Niềm tin Công lý số 24: Hành trình phán quyết gian nan

Trong xã hội pháp quyền, công lý được xây dựng bằng sự minh bạch của luật pháp và nỗ lực bền bỉ của những người thực thi. Tuy nhiên, sự thật không phải lúc nào cũng dễ dàng lộ diện. Vụ việc được phục dựng trong chương trình 'Niềm tin số 24 sẽ là ví dụ điển hình. Qua đó, độc giả sẽ thấy được hành trình gian nan của cán bộ tham gia quá trình tố tụng đã vất vả và khó khăn như thế nào để bảo vệ lẽ phải và công lý.

Trong mỗi gia đình, mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi. Sự khác biệt về tính cách, lối sống, quan điểm nuôi dạy con cái hay áp lực kinh tế... đều có thể âm thầm bào mòn nền tảng yêu thương nếu không được hóa giải kịp thời. Mâu thuẫn gia đình, nếu biết lắng nghe, chia sẻ, có thể trở thành cơ hội để các thành viên hiểu và gắn bó với nhau hơn. Nhưng nếu thiếu bản lĩnh kiểm soát cảm xúc, thiếu kỹ năng ứng xử văn minh, những xung đột nhỏ có thể bị đẩy lên thành bi kịch lớn, thậm chí biến người thân thành "kẻ thù".

Đáng buồn thay, trong thực tế đời sống, không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra chỉ vì những va chạm trong gia đình không được xử lý khôn khéo. Nhiều vụ án đau lòng đã bắt nguồn từ chính sự bất lực trong quản lý cảm xúc, sự thiếu kỹ năng về giải quyết xung đột. Khi giận dữ được dung dưỡng, khi thù hận được nuôi dưỡng, cái giá phải trả không chỉ là những giọt nước mắt – mà còn là cả mạng người, cả cuộc đời bị đánh mất trong khoảnh khắc mù quáng.

Vụ án Nguyễn Thị Thuận, vì thù hận gia đình chồng mà chủ mưu gây ra cái chết thương tâm cho ba mạng người – là một minh chứng đau đớn cho hậu quả tàn khốc của những mâu thuẫn gia đình bị đẩy đi quá giới hạn.

Một vụ án, ba mạng người và hành trình bảo vệ lẽ phải

Một vụ án, ba mạng người và hành trình bảo vệ lẽ phải

Nguyễn Thị Thuận kết hôn với anh Nguyễn Chí Tuấn, có với nhau một người con. Sau một thời gian chung sống, vợ chồng Thuận xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến ly thân. Trong thời gian này, anh Nguyễn Chí Tuấn mở công ty xây dựng ngay tại nhà anh trai là Nguyễn Chí Hưng, liền kề ngôi nhà đang xây của vợ chồng Thuận. Với mong muốn hàn gắn gia đình em trai, anh Hưng và vợ đã nhiều lần khuyên nhủ Thuận. Nhưng những lời thiện chí ấy lại bị Thuận diễn giải thành sự "bênh vực" không công bằng, khiến nỗi tức tối âm ỉ bùng lên thành thù hận.

Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Trong cơn bế tắc, Thuận đã lập mưu đốt lửa "dằn mặt" nhà anh Hưng, đồng thời phá hoại việc kinh doanh của chồng. Để thực hiện tội ác, Thuận thuê Bùi Tiến Hà (người coi sóc công trình xây dựng nhà mình) và Hoàng Hải Tiệp (một sinh viên) đổ xăng đốt nhà anh Hưng. Khoảng 2 giờ sáng 25/1/2008, Hà và Tiệp mang 5 lít xăng, đổ qua ống dẫn vào nhà rồi châm lửa. Ngọn lửa bùng lên dữ dội, thiêu rụi cả căn nhà và cướp đi sinh mạng của ba người: vợ chồng anh Nguyễn Chí Hưng và cháu Thảo Hiền, mới 7 tuổi.

Không dừng lại ở tội ác, điều đáng lên án hơn là sự ngoan cố, phủ nhận trách nhiệm. Trong suốt quá trình điều tra, Thuận và hai đồng phạm ban đầu thành khẩn nhận tội, phù hợp với chứng cứ, vật chứng. Nhưng khi vụ án chuyển sang giai đoạn xét xử, các đối tượng đồng loạt phản cung, tố cáo bị ép cung, nhục hình – không bằng bất kỳ chứng cứ thuyết phục nào – nhằm tạo sự hoài nghi cho quá trình truy tố.

Điều này không chỉ làm xói mòn niềm tin xã hội vào hoạt động tố tụng mà còn làm tổn thương sâu sắc tới các giá trị đạo đức cơ bản: sự thật, công lý. Trước sự ngoan cố và thủ đoạn của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã thể hiện bản lĩnh vững vàng. Các cáo buộc về ép cung, nhục hình nhanh chóng bị bác bỏ khi đối chiếu với hồ sơ: có sự tham gia ký nhận của luật sư tại các buổi hỏi cung, lời khai phù hợp với hiện trường và chứng cứ vật chất.

Viện kiểm sát, với những lập luận đanh thép, đã chỉ rõ sự phi lý trong phản cung của các bị cáo. Các luật sư bảo vệ quyền lợi bị hại cũng phản bác từng luận điểm một cách chặt chẽ và thuyết phục, bóc tách bản chất thật sự của vụ việc.

Tòa án cuối cùng tuyên phạt Nguyễn Thị Thuận tù chung thân về tội giết người, cộng thêm 5 năm tù về tội hủy hoại tài sản. Hai đồng phạm, Bùi Tiến Hà và Hoàng Hải Tiệp, lần lượt nhận mức án 20 năm và 18 năm tù. Mức án này thể hiện sự nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, phù hợp với chính sách hình sự nhân văn của Nhà nước ta: không chỉ trừng trị mà còn hướng tới khả năng cải tạo.

Công lý đến từ sự bền bỉ của những người thực thi pháp luật

Công lý đến từ sự bền bỉ của những người thực thi pháp luật

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử kéo dài suốt nhiều năm trời đã cho thấy một chân lý không thể phủ nhận: hành trình đi tìm Công lý, dù gian nan, dù bị che phủ bởi những lớp vỏ ngụy biện, dối trá, nhưng chưa bao giờ khuất phục hay chùn bước. Những lời kêu oan không căn cứ, những thủ đoạn phản cung không thể làm lu mờ sự thật được chắt lọc từ hàng trăm bút lục, bằng chứng khách quan và lời khai có luật sư chứng kiến.

Bằng tinh thần thượng tôn pháp luật, các cơ quan tiến hành tố tụng đã kiên định bảo vệ sự thật, danh dự nghề nghiệp và công lý xã hội. Vụ án Nguyễn Thị Thuận một lần nữa khẳng định: Công lý không chỉ cần lòng tin, mà còn đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và sự bất khuất trước mọi thủ đoạn xuyên tạc, phản cung trắng trợn.

Chương trình sẽ được phát sóng lúc 22 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 29/4/2025, trên Kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Trailer Niềm tin Công lý số 24

Minh Anh

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/niem-tin-cong-ly-so-24-hanh-trinh-phan-quyet-gian-nan-477035.html
Zalo