Nghiên cứu phát triển các loài cây chứa tinh dầu có giá trị kinh tế cao

Tây Bắc Việt Nam là khu vực sở hữu hệ sinh thái độc đáo và đa dạng; tuy nhiên, việc nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên thực vật chứa tinh dầu tại đây còn hạn chế, cần được tiếp tục đánh giá.

Cây Mắc Khén. (Nguồn: TTXVN)

Cây Mắc Khén. (Nguồn: TTXVN)

Vùng Tây Bắc Việt Nam là khu vực sở hữu hệ sinh thái độc đáo và đa dạng; tuy nhiên, việc nghiên cứu và khai thác nguồn tài nguyên thực vật chứa tinh dầu tại đây còn hạn chế, cần được tiếp tục đánh giá.

Từ thực tế trên, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai thực hiện dự án cấp Viện Hàn lâm: “Điều tra, đánh giá nguồn thực vật có tinh dầu ở một số tỉnh vùng Tây Bắc Việt Nam và đề xuất giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững” (mã số: UQĐTCB.05/22-24).

Dự án thực hiện từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2024, tập trung xây dựng bộ dữ liệu chi tiết về nguồn thực vật có tinh dầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên) nhằm phát hiện các loài cây chứa tinh dầu có tiềm năng, mang lại giá trị khoa học, kinh tế - xã hội.

Xây dựng bộ dữ liệu chi tiết về các loài thực vật có tinh dầu

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Huy Thái, Chủ nhiệm dự án cho biết, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về sự đa dạng thành phần loài cây chứa tinh dầu tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vùng phụ cận như: Pà Cò - Hang Kia, Phu Canh (Hòa Bình); Xuân Nha, Sốp Cộp, Mường La (Sơn La); Mường Tè, núi Pu Ta Leng (Lai Châu) và Mường Nhé, Mường Phăng (Điện Biên).

Trong khuôn khổ nghiên cứu, các nhà khoa học đã ghi nhận được 233 loài thực vật thuộc 36 họ và 110 chi có tinh dầu tại một số tỉnh khu vực Tây Bắc.

Các thông tin chi tiết về hình thái, sinh học, sinh thái và sự phân bố của một số loài đại diện cũng được thu thập, tạo nền tảng cho việc hiểu biết sâu hơn về hệ thực vật địa phương.

Trong quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 100 số hiệu mẫu, bao gồm 220 tiêu bản, hình thành bộ dữ liệu phong phú, góp phần quan trọng vào nghiên cứu và bảo tồn.

Dựa trên kết quả phân tích, các nhà khoa học đã xác định được 167 loài thực vật có tinh dầu với giá trị sử dụng đa dạng, được phân thành 6 nhóm tài nguyên chính: Cây lấy gỗ, cây làm thuốc, cây ăn được, cây làm cảnh, cây gia vị và cây có giá trị bảo tồn.

Đặc biệt, có 22 loài thuộc danh mục bảo tồn theo Sách Đỏ Việt Nam và Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Triển vọng ứng dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Huy Thái cho biết, với kết quả ban đầu, dự án đã mở ra cơ hội lớn về ứng dụng trong ngành công nghiệp hương liệu, mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm đối với một số bộ phận của cây tinh dầu được khai thác tự nhiên, gây trồng và buôn bán trên thị trường như: Hạt mắc khén, màng tang, hạt giổi, củ gừng, nghệ, sả chanh, thạch xương bồ…

Một số loài như: Giổi, vù hương và tiêu rừng có thành phần chính là tinh dầu xá xị (safrole) với hàm lượng khá cao từ 75%- 90% (safrole là chất phụ gia được sử dụng nhiều trong thực phẩm và đồ uống)…

Một số loài: Xương bồ, ngải cứu, quế, húng quế, hương nhu trắng, gừng gió…cũng có triển vọng ứng dụng trong y dược với hoạt tính kháng vi sinh vật, kháng nấm, chống côn trùng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Huy Thái, từ kết quả của dự án, nhóm nghiên cứu đã công bố 6 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế, đóng góp quan trọng vào lĩnh vực khoa học và ứng dụng.

Tiêu biểu, bài báo trên Tạp chí Journal of Essential Oil Bearing Plants (2024) không chỉ xác định thành phần hóa học mà còn làm rõ hoạt tính kháng khuẩn của tinh dầu từ cây Giổi ăn hạt, góp phần thúc đẩy phát triển dược liệu kháng khuẩn tự nhiên.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phân tích thành phần hóa học của một số mẫu tinh dầu từ các loài mà thành phần chính chưa xác định được bằng phương pháp phân tích sắc ký khí khối phổ, tiến hành thử hoạt tính kháng vi sinh vật của một số mẫu có tiềm năng ứng dụng, có ý nghĩa khoa học trong các mẫu tinh dầu đã được phân tích ở trên,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Huy Thái cho biết thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lưu Đàm Cư, thành viên Hội đồng nghiệm thu dự án đánh giá, dự án đã cung cấp dữ liệu quan trọng về nguồn tài nguyên thực vật có tinh dầu tại khu vực Tây Bắc, tạo nền tảng cho các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững các loài cây tiềm năng.

Ngoài ra, việc thử nghiệm hoạt tính kháng vi sinh vật của các mẫu tinh dầu tiềm năng sẽ giúp làm rõ các ứng dụng khoa học quan trọng trong lĩnh vực dược liệu và bảo vệ thực vật.

Những nghiên cứu này không chỉ mở rộng khả năng ứng dụng của các loài thực vật có tinh dầu mà còn góp phần thúc đẩy bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên tại khu vực Tây Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nghien-cuu-phat-trien-cac-loai-cay-chua-tinh-dau-co-gia-tri-kinh-te-cao-post1040003.vnp
Zalo