Những yêu thương vỗ về
Không gia đình, con cái nhưng bà Hồ Thị Hoa vẫn được những đứa trẻ bại não, khuyết tật ở Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 gọi với cái tên thân thương, trìu mến: bà Hoa, mẹ Hoa.

Gần 20 năm chăm sóc, bà Hồ Thị Hoa xem Chiến như con cháu trong nhà. Ảnh: Tăng Thúy
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 đứng chân trên địa bàn phường Quảng Thọ (TP Sầm Sơn) hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 144 đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật, bại não và người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật.
Đúng hôm chúng tôi có mặt, nơi cuối dãy phòng bỗng có tiếng hét thất thanh phát ra. Trên chiếc giường nhỏ, em Nguyễn Khắc Chiến bị bại não bẩm sinh đang cho cả bàn tay vào miệng, mặt đầy sợ hãi. Cùng lúc ấy, bà Hoa chạy đến vỗ về: “Bà đây, bà đây con”... Cảm nhận được tiếng nói thân quen, Chiến dịu lại, cặp mắt vô thức chẳng biết nhìn về đâu.
Chị Đỗ Thị Liên, cán bộ Phòng Công tác xã hội, cho biết: Những ngày gần đây, thời tiết thay đổi liên tục ảnh hưởng tới sức khỏe của những người được nuôi dưỡng, chăm sóc lâu dài tại trung tâm.
Nói rồi chị cùng bà Hoa bế Chiến dậy vì đã tới giờ ăn. Chiến sinh năm 1999, nhưng trông như đứa trẻ. Ngay giữa phòng, bà Hoa đặt Chiến nằm lên đùi mình, đút từng thìa cháo. Cơ thể khó chịu nên Chiến không chịu hợp tác. Từng thìa, từng thìa... gần 30 phút hai bà cháu mới xong bữa trưa.
“Chiến ở với bà Hoa từ khi còn nhỏ nên quen hơi bà, phải bà đút mới ăn, không phải bà thì nhất định không mở miệng”, chị Liên cho biết.
Chiến về trung tâm năm 2007, khi ấy yếu ớt như một chú mèo hen. Nhiều đêm Chiến bị bệnh tật hành hạ, bà cùng các cán bộ trung tâm túc trực ở bên vỗ về, trao cho em cảm giác an toàn với câu nói: “Nhắm mắt ngủ đi con, có bà ở đây rồi”. Những lời động viên an ủi ấy tiếp thêm sức mạnh cho Chiến nhanh khỏi ốm. Thời gian trôi đi, bằng tình yêu thương và sự chăm sóc tích cực từ những người mẹ, người bà, Chiến đã sống. Chỉ là chàng trai ấy vẫn mãi trong hình hài của một đứa trẻ và quay quắt trong những cơn động kinh khi trái gió, trở trời.
Còn bà Hoa về Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 từ năm 2006 theo diện không nơi nương tựa và mang theo ước mơ về mái ấm gia đình và những đứa trẻ. Qua tiếp xúc, bà biết sự sống của nhiều đứa trẻ nơi đây rất có giới hạn. Vậy nên, bà chủ động chia sẻ, giúp đỡ các cán bộ trong việc tắm rửa, ăn uống cho chúng. Đây cũng là cách để bà trả nghĩa cho ân tình mình được ở dưới mái nhà chung này.
20 năm ở trung tâm, bà Hoa nhận chăm sóc trực tiếp cho 3 đứa trẻ, đều thuộc diện khuyết tật nặng. Năm 2023, một cháu được gia đình đón về. Đến đầu năm 2025, một cháu đã mất do bạo bệnh. Các cán bộ trung tâm có gia đình, khi công việc trong ngày hoàn tất, họ lại trở về nhà. Bà Hoa ở trung tâm cùng ăn, cùng ngủ với các con, các cháu. Bởi thế mà những đứa trẻ càng trở nên thân thiết, quyến luyến bà như một lẽ tự nhiên.

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2, những người già neo đơn, bệnh tật được chăm sóc chu đáo.
Sự yêu thương, tin tưởng dành cho bà Hoa không chỉ là cảm nhận của những đứa trẻ đang được bà nuôi dưỡng hàng ngày, mà còn đến từ những cán bộ tại trung tâm. Họ xem bà như người bà, người mẹ.
“Dẫu không mang nặng đẻ đau, không bà con ruột thịt nhưng bà đã chăm sóc, bế bồng, nuôi dưỡng, xem những cánh chim côi cút như “khúc ruột” chính mình sinh ra. Bà là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo”, chị Liên tâm sự.
Bước sang tuổi 80, sức khỏe bà Hoa yếu đi nhiều. Lãnh đạo trung tâm có ý để bà ở riêng cho khỏe, tuy nhiên mới ngày đầu tiên, hai bà cháu đã khóc lóc, bỏ ăn, nhất định không chịu tách rời. Thấy vậy, trung tâm lại sắp xếp lại như cũ. Bà Hoa vẫn ở căn phòng đó, bên cạnh đứa cháu nhỏ của mình. Bởi với bà, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 là nhà và Chiến là người thân, là gia đình. Với Chiến cũng vậy!
Mỗi thành viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 có một câu chuyện đời riêng, nhưng khi đến đây, không còn ai phải sống trong sự cô đơn. Sự gắn kết giữa các thành viên, giữa cán bộ, nhân viên với đối tượng được vun đắp bằng tình người, tình thân. Ở đó, tiếng bà, tiếng mẹ, tiếng con nghe thân thương biết bao.