Đừng cầu xin Đức Phật, ngài không phải thần linh
Thờ Phật không phải là cầu xin ban phúc hay tha tội, vì ngài không phải thần linh mà là người thầy dạy cách thoát khỏi khổ đau mà chính ngài tìm kiếm, chứng nghiệm.
Một người mẹ tuyệt vọng sụp xuống khóc trước khu khám bệnh của một bệnh viện tuyến trung ương. Bác sỹ vừa cho biết đứa con gái 3 tuổi mà chị mất 9 năm gian khổ điều trị hiếm muộn mới sinh hạ được có khối u não nằm ở khu vực không thể phẫu thuật. Họ sẽ cố gắng kìm hãm sự phát triển của nó, nhưng rồi sẽ đến một ngày khối u lấy đi mạng sống của bé.
Giờ phút đó, người mẹ đau khổ cùng cực tưởng rằng cuộc đời mình hoàn toàn tuyệt vọng, không bao giờ còn có thể cảm nhận niềm vui nào nữa. Trong chị ngoài nỗi xót thương con, thương thân còn trào lên nỗi oán trách số phận.
Đó là một trong rất nhiều người bất hạnh tìm lại được sự an lạc nhờ nương tựa Phật đạo sau một thời gian vật vã trong đau khổ. Không có phép màu nào giúp chị lấy lại những gì đã mất. Tin vào nhân quả nhưng hạnh phúc hiện tại của chị không nằm ở kỳ vọng về cái kết có hậu kiểu cổ tích hay sự đền bù của kiếp sau, mà nằm ở sự bình an nội tâm do nhận thức được lẽ vô thường và thực hành cách sống tỉnh thức mỗi ngày, học cách để an vui trong cuộc đời luôn đầy bất trắc và những điều trái ý.
Thôi chìm đắm trong nước mắt, người mẹ ấy tranh thủ những năm còn lại bên con gái, nỗ lực hết sức để mỗi ngày của con ít đau đớn và nhiều niềm vui nhất có thể. Con gái ra đi, chị học cách chấp nhận, coi thời gian ngắn ngủi được ở bên bé là món quà, và trân trọng dồn yêu thương cho những người thân vẫn còn bên mình.
“Tôi từng đi cúng bái, cầu khấn ở rất nhiều đền miếu, và khi thấy điều cầu xin của mình không được đáp ứng, lòng tôi oán hận, rằng tại sao giữa bao người, bi kịch đó lại rơi trúng đầu tôi, tôi có tội lỗi gì to lớn đáng phải chịu điều này đâu? Khi tôi đến một ngôi chùa cầu xin Phật cứu con gái, sư thầy nói điều con xin Phật không cho được, nhưng ngài đã chỉ cho con cách để không còn đau khổ nữa”, người mẹ kể lại sau 4 năm con gái ra đi.
Quả vậy, đó là cách Đức Phật cứu độ chúng sinh. Con người muốn tìm hạnh phúc khi theo Phật sẽ không nhận được điều mình mong cầu nếu coi ngài là vị thần sẽ nhận lễ vật và ban phát ân huệ - phúc, lộc, thọ, khang, ninh – hay trừng phạt, quở trách những ai thất lễ, bất kính.

Phật dạy chúng sinh để đạt hạnh phúc giải thoát, cần xem chính mình là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa ở bên ngoài.
Đức Phật vốn là một con người mang xác thân ngũ uẩn như chúng ta, cũng chịu nỗi khổ sinh, lão, bệnh, tử. Ngài xuất gia tu tập để tìm nguyên nhân gây khổ, con đường diệt trừ đau khổ rồi khi tìm ra được và tự mình chứng thực, ngài bèn chỉ cho chúng sinh con đường ấy để mọi người thực hành theo.
Kinh sách ghi lại, Đức Thích Ca Mâu Ni dù đã thành Phật nhưng là một con người, ngài vẫn già đi và trong giai đoạn cuối đời, ngài lâm bệnh trầm trọng và rất đau đớn.
"Này Ananda, bây giờ Như Lai đã kiệt lực, già yếu và gần đến ngày lìa trần. Như Lai đã tám mươi, không khác nào cỗ xe quá cũ kỹ, cần phải có những sợi dây cột lại các bộ phận để giữ nó khỏi rã rời. Thân của Như Lai cũng cần những sợi dây thừng tương tự”, kinh sách ghi lại lời Phật nói với tôn giả Ananda.
Là một chúng sinh, Phật cũng phải chịu tác động của luật nhân quả trong kiếp sống cuối cùng của mình. Ngài từng bị vu oan là giết chết một nữ tu sĩ theo đạo lõa thể. Kinh sách chép rằng sở dĩ Đức Phật phải chịu tiếng oan như vậy vì trong một tiền kiếp, ngài đã thiếu lễ độ với một vị Độc Giác Phật.
