Những yếu tố, điều kiện làm nên Chiến thắng Xuân Lộc

Chiến dịch Xuân Lộc được Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở từ ngày 9 đến 21-4-1975. Trong 12 ngày đêm, chiến dịch đã diễn ra hết sức ác liệt trên một không gian chiến trường rộng và kết thúc thắng lợi với việc giải phóng thị xã Long Khánh, mở toang 'cánh cửa thép' phòng ngự của chế độ Sài Gòn trên hướng Đông Bắc để mở cửa cho đại quân cách mạng tiến vào Sài Gòn với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ ngày 26 đến 30-4-1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà cho người có công ở huyện Xuân Lộc tháng 3-2025. Ảnh: Công Nghĩa

Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân thăm, tặng quà cho người có công ở huyện Xuân Lộc tháng 3-2025. Ảnh: Công Nghĩa

Xuân Lộc, Long Khánh - chiến trường có ý nghĩa chiến lược

Huyện Xuân Lộc với địa thế đa phần là đất đỏ, núi thấp, rừng thưa, nhiều vườn cây ăn trái và đồn điền cao su, nằm trên ngã ba quốc lộ 20 nối liền Tây Nguyên; quốc lộ 1 nối liền với các tỉnh cực Nam Trung Bộ và Trung Bộ. Xuân Lộc còn có tỉnh lộ 2 (từ ngã ba Tân Phong, Chi khu Xuân Lộc) nối liền tỉnh Bà Rịa ra Biển Đông, đường tiếp nhận chi viện của hậu phương miền Bắc qua những “con tàu không số” cho cách mạng miền Nam; đường số 3 nối quốc lộ 1 qua Võ Đắc, Võ Xu đến quốc lộ 20… Xuân Lộc (bao gồm cả huyện Định Quán) lại nằm trên đường giao liên chiến lược từ Chiến khu Đ với các vùng căn cứ quan trọng khác như: Mây Tàu, Xuyên Mộc, Minh Đạm (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa), Hắc Dịch (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa)…

Chính vì có vị trí chiến lược đó, năm 1957, chính quyền Sài Gòn quyết định thành lập tỉnh Long Khánh, ở phía Đông Bắc Sài Gòn 80km (tách từ tỉnh Biên Hòa) diện tích khoảng trên 3.000km2 với 2 quận Xuân Lộc và Định Quán. Long Khánh được Mỹ và chính quyền Sài Gòn xem như một tiền đồn hữu hiệu để bảo vệ Biên Hòa và Sài Gòn.

50 năm đã qua, chiến thắng của Chiến dịch Xuân Lộc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, khẳng định đường lối cách mạng và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh giải phóng dân tộc.

Cũng với lý do này, trong quá trình xâm lược miền Nam, thị xã Long Khánh từng bước được đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn nâng cấp mở rộng thành một đô thị mang tính quân sự, là hậu cứ của Sư đoàn 10, từ năm 1966 đổi thành Sư đoàn 18 bộ binh với 3 trung đoàn: 43, 48 và 52. Từ tháng 6-1966, Mỹ xây dựng căn cứ Trung đoàn Thiết giáp số 11 tại Suối Râm, Long Giao trên lộ 2 để đánh phá và chi viện cho quân đội Sài Gòn ở miền Đông; Trung tâm Huấn luyện Gia Ray và nhiều căn cứ quân sự khác ở các điểm cao như: núi Chứa Chan, Núi Thị, Con Rắn… Lực lượng của địch ở Quân đoàn 3 (Biên Hòa) sẵn sàng chi viện cả bộ binh, thiết giáp, không quân cho chiến trường Long Khánh.

Long Khánh là chiến trường ác liệt, một cầu nối các chiến trường cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Bà Rịa, cửa ngõ vào Biên Hòa, Sài Gòn nên Bộ Tư lệnh Trung ương Cục và Quân khu 7 bố trí nhiều đơn vị chủ lực đứng chân tác chiến lâu dài ở đây nhằm hỗ trợ phong trào du kích chiến tranh ở địa phương, đánh phá bình định, lấn chiếm, giành quyền làm chủ của nhân dân (như Trung đoàn 4, Trung đoàn 33, Sư đoàn 5 bộ binh, Trung đoàn Pháo 274)… Tháng 4-1975, có Quân đoàn 4 gồm 3 sư đoàn: 1, 7, 6 và Trung đoàn 95b độc lập tăng cường.

