Niềm tin với chiến thắng tất yếu và ký ức Ngày Giải phóng Thủ đô

Trong không khí hân hoan chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chúng tôi được lắng nghe câu chuyện lịch sử đặc biệt như những tiên đoán về ngày tiếp quản Thủ đô trong mùa thu lịch sử năm 1954.

Những tiên đoán về ngày tiếp quản Thủ đô

Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ, từ đầu thế kỷ 19, khi nhà Nguyễn lên nắm quyền, một trong những quyết định đầu tiên là dời đô từ Hà Nội vào Huế. Đến năm 1945, bắt đầu từ quyết định của Quốc dân Đại hội Tân Trào, khẳng định trong lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một lần nữa được xác tín trong Hiến pháp năm 1946, Hà Nội trở lại vị trí xưa gọi là kinh đô, nay là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 Nhân dân thủ đô vui mừng đón chào đoàn giải phóng quân ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu (TTXVN)

Nhân dân thủ đô vui mừng đón chào đoàn giải phóng quân ngày 10/10/1954. Ảnh tư liệu (TTXVN)

Khi chiến sĩ Thủ đô quyết định ra đi vào đêm mùa đông năm 1947, rời Hà Nội và hẹn ngày trở về, đó là một quyết định thiêng liêng, thể hiện sức mạnh và quyết tâm. Hà Nội là Thủ đô của cả nước, vì vậy, đó cũng là sự quyết tâm của cả dân tộc.

Niềm tin ấy đã được tiên đoán từ rất sớm trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao, sáng tác năm 1948, sau chiến dịch thu đông gian khổ năm 1947. Những câu hát quen thuộc mà chúng ta thường nghe: "Trùng trùng quân đi như sóng..." đã trở thành biểu tượng cho những diễn biến sau này, đặc biệt là sự kiện Hà Nội rực rỡ trong âm vang của khúc quân ca chiến thắng.

"Chúng ta đã trải qua một thời kỳ thử thách lớn để bảo vệ nền độc lập và danh xưng Thủ đô. Người dân Thủ đô và cả nước đã tiến hành kháng chiến chống Pháp, đúng như lời thề của những chiến sĩ quyết tử sau 60 ngày đêm chiến đấu, rút lên chiến khu để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Hẹn ngày trở về, và sự kiện lịch sử ấy đã diễn ra đúng như niềm tin mà nhạc sĩ Văn Cao đã khắc họa trong tác phẩm của mình từ năm thứ hai của cuộc kháng chiến. Bài hát thể hiện niềm tin sắt đá và kết quả cuối cùng, khi ngày tiếp quản và giải phóng Thủ đô đã minh chứng cho lời hứa ấy".

Một lần nữa, điều này khẳng định ý chí của người dân Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội, quyết tâm bảo vệ danh xưng của một quốc gia độc lập, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, như đã được hứa trong bản Tuyên ngôn Độc lập.

 Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Hà Đương

Nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Hà Đương

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, khi đó ông chỉ là cậu bé bảy, tám tuổi, nhưng đến nay vẫn nhớ rõ một chi tiết rất đáng chú ý: Vào tờ Đặc san số Tết năm Giáp Ngọ 1954, có một bức tranh của họa sĩ Lê Văn Xương (một họa sĩ rất nổi tiếng với các bức tranh về Hà Nội). Lúc đó, họa sĩ đang ở vùng tạm chiến và đã vẽ một trong những bức bìa báo xuân đẹp nhất. Bức tranh mô tả hình ảnh lịch sử của vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ dẫn đầu đoàn quân tiến vào giải phóng thành Thăng Long vào năm 1789. Đáng chú ý, phía xa trên nền trời có một cột cờ và trên đỉnh có lá cờ đỏ, điều khiến nhiều người rất chú ý.

"Điều đó như một lời tiên đoán, một lời nhắc nhở và kêu gọi ngày trở về. Mọi người có niềm tin rằng sau 8 năm kháng chiến chống Pháp, đoàn quân năm xưa, sau 60 ngày đêm quyết tử, đã rút lên chiến khu và sẽ trở về trong niềm tin chiến thắng. Thực tế đã diễn ra như thế, trước khi chúng ta nổ súng khởi đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Điều này cho thấy niềm tin của người dân Hà Nội luôn hướng về kháng chiến, hướng về tương lai tất yếu là giải phóng Thủ đô, kết thúc cuộc kháng chiến thắng lợi, giải phóng miền Bắc, trong đó có Hà Nội."

