Những vươn cây xanh ở Hà Nội vươn mình đón nắng xuân

Cơn bão Yagi đã khiến gần 40.000 cây xanh trên địa bàn Hà Nội bị gãy, đổ. Nhiều cây cổ thụ lâu năm, cây gỗ quý gắn liền với đời sống, ký ức của người dân Hà Nội cũng bị quật ngã. Nhưng cho đến nay, hàng nghìn cây xanh sau khi được trồng dựng lại đã sinh trưởng và phát triển tốt, vươn mình mạnh mẽ, căng tràn sức sống chào đón Xuân mới - Xuân Ất Tỵ 2025.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh và hiện đại, cùng với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, Thành phố đang tập trung bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng.

Hà Nội đã hoàn thành chương trình trồng mới một triệu cây xanh vào cuối năm 2018, tăng diện tích không gian xanh để cân bằng với các khu nhà cao tầng, các khu đô thị nén. Đến nay, Thành phố đã trồng mới được 1,6 triệu cây xanh, đồng thời, cùng cả nước tiếp tục hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Không chỉ tăng diện tích cây xanh trên đường phố, các không gian công cộng, Hà Nội còn tiến hành cải tạo nhiều công viên, vườn hoa để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho nhân dân. Cây xanh đóng vai trò quan trọng đối với người dân Thủ đô, không chỉ làm đẹp cảnh quan đô thị mà còn góp phần hạn chế ô nhiễm không khí, tiếng ồn, cải thiện chất lượng không khí bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, mà cây xanh còn gắn liền với lịch sử, đời sống văn hóa của người dân Hà Nội.

Trong số hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ đã được cứu sống sau cơn bão lớn, có nhiều cây quý hiếm, những cây lâu năm gắn liền với đời sống, ký ức của người dân Hà Nội. Đến nay, cây đã hồi sinh, vươn lên tràn đầy sức sống. Một hệ sinh thái xanh tràn ngập các tuyến đường phố, không chỉ tạo cảnh quan môi trường tươi mới đẹp mắt, mà còn đổi mới và phát triển từng ngày khang trang hiện đại, xứng đáng với tên gọi Thành phố vì hòa bình.

Trong cơn bão số 3 vừa qua, Thủ đô Hà Nội đã phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về cây xanh. Nhàng cây xanh mướt bị bão lớn quật đổ, bật gốc. Cành gãy vương vãi khắp nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và cuộc sống của người dân. Đặc biệt, tại các khu vực vườn hoa, công viên, hàng nghìn cây xanh bị gãy đổ, trong đó có nhiều cây cổ thụ, cây gỗ quý hiếm. Lá phổi xanh của Thủ đô bị tổn thương một cách nghiêm trọng.

PGS.TS Nguyễn Lân Hùng - Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam cho biết: "Không riêng gì tôi mà tất cả người con Hà Nội đều cùng chung cảm giác này. Tôi về Hà Nội từ năm 1955, nghĩa là tôi đã ở Thủ đô được 69 năm. Từng đó thời gian, tôi chưa từng thấy một cơn bão nào mạnh như thế này, vượt ngoài sức tưởng tượng của mọi người".

Ông Nguyễn Bá Quang - Phường Quán Thánh - Quận Ba Đình cho biết: "Từ khi còn bé đến bây giờ, tôi chưa từng thấy một cơn bão nào lại có sức tàn phá khủng khiếp như vậy cả, không nơi nào ở Hà Nội là còn nguyên vẹn, đặc biệt những cây cổ thụ bị gẫy đổ khiến cho chúng ta rất đau xót vì không biết đến bao giờ Thủ đô mới tìm lại được những cây như vậy nữa".

Tại vườn hoa Vạn Xuân, quận Ba Đình, hàng loạt các cây xanh gãy đổ ngổn ngang sau cơn bão. Là một người dân sinh sống và gắn bó với Hà Nội hơn 70 năm, chứng kiến cảnh cây đổ la liệt như này, bà Trịnh Thị Nhã không khỏi cảm thấy xót xa và tiếc nuối.

Bà Trịnh Thị Nhã - Phường Quán Thánh - Quận Ba Đình cho biết: "Trước kia tôi từng chứng kiến 2 cuộc ném bom vào quận Ba Đình này nói riêng và Hà Nội nói chung, nhưng cũng chưa từng thấy sự mất mát nào về cây cối to lớn đến mức này".