Những yếu tố làm nên thắng lợi Chiến dịch Xuân Lộc tháng 4-1975

Trước hết là yếu tố đường lối cách mạng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng là tiên quyết. Chiến dịch Xuân Lộc nằm trong chuỗi sự kiện kháng chiến lâu dài và liên tục của quân dân miền Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chế độ Sài Gòn. Chiến thắng Xuân Lộc là sự kiện lịch sử trong giai đoạn “hấp hối” của chế độ Sài Gòn, tiếp nối đường lối cách mạng và truyền thống kháng chiến của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Quyết tâm trong chỉ đạo của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền trong điều kiện tình hình toàn quân, toàn dân miền Nam đã giành được thắng lợi buộc địch rút bỏ Quân khu I và II với chủ trương “Di tản chiến lược”, rút bỏ toàn bộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và cực Nam Trung Bộ, thì việc mở một chiến dịch quân sự với hàng loạt trận tiến công quy mô lớn, đánh vào một cứ điểm phòng ngự mạnh còn lại của địch là cần thiết. Chiến dịch đó sẽ đập tan ý chí của chính quyền Sài Gòn đang trong nỗi ám ảnh: “Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn” như lời tướng F.C. Weyand khi từ Mỹ bay sang thị sát chiến trường miền Nam và chỉ đạo xây dựng phòng tuyến Xuân Lộc ngày 28-3-1975. Nhìn vào việc so sánh lực lượng địch và ta ở Xuân Lộc có thể thấy rõ quyết tâm này.

Quân đội Sài Gòn tại tuyến phòng thủ Xuân Lộc có nhiệm vụ phòng thủ tỉnh lỵ Long Khánh; chặn đứng các mũi tiến công của quân giải phóng từ Cao Nguyên (quốc lộ 20 từ Kiệm Tân đến ngã ba Dầu Giây) và miền Trung (quốc lộ 1 từ Gia Ray đến Xuân Lộc) tiến vào Sài Gòn. Lực lượng phòng thủ gồm toàn bộ Sư đoàn 18 bộ binh (gồm 3 trung đoàn 43, 48, 52), được tổ chức thành các lực lượng đặc nhiệm chịu trách nhiệm trên mỗi mặt trận. Sư đoàn 3 không quân ở Biên Hòa sẵn sàng chi viện chiến thuật theo yêu cầu của tư lệnh mặt trận qua các chỉ huy trưởng lực lượng đặc nhiệm và Lữ đoàn 1 nhảy dù (địch tăng cường từ ngày 12-4-1975).

Như vậy, toàn bộ lực lượng phòng thủ của địch lấy Sư đoàn 18 làm nòng cốt có tăng cường Lữ đoàn 1 nhảy dù, Tiểu đoàn 82 biệt động quân, lính địa phương Tiểu khu Long Khánh, một thiết đoàn xe tăng… ước khoảng 12 ngàn quân bộ binh.

Quân giải phóng tham gia Chiến dịch Xuân Lộc gồm Quân đoàn 4 (thành lập tháng 7-1974) gồm Sư đoàn 1, Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 của Quân khu 7 phối thuộc và sau đó tăng cường thêm Trung đoàn 95b độc lập từ Tây Nguyên về phối thuộc, cùng các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, các lữ đoàn xe tăng, pháo binh… thuộc Bộ Tư lệnh Miền. Lực lượng cách mạng áp đảo so với quân địch trấn giữ phòng tuyến Xuân Lộc.

Quyết tâm của toàn lực lượng quân chủ lực và địa phương quyết đập tan tuyến phòng ngự sau cùng của chế độ Sài Gòn ở phía Đông Bắc Sài Gòn để mở đường hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Và quan trọng hơn là căn cứ thực tiễn chiến trường, Bộ Tư lệnh Miền và Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã quyết định thay đổi cách đánh từ tiến công trực tiếp tiêu diệt các mục tiêu của địch trong thị xã Long Khánh để giải quyết nhanh (từ ngày 9 đến 12-4-1975), sang cách đánh bao vây từ vòng ngoài, cắt đứt quốc lộ 20…, buộc địch phải rút chạy khỏi thị xã.

Và yếu tố quan trọng nữa là lực lượng quân dân địa phương Bà Rịa - Long Khánh với sự lãnh đạo của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Khu miền Đông trước đó đã liên tục tiến công địch bằng 3 mũi phối hợp vũ trang, chính trị, binh vận đã giải phóng hàng loạt xã quanh thị xã Long Khánh, Chi khu Xuân Lộc để mở địa bàn đứng chân, triển khai các mũi tiến công của quân chủ lực…

Trần Quang Toại

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202504/nhung-yeu-to-dieu-kien-lam-nen-chien-thang-xuan-loc-a1c4867/
Zalo