Đức Thích Ca cũng từng bị em họ là Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) ám hại, lăn đá từ trên núi cao xuống làm ngài bị trầy chân. Theo kinh sách, đây là quả báo của một tội lỗi trong tiền kiếp xa xôi, ngài lỡ tay làm chết người em khác mẹ trong vụ tranh chấp tài sản.
Những điều đó cho thấy Đức Phật không phải thần thánh, ngài là con người bằng xương bằng thịt và chịu mọi ràng buộc của thân xác phàm tục. Nhưng khác với người bình thường, Đức Thích Ca Mâu Ni tìm ra con đường đạt đến hạnh phúc chân thật. Ngài cho biết mọi chúng sinh đều có thể được như ngài nếu hành trì chánh pháp bằng sự tỉnh thức, tuệ giác và từ bi.
Như vậy, con người theo đạo Phật, thờ Phật không có nghĩa là cúng bái, cầu xin và ca tụng, mà là “tập luyện” thân tâm theo phương pháp của Phật, đó là cách mà chính ngài thực hành trước khi dạy lại cho chúng sinh. Nói cách khác, Đức Phật không phải đấng thần linh ban thưởng hay trừng phạt, mà là người thầy, là vị huấn luyện viên của chúng ta. Chỉ bằng cách nỗ lực, kiên trì trau dồi Giới - Định - Tuệ, con người mới thoát khỏi phiền não, khổ đau và đạt đến hạnh phúc chân thật.
Trong đó, Giới là những điều luật để ngăn thân thể, lời nói và tâm ý phạm điều sai, đồng thời dứt làm việc ác và chỉ làm điều thiện. Định là kiểm soát tâm trí để tâm không tán loạn, trở nên vắng lặng và mạnh mẽ, nhờ đó có thể quan sát, suy xét thấu đáo để đạt đến Tuệ - nhận thức chân lý và tiến về giác ngộ, giải thoát.
Con đường của Giới - Định - Tuệ ấy, mỗi người chỉ có thể tự mình bước đi. Thay vì cầu xin một đấng siêu nhiên nào đó cứu vớt, Phật dạy chúng sinh nếu muốn đạt hạnh phúc giải thoát thì phải dựa vào chính mình.
“Hãy tự coi chính con là hải đảo (chỗ ẩn náu) của con, chính con là chỗ nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa bên ngoài”, Phật dạy tôn giả Ananda, vị đồ đệ mà đến lúc ngài sắp nhập diệt vẫn chưa đạt đạo quả giải thoát.
Ngài cũng dạy các vị tỳ kheo khác: "Dầu ngay trong hiện tại hay sau khi Như Lai nhập diệt, người nào sống đúng theo như vậy, xem chính mình là hải đảo của mình, là chỗ nương tựa của mình, không tìm nương tựa đâu bên ngoài, những vị tỳ kheo ấy sẽ đứng hàng đầu trong những người sống hoàn toàn theo Giới Luật".
Như vậy, Đức Phật đặc biệt ghi nhận tầm quan trọng của nỗ lực cá nhân để đạt mục tiêu tối hậu là tự thanh lọc, tự mình giải thoát khỏi mọi đau khổ, việc cầu xin hay lệ thuộc người khác sẽ là vô ích.
Vậy nương tựa Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì sao, điều này có mâu thuẫn với việc “coi chính mình là chỗ nương tựa của mình”? Hãy hiểu rằng Đức Phật là một vị thầy hướng dẫn, Pháp là con đường, là phương tiện mà thầy chỉ ra, và Tăng là gương lành của một lối sống cao thượng nên noi theo. Nương tựa Tam bảo, Phật tử vẫn chỉ có thể dựa vào sự nỗ lực của chính mình để đi đến cuối con đường tìm đến hạnh phúc chân thật.
Thờ Phật không phải là dâng lễ hay thắp hương khấn nguyện, thờ Phật đúng nghĩa là làm theo giáo pháp của ngài, và phải thực hành thường xuyên, liên tục để thanh lọc thân tâm, chứ không phải chỉ đọc hiểu kinh sách.
Kinh Pháp Cú dạy: "Người lão thông pháp học và đọc thuộc lòng kinh điển mà không hành theo lời dạy, con người ấy cũng tựa như kẻ chăn bò thuê, có đếm bò, nhưng bò là của người khác”.
Phật dạy nhân nào quả ấy, con người sẽ gặt được những gì chính mình gieo trồng, tưới tắm. Vì thế người theo đạo Phật đúng nghĩa không cầu xin Phật, không cầu khẩn thần linh mà phải cầu chính mình, nương theo lời dạy trí tuệ và từ bi của bậc đạo sư.