Không chỉ người dân Hà Nội, mà cả du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam, cũng cảm thấy ngỡ ngàng với sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão Yagi. Nhiều người bày tỏ sự tiếc nuối cho những hàng cây xanh mát bị quật ngã.

Chị Chittiya Sitthiprasert - Du khách Thái Lan chia sẻ: "Tôi thấy khá buồn vì thấy Hà Nội bị đổ nhiều cây quá. Tôi nghĩ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể trồng lại được những cây cổ thụ như thế này. Hi vọng thành phố của các bạn sẽ sớm khôi phục, trồng lại được những cây xanh như trước đây".

Thống kê cho thấy, sau cơn bão số 3, Hà Nội có hơn 40.000 cây xanh bị gãy đổ, trong đó có khoảng 19.000 cây xanh đô thị do Thành phố quản lý theo phân cấp, tập trung nhiều ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Long Biên,…

Số cây gãy đổ tại các quận, huyện, thị xã quản lý và cây xanh trong các khu đô thị, cơ quan, đơn vị là hơn 26.000 cây. Đây được coi là thiệt hại nặng nề nhất về cây xanh trong vòng 30 năm trở lại đây.

Ngay sau khi cơn bão số 3 đi qua, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị, máy móc để giải tỏa cây đổ gãy, nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến phố. Sau đó, sẽ triển khai tiếp tục công tác xử lý thu dọn cây đổ, cành gẫy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh, thu hồi củi, gỗ theo quy định.

Đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm có giá trị bị nghiêng, đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển (nếu có thể) hoặc thực hiện di chuyển về vườn ươm để chăm sóc và trồng vào các vị trí phù hợp.

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cũng nhấn mạnh yêu cầu, đối với cây xanh gãy đổ, cây nào cứu được phải hết sức cứu, dựng lại được phải dựng lại để chăm sóc, bần cùng bất đắc dĩ mới phải cưa bỏ, vì trồng được một cây mất rất nhiều công sức và thời gian.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố, các đơn vị duy tu, duy trì cây xanh đã huy động tổng lực nhằm khắc phục sự cố, giải tỏa cây xanh gãy đổ trên các tuyến đường. Với số lượng cây xanh gãy đổ lớn, các lực lượng như công an, quân đội, dân phòng của địa phương cũng được huy động tối đa để hỗ trợ các đơn vị cây xanh.

Cùng với đó, Công ty công viên cây xanh Hà Nội cũng nhận được sự hỗ trợ từ các đơn vị duy trì cây xanh tại các tỉnh, thành khác, cùng với sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân. Ngoài 3 đơn vị chủ lực duy trì cây xanh của Thành phố, 10 tỉnh thành và các đơn vị thuộc hiệp hội cây xanh Việt Nam đều được huy động hỗ trợ, với cao điểm có ngày lên tới khoảng 800 người.

Với tinh thần khẩn trương, rốt ráo, công tác thu dọn cây đổ cành gãy được thực hiện song song với việc trồng dựng lại các cây bị nghiêng, đổ, nhằm cứu sống được nhiều cây nhất có thể. Các cây được lựa chọn và ưu tiên trồng dựng lại là những cây có giá trị quý hiếm hoặc cần phải bảo tồn như sưa đỏ, sanh, si, đa, đề. Ngoài ra, những cây có đường kính thường dưới 25cm cũng được đánh giá là có khả năng sống và sinh trưởng cao.

Chỉ 2 ngày sau siêu bão, 2 cây thàn mát hay còn gọi là sưa trắng ở góc đường Chùa Một Cột - Chu Văn An, quận Ba Đình đã được công ty công viên cây xanh Hà Nội dựng lại. Hai cây sưa này có tuổi đời vài chục năm, đường kính khoảng 70-80cm.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Phó TGĐ Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: "Khi cây bị ngã đổ, chúng tôi đã tiến hành cắt sửa cây với chiều cao đảm bảo. Sau đó, chúng tôi tiến hành bôi các chất, cao liền sẹo để đảm bảo quá trình phục hồi của cây ổn định. Sau đó, chúng tôi dựng lại cây và bôi chất kích thích rễ để cây có thể sinh trưởng và phát triển".

Cây sưa đỏ ven hồ Thiền Quang có đường kính thân khoảng 40cm, tuổi đời từ 60-70 năm. Sau khi được tỉa gọn các cành gãy và rễ bị dập nát, cây đã được các đơn vị chức năng tiến hành dựng lại.

