Cốm Cao Bằng - món quà của đất trời

Cốm là một trong những món quà đặc sản nổi tiếng của vùng đất Cao Bằng. Với màu xanh non mượt mà và hương thơm tự nhiên đặc trưng của lúa nếp mới, cốm Cao Bằng đã trở thành biểu tượng ẩm thực đầy tự hào của người dân nơi đây. Không chỉ là món ăn gắn liền với văn hóa truyền thống, cốm còn mang đến những trải nghiệm ẩm thực độc đáo, vừa giản dị, vừa tinh tế.

Cốm được làm từ những bông lúa non xanh mướt, hạt căng mẩy.

Cốm được làm từ những bông lúa non xanh mướt, hạt căng mẩy.

Khi nhắc đến cốm, nhiều người thường nghĩ ngay đến cốm làng Vòng Hà Nội, nhưng đối với những ai đã từng một lần thưởng thức cốm Cao Bằng, hương vị độc đáo từ hạt cốm của miền sơn cước này sẽ để lại những ấn tượng không thể nào quên. Không ai biết cốm có từ bao giờ, chỉ biết rằng hằng năm khi gió heo may bắt đầu thổi, những bông lúa nếp vừa chớm chín độ ngả bóng câu, trổ bông căng mẩy, đó cũng là lúc vào mùa cốm đầu tiên. Cốm đã luôn hiện diện mỗi mùa thu về, gắn bó với cuộc sống thường nhật như một nét văn hóa không thể thiếu.

Cốm Cao Bằng có hương vị thanh nhẹ, mang đậm hơi thở của đồng ruộng và núi rừng. Mỗi hạt cốm như gói trọn hương vị của mùa thu, của sự tinh khiết từ thiên nhiên. Điều đặc biệt tạo nên sự khác biệt của cốm Cao Bằng so với các loại cốm khác là hương vị mộc mạc nhưng lại đầy cuốn hút. Hạt cốm xanh mướt, dẻo mềm, vừa vào miệng đã thấy mát dịu, ngọt bùi, thơm mùi lúa mới. Cái vị ngọt tự nhiên của những “hạt ngọc xanh” của đất trời mà càng thưởng thức, thực khách lại càng cảm nhận rõ nét hơn. Cốm không quá mềm mà có độ dẻo vừa phải, khi ăn sẽ cảm nhận rõ độ tươi mới, mang trọn hương vị của đồi nương.

Cách làm cốm cũng cần phải khéo léo, tỉ mỉ trong nhiều công đoạn. Những hạt thóc đẫm sương sớm đem về tuốt hạt, sàng sảy, loại bỏ những hạt lép, sau đó rửa sạch, luộc cho mềm rồi mới đem đi rang. Người ta rang cốm bằng bếp củi vì có thể chăm chút cho ngọn lửa vừa đều. Khi rang cũng cần đảo đều tay liên tục, đảm bảo cho hạt chín đều, tróc vỏ nhưng không bị cứng. Mẻ cốm rang xong còn đang nóng sẽ được đem giã ngay, vừa giã vừa đảo cho cốm không bị bết dính, sau đó loại bỏ trấu và giã thêm vài lần, cho đến khi chỉ còn những hạt cốm mỏng dẻo, thơm mùi lúa mới.

Dẻo, thơm hương cốm Cao Bằng.

Dẻo, thơm hương cốm Cao Bằng.

Có thể được thưởng thức cốm theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc vào khẩu vị và sở thích của mỗi người, mỗi cách thưởng thức lại mang đến một trải nghiệm khác biệt. Người Cao Bằng ăn cốm không vội vàng, mà thong thả, từ tốn như cách họ sống giữa thiên nhiên. Có thể ăn trực tiếp để cảm nhận trọn vẹn hương vị của cốm. Hay một chút cốm xanh, một lát chuối chín, hoặc ăn kèm với hạt dẻ Trùng Khánh,... nhấp một ngụm trà và cảm nhận hương vị hòa quyện lại với nhau. Không chỉ là món ăn thuần túy, cốm Cao Bằng còn có thể biến tấu thành những món ăn khác như chè cốm, xôi cốm hay coóc mò, chả cốm,... Nhưng dù có thưởng thức theo cách nào đi chăng nữa, cốm Cao Bằng luôn mang đến những trải nghiệm ẩm thực mới lạ mà vẫn đậm chất quê hương.

Cốm Cao Bằng không chỉ là một món ăn đơn thuần mà còn gắn liền với văn hóa và đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Trong những dịp lễ hội hoặc tết đến, cốm thường được dùng làm món quà ý nghĩa để biếu tặng bạn bè, người thân như một lời chúc may mắn, no đủ và bình yên, thể hiện sự kính trọng và lòng hiếu khách của người dân nơi đây. Vậy nên, với những ai đã từng một lần thưởng thức món đặc sản này, dù chỉ thoáng qua trong một chiều thu se lạnh, họ sẽ không thể nào quên được cái cảm giác ngọt ngào thanh tao ấy. Đó không chỉ là hương vị của một món ăn, mà là cả một câu chuyện dài về những mùa lúa chín, về cuộc sống bình dị của người dân vùng cao và về một nét đẹp văn hóa trường tồn mãi với thời gian.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/com-cao-bang-mon-qua-cua-dat-troi-3172526.html
Zalo