Đó là những chi tiết đầy ý nghĩa, thể hiện rõ niềm tin vững chắc của người dân vào chiến thắng tất yếu, vì thế họ đã cống hiến hết sức lực và thậm chí cả mạng sống của mình cho ngày trở về" - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Ký ức tháng 10 lịch sử

Trong ký ức ông Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1935), Trưởng ban liên lạc của Đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô, thời điểm đó ông được tuyển chọn vào Đội Thanh niên xung phong tiếp quản Hà Nội. Đội gồm gần 400 người, có nhiệm vụ về Hà Nội trước từ khoảng ngày 3 đến 6/10/1954.

 Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử "Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển". Ảnh: HNMO

Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng ban liên lạc của đội thanh niên công tác tiếp quản Thủ đô chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến nhân chứng lịch sử "Hà Nội, 70 năm dựng xây và phát triển". Ảnh: HNMO

Ông Nguyễn Văn Khang kể: "Chúng tôi làm nhiệm vụ 'có một không hai', là tiền trạm tiếp xúc với nhân dân Hà Nội trước khi Đoàn quân tiến về tiếp quản. Lúc bấy giờ, do sự tuyên truyền xuyên tạc của địch, giữa người dân vùng tạm chiếm và quân kháng chiến có nhiều hiểu lầm, nên nhiệm vụ của chúng tôi là tuyên truyền, vận động, giúp người dân thông suốt.

Khi tiếp quản, chúng tôi tháo dỡ những khẩu hiệu phản động, giải thích các chính sách của Chính phủ. Gần 400 thanh niên hàng ngày đi gặp gỡ từng hộ dân, bao gồm công chức, người lao động, quản lý, hành chính cho Pháp, và cả các nhà tư sản, tiểu thương... Nhiều khi đến nhà mà chủ nhà không mở cửa, chúng tôi vẫn kiên trì. Họ hỏi chúng tôi nhiều điều, như có được mặc áo dài không, có tiếp tục buôn bán được không, lương có thay đổi không, có bị trả thù không? Chúng tôi trả lời rằng cuộc sống sẽ không có gì xáo trộn, Chính phủ sẽ duy trì như trước. Sự kiên trì giải thích của chúng tôi đã giúp người dân yên lòng.

Đây là quyết định sáng suốt của Chính phủ, giúp người dân hiểu rõ hơn về quân đội tiếp quản Thủ đô. Ngoài việc giải thích chính sách, chúng tôi còn dạy thanh niên, thiếu nhi hát, cùng đồng bào chuẩn bị khẩu hiệu, cổng chào để đón bộ đội vào ngày 10/10/1954".

 Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ảnh: Lê Thắm/LĐTĐ

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà - Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc Đoàn thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ảnh: Lê Thắm/LĐTĐ

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu, vẫn nhớ rõ ký ức về ngày tham gia giải phóng Thủ đô. Ông kể lại:

"Ngày 10/10/1954, tôi vinh dự đứng trong Đoàn quân Đại thắng tiến về tiếp quản Thủ đô, giữ trọn lời thề 'Nguyện tiến về Hà Nội'. Trong những ngày đầu tiếp quản, nhờ biết ngoại ngữ Anh, Pháp, tôi được giao phụ trách Trại hàng binh Âu, Phi.

Đối với người dân Hà Nội, sau 9 năm kháng chiến bị kìm kẹp dưới ách địch, ngày Giải phóng Thủ đô hơn cả một ngày hội. Đây là ngày giải phóng sau thời kỳ Hà Nội bị tạm chiếm, khi người dân không thể bày tỏ lòng yêu nước công khai. Đến ngày giải phóng, họ được tự do giương cao lá cờ đỏ sao vàng, và bày tỏ nguyện vọng chính đáng của mình.

Về mặt tình cảm, ngày Giải phóng Thủ đô là sợi dây gắn kết giữa các cán bộ quân đội với nhân dân. Nhiều người có gia đình sống trong Hà Nội thời kỳ tạm chiếm, và suốt 9 năm kháng chiến không được gặp nhau. Vì vậy, ngày này còn là ngày đoàn tụ gia đình," ông Nguyễn Tiến Hà xúc động chia sẻ.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/niem-tin-voi-chien-thang-tat-yeu-va-ky-uc-ngay-giai-phong-thu-do-post314729.html
Zalo