tương tự thuốc điều trị. Theo Hướng dẫn của ESPEN (2021), chúng chỉ nên sử dụng khi có chỉ định rõ ràng, giám sát chặt chẽ lâm sàng và đánh giá hiệu quả, an toàn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, cơ chế kiểm duyệt trước quảng cáo còn lỏng lẻo, nghệ sĩ không bị ràng buộc trách nhiệm pháp lý và chưa có hệ thống xác minh nội dung y tế độc lập trước khi phát sóng.
Điều đó khiến người tiêu dùng rơi vào "ma trận quảng cáo" mà không có công cụ bảo vệ hiệu quả.
Giải pháp để truyền thông y tế không còn bị thao túng
TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết ông chỉ đồng hành với các sản phẩm có cơ sở khoa học rõ ràng, đã trải qua nghiên cứu lâm sàng nghiêm túc, có tài liệu minh bạch và được kiểm định bởi cơ quan chức năng hoặc tổ chức uy tín như FDA, EFSA. Ông nhấn mạnh không tham gia quảng bá cho các sản phẩm thiếu minh bạch, thổi phồng công dụng hoặc chưa được kiểm nghiệm.
Sau mỗi vụ việc, dư luận dậy sóng rồi lại lặng xuống. Nhưng với người bệnh, hậu quả vẫn còn đó - không chỉ về sức khỏe, mà cả về niềm tin bị phản bội
TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam
Với ông, sự uy tín của một người làm y tế không thể đánh đổi lấy những hợp đồng ngắn hạn. Tuyệt đối không chấp nhận quảng bá cho các sản phẩm có dấu hiệu thổi phồng công dụng, lợi dụng nỗi lo sức khỏe để bán hàng, đặc biệt là với nhóm dễ tổn thương như trẻ nhỏ, người bệnh mạn tính, hay phụ nữ mang thai.
Ưu tiên các thương hiệu tuân thủ nghiêm túc các quy định về quảng cáo trong ngành y tế và dinh dưỡng (ví dụ: không đưa ra "tuyên bố chữa bệnh" sai lệch).
Bác sĩ Sơn nhấn mạnh khoa học không thể cạnh tranh với tin giả về tốc độ lan truyền, nhưng có thể chiến thắng về niềm tin nếu chuyên gia biết cách truyền đạt, biết đồng hành cùng công chúng.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đề xuất các giải pháp sau:
Chuyên gia chủ động truyền thông: Tham gia mạng xã hội, sử dụng video ngắn, infographic, kể chuyện lâm sàng để kết nối cảm xúc.
Liên minh nghệ sĩ - chuyên gia: Người nổi tiếng truyền cảm hứng, chuyên gia cung cấp nội dung chính xác. Ví dụ: talkshow có cả bác sĩ và nghệ sĩ uy tín.
Minh bạch hóa sản phẩm: Công bố thành phần, nguồn gốc, chứng nhận trên cổng thông tin chính thống của bệnh viện/Bộ Y tế. Áp dụng đúng những qui định về dinh dưỡng trong bệnh viện của Bộ Y tế trong thông tư 18/2020/ TT-BYT.
Việc tư vấn về chế độ dinh dưỡng phải được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng hoặc các cán bộ dinh dưỡng.
Tăng vai trò của hội nghề nghiệp: Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dinh dưỡng, Hội Y học dự phòng, Hội Y tế công cộng) trong việc đánh giá, kiểm tra, xử lý đạo đức hành nghề và phát ngôn chuyên môn.
Giáo dục truyền thông sức khỏe từ sớm: Dạy trẻ em, học sinh kỹ năng nhận diện thông tin y tế đúng - sai, tư duy phản biện khi tiếp cận mạng xã hội.
Ràng buộc trách nhiệm pháp lý với người nổi tiếng quảng bá sản phẩm sức khỏe: Cần tham khảo mô hình của FTC (Mỹ), ASA (Anh), KFTC (Hàn Quốc) như nghệ sĩ phải khai báo mối quan hệ tài chính, bị xử phạt nếu quảng cáo sai lệch.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam. Ảnh: NVCC.
Đừng để người bệnh là nạn nhân kép
Sau mỗi vụ việc, dư luận dậy sóng rồi lại lặng xuống. Nhưng với người bệnh, hậu quả vẫn còn đó - không chỉ về sức khỏe, mà cả về niềm tin bị phản bội.
"Người bệnh không có kiến thức chuyên môn để phân biệt đâu là thật - giả. Họ chỉ biết tin vào những gì có vẻ đáng tin. Và nếu chúng ta không thiết lập cơ chế trách nhiệm rõ ràng, họ sẽ tiếp tục là nạn nhân kép: vừa bị tổn thương thể chất, vừa bị bỏ rơi về pháp lý và tinh thần", bác sĩ Trương Hồng Sơn trăn trở.
Không chỉ vậy, các sản phẩm thiếu kiểm chứng có thể "mượn danh nghiên cứu", "trích dẫn sai lệch" hoặc thuê người có bằng cấp đứng tên để tạo niềm tin giả tạo với công chúng và bệnh viện. Điều này làm xói mòn lòng tin vào giới khoa học, và quan trọng hơn làm lệch chuẩn y khoa vốn cần được đặt trên bằng chứng khách quan, độc lập.
Ông cũng cho rằng sự việc của hoa hậu Thùy Tiên hay biên tập viên Quang Minh, Vân Hugo không nên chỉ dừng lại ở một vụ xử phạt đơn lẻ. Đây là bước đi cứng rắn từ phía cơ quan chức năng trong việc chấn chỉnh tình trạng quảng cáo sai lệch trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là xem đây như một bước ngoặt để rà soát lại toàn bộ cách kiểm soát truyền thông y tế, nếu không muốn tiếp tục trả giá bằng sức khỏe và niềm tin của người dân.