Anh Đào Xuân Ích - Tổ trưởng Tổ 10 - Xí nghiệp cắt sửa cây xanh cho biết: "Theo quy trình, khi cây đổ xuống chúng tôi phải tiến hành cắt một số đoạn cây bị gãy, rễ của cây cũng bị dập. Sau khi đào hố để trồng lại, chúng tôi sẽ tiến hành bôi chất liền sẹo để cây có thể hồi phục, sinh trưởng tốt".

Ông Nguyễn Văn Long - Hiệp hội Cây xanh Việt Nam cho biết: "Quá trình trồng lại cây không thể gấp gáp được, chúng tôi phải trồng lại nhưng cũng phải đảm bảo cây sau đó có thể sinh trưởng ổn định".

Cùng với các cây quý hiếm, cần được bảo tồn, Thành phố cũng nỗ lực trồng dựng lại các cây gắn bó với lịch sử, văn hóa của người dân. Tại công viên Thống Nhất, có tới hơn 300 cây xanh bị gãy đổ sau bão. Nhiều người đã vô cùng tiếc nuối khi chứng kiến cây đa do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng năm 1960 bị hư hại nặng nề. Đơn vị quản lý cũng ưu tiên dựng lại cây sớm nhất có thể để cây phục hồi và được bảo tồn, chăm sóc.

Ông Ma Kiên Hán - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV công viên Thống Nhất cho biết: "Chúng tôi đã nỗ lực tối đa để phục hồi cây đa Bác Hồ về nguyên trạng, nhưng chắc cũng phải mất khoảng 2-3 năm để cây có thể phục hồi tán cây như cũ".

Ngoài ra, đối với những cây chỉ mới bị nghiêng, chưa bật gốc, có đường kính nhỏ, người dân hoàn toàn có thể chủ động tham gia dựng lại cây. Bởi càng để lâu thì khả năng cứu sống cây càng thấp.

Theo thống kê, trong số 40.000 cây xanh bị gãy đổ sau cơn bão số 3, có khoảng 19.000 cây xanh đô thị. Thành phố đã nỗ lực trồng dựng lại 3.400 cây và đưa về vườn ươm 700 cây. Quý nhất có trên 100 cây cổ thụ, đường kính lớn và 33 cây quý hiếm cần bảo tồn đã được dựng lại.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị duy tu, duy trì cây xanh, chỉ hơn 10 ngày sau khi cơn bão Yagi đi qua, chồi non đã bắt đầu bật nhú trên những hàng cây sau bão. Từ những thân cây mang đầy thương tích, những mầm xanh lại vươn mình lên đón nắng, như một lời khẳng định về sức sống mạnh mẽ.

Đã hơn 4 tháng kể từ cơn bão số 3 đến nay, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thành phố, cây nào cứu được đã hết sức cứu, cây nào trồng dựng lại được cũng đã trồng, những cây đưa về vườn ươm cũng bắt đầu phục hồi, bén rễ, xanh chồi.

Ông Lê Sỹ Lâm ở phường Quán Thánh, quận Ba Đình, hằng ngày đều ra vườn hoa Vạn Xuân để tập thể dục. Với ông Lâm, mỗi cây xanh đều gắn liền với cuộc sống của người dân Hà Nội, để cây phát triển to lớn cần mất rất nhiều thời gian và công chăm sóc. Chính vì vậy, khi nhìn những cây xanh đang dần được phục hồi sau cơn bão, ông Lâm cảm thấy vô cùng phấn khởi.

Ông Lê Sỹ Lâm - Phường Quán Thánh - Quận Ba Đình cho biết: "Cứu cây là một cố gắng rất lớn của thành phố. Sức người, sức của đổ vào là rất lớn. Cây đã phục hồi trở lại như thế này người dân chúng tôi rất phấn khởi, đi dạo, tản bộ quanh đây người dân đều rất thích".

Còn đây là đa gần 60 năm tuổi trước cổng cụm di tích Đình - Đền - Chùa Hai Bà Trưng sau khi bão Yagi quật đổ bật gốc. Sau hơn 4 tháng, đến nay, chính tại vị trí này, cây đa đó đang được sinh trưởng và phát triển trở lại. Những mầm non đang vươn mình đón xuân mới, như một sự đền đáp với lòng kiên trì của những người chăm cây.

Bà Trần Thị Thanh Hằng - Phường Đồng Nhân - Quận Hