6 cách để phát hiện một trang web lừa đảo

Thị trường mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh cũng là lúc các trang web lừa đảo nở rộ với mức độ tinh vi ngày càng cao.

Hình thức lừa đảo phổ biến là sao chép giao diện của các sàn thương mại điện tử, ngân hàng hoặc hãng công nghệ lớn để đánh lừa người dùng.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, các trang web lừa đảo hiện nay không chỉ nhắm vào người dùng không rành về công nghệ, mà ngay cả chuyên gia cũng có thể bị qua mặt nếu thiếu cảnh giác. Dưới đây là một số dấu hiệu để nhận biết.

1. Địa chỉ URL bất thường

Một chiêu trò cực kỳ phổ biến của kẻ lừa đảo là tạo ra một trang web giả mạo có địa chỉ gần giống trang web uy tín. Ví dụ như amaz0n.com thay vì amazon.com, hay paypal.support thay vì paypal.com.

Ngoài ra, chúng còn dùng thủ thuật tạo tên miền phụ đánh lừa thị giác như payoneer.secure-login-site.com, trông có vẻ hợp pháp nhưng thực chất là giả mạo.

Do đó, nếu bạn thấy thiếu tiền tố https://, không có biểu tượng ổ khóa ở thanh địa chỉ, hoặc có cấu trúc rối rắm bất thường, hãy tạm dừng và kiểm tra lại.

 Các trang web lừa đảo thường không sử dụng giao thức HTTPS an toàn. Ảnh: Shutterstock/Robert Avgustin

Các trang web lừa đảo thường không sử dụng giao thức HTTPS an toàn. Ảnh: Shutterstock/Robert Avgustin

2. Tên miền quá mới

Các trang web lừa đảo thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì vậy kẻ gian thường hay sử dụng các tên miền mới được đăng ký. Ngược lại, các thương hiệu thật sự thường có tuổi đời tên miền lâu năm.

Bạn có thể kiểm tra tuổi tên miền bằng công cụ miễn phí như who.is.

3. Câu chữ ngô nghê, giao diện lỗi thời

Một trang web chính thống sẽ đầu tư vào trải nghiệm người dùng và nội dung. Trong khi đó, trang giả mạo thường dùng công cụ miễn phí, giao diện lỗi thời, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp hoặc câu cú rập khuôn, cứng nhắc.

Nếu cảm thấy trang web có vẻ lừa đảo, bạn không nên nhập bất kì dữ liệu nào và rời khỏi ngay lập tức.

4. Khuyến mãi… hời đến mức khó tin

Một chiêu lừa đảo khác cũng khá quen thuộc là giảm giá 80-90%, hoặc rao bán các mẫu điện thoại cao cấp với giá chỉ vài triệu đồng. Đi kèm theo đó là bộ đồng hồ đếm ngược “chỉ còn 5 phút” hoặc pop-up “người dùng cuối cùng vừa đặt hàng”.

Thực chất, những gì bạn có thể nhận được chỉ là hàng nhái, hàng lỗi hoặc tệ hơn là mất cả tiền lẫn thông tin cá nhân. Do đó, trước khi mua sắm, bạn nên so sánh giá với các gian hàng uy tín trên những sàn thương mại điện tử hoặc các website chính hãng. Nếu mức giá chênh lệch quá lớn, đây có thể là một cái bẫy.

5. Thiếu thông tin liên hệ rõ ràng

Trang web hợp pháp thường cung cấp thông tin minh bạch như địa chỉ thực tế, số điện thoại hoạt động, email chuyên nghiệp, thậm chí là danh sách trên Google Maps hoặc các mạng xã hội. Do đó, nếu thiếu những thông tin này, nhiều khả năng đây là trang web lừa đảo.

 Thương mại điện tử bùng nổ cũng kéo theo các trang web lừa đảo xuất hiện. Ảnh: TarikVision/Shutterstock

Thương mại điện tử bùng nổ cũng kéo theo các trang web lừa đảo xuất hiện. Ảnh: TarikVision/Shutterstock

6. Đánh giá “ảo” và lời khen sáo rỗng

Trang web nào cũng có đánh giá của người dùng, nhưng bạn cần xem xét kỹ, nếu có nhiều đánh giá trùng lặp nội dung, tất cả đều là 5 sao hay chỉ toàn lời khen kiểu “dịch vụ tốt nhất từng thấy” thì có thể đây là trang web lừa đảo.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tìm kiếm thêm tên website kèm từ khóa “lừa đảo”, “review” hoặc “đánh giá” trên Google, Reddit, Trustpilot để xem phản hồi từ cộng đồng.

Tiểu Minh

Nguồn PLO: https://plo.vn/6-cach-de-phat-hien-mot-trang-web-lua-dao-post850923.html
Zalo