Những vướng mắc và đề xuất trong thực tế thi hành án nhìn từ góc độ của cơ quan thi hành án

Tại hội thảo, đại diện cơ quan thi hành án dân sự đã nêu hiện có tình trạng trong giai đoạn điều tra định giá 10 đồng nhưng đến giai đoạn thi hành án định giá lên đến 30 đồng nên không thể bán đấu giá được.

Ngày 14-5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".

Phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa gửi lời cảm ơn báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa ra vấn đề rất nóng đối với hệ thống THADS, được Đảng và Nhà nước quan tâm.

 GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM (bìa phải) và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, cùng chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM (bìa phải) và nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng Biên tập Thường trực báo Pháp Luật TP.HCM, cùng chủ trì, điều hành hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số

Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa cho rằng Luật THADS hiện hành đã thể nhiều bất cập, trong đó có quy định chồng chéo dẫn đến việc thi hành khó khăn.

Trong bối cảnh hiện nay, Cục THADS TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, bỏ cấp chi cục và tổ chức cấp khu vực. Đồng thời, đơn vị được Bộ Tư pháp giao tiên phong thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mang lại nhiều sản phẩm thuận tiện cho người dân. Cục THADS TP.HCM cũng đang tập trung cao độ để báo cáo cấp thẩm quyền sớm trình dự thảo Luật THADS trước Quốc hội vào tháng 10 tới.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với đặc thù các giao dịch tranh chấp tài sản rất lớn. Trong các vụ án tham nhũng kinh tế, TP.HCM chiếm 6% nhưng về việc có năm chiếm 96% so với cả nước.

"Các đối tượng phạm tội trong phạm vi toàn quốc nhưng đều về TP.HCM mua bất động sản, cổ phần, cổ phiếu... Trong 3 năm gần đây (chưa tính vụ Trương Mỹ Lan), Cục đã thu hồi trên 50.000 tỉ đồng, chiếm 76%-96% của cả nước. Điều này khẳng định vị trí của TP.HCM trong hệ thống thi hành án" - ông Hòa nói.

 Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THUẬN VĂN

Ông Nguyễn Văn Hòa nhìn nhận, ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt đối trong án kinh tế, tham nhũng thì điều quan trọng hơn là giá trị thu hồi tài sản cho nhà nước. Hiện nay, dưới sự quan tâm của Đảng, nhà nước và các cơ quan ban ngành, kết quả thu hồi tài sản có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa đạt được như mong muốn do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử kéo dài, tài sản là bất động sản, xe, máy móc... xuống cấp và tốn chi phí bảo quản, lưu giữ. Cục THADS TP.HCM đang phối hợp với CQĐT để THA xử lý tài sản trước khi tuyên án theo tinh thần Nghị quyết 164/2024 về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Qua kinh nghiệm vụ án của bà Trương Mỹ Lan, Cục THADS TP.HCM đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan C03 - Bộ Công an, Tòa án, VKS và luật sư... để làm rõ tính chất tài sản, dòng tiền ngay từ giai đoạn điều tra. Đến giờ, việc thi hành án vụ Trương Mỹ Lan khá ổn vì tính chất tài sản, dòng tiền đã được làm rõ.

Thứ hai, tính chất pháp lý chưa được làm rõ và nhiều đối tượng dùng các thủ đoạn tẩu tán tài sản.

Hiện nay CQĐT và tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà dựa trên cáo trạng, kết luận điều tra... nên cơ quan thi hành án gặp vướng mắc khi xử lý tài sản. Cụ thể, tài sản của người phạm tội nhưng thực chất đứng tên của người khác dẫn đến tranh chấp; quá trình truy tố, xét xử kéo dài khiến giấy phép dự án hết hạn...

Ông Hòa lấy ví dụ trong vụ án Hứa Thị Phấn, án tuyên phát mãi dự án Bệnh viện Phú Mỹ với diện tích 10 ha ở huyện Bình Chánh. Thực tế, giấy phép dự án hết hạn, đất đứng tên người dân... Cơ quan thi hành án loay hoay không biết xử lý như thế nào và liên tục kiến nghị hủy án.

Tương tự, việc xử lý tài sản hình thành trong tương lai và việc xử lý đối với cổ phần, cổ phiếu... đều chưa có quy định.

Cần có cơ chế bảo vệ chấp hành viên

Cục trưởng Cục THADS TP.HCM Nguyễn Văn Hòa đã nêu ra những bất cập khi thu hồi tài sản cho nhà nước, đặc biệt là khi không có chủ thể là người được thi hành án.

Một vấn đề nữa là quy trình định giá tài sản chưa được thống nhất. Trong quá trình điều tra sẽ có hội đồng thẩm định của Sở Tài chính nhưng đến giai đoạn thi hành án lại không còn, dẫn đến sự không thống nhất, giá cao - giá thấp.

"Về định giá tài sản, hiện có tình trạng trong giai đoạn điều tra định giá 10 đồng nhưng đến giai đoạn thi hành án định giá lên đến 30 đồng nên không thể bán đấu giá được; kéo dài thời gian và tốn chi phí" - ông Hòa nói.

Người đứng đầu Cục THADS TP kiến nghị cần luật hóa đối với công tác thu hồi tài sản của nhà nước. Trong đó, việc định giá phải có sự tham gia của Sở Tài chính, Sở TNMT... để đảm bảo hiệu quả thu hồi tối đa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để bảo vệ chấp hành viên vì nhiều người sẽ mang tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm khi phải xử lý tài sản có giá trị lớn hàng ngàn tỉ đồng.

Những khó khăn khi thi hành án kinh tế, tham nhũng

Tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS quận 1 Huỳnh Phú Vinh cũng trình bày những khó khăn khi thi hành án kinh tế, tham nhũng.

Thứ nhất, khó khăn khi tạo điều kiện để người được thi hành án và người phải thi hành án ngồi lại với nhau thỏa thuận về giá. Do phần lớn người phải thi hành án đều các trại giam, trong khi đại diện ủy quyền rất ít.

Thứ hai, trong quá trình tổ chức thi hành án, trên thực tế đã phát sinh chênh lệch diện tích so với tài sản mang ra đấu giá.

"1 m2 đất có thể lên đến 300-400 triệu đồng nên khi xác minh tài sản thi hành án kinh tế, tham nhũng, chấp hành viên phải làm việc rất chặt chẽ" - ông Vinh nói.

Ông Huỳnh Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục thi hành án quận 1, TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Thứ ba, khó khăn khi thông báo thi hành án vì thực tế người phải thi hành án đa số là bị án ở trại giam.

Ông Huỳnh Phú Vinh đề xuất cần có cơ chế đặc thù liên quan đến tống đạt thi hành án đối với án kinh tế, tham nhũng. Theo đó, có thể thông báo trên trang thông tin của Bộ Tư pháp, Cục THADS TP... để giảm thiểu thời gian và trách nhiệm của chấp hành viên. Đồng thời, cần có cơ chế khi thi hành án đối với các trường hợp có sự chênh lệch diện tích, mặt bằng xây dựng... khi thi hành án.

SONG MAI

HỮU ĐĂNG

NGUYỄN CHÍNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-vuong-mac-va-de-xuat-trong-thuc-te-thi-hanh-an-nhin-tu-goc-do-cua-co-quan-thi-hanh-an-post849716.html
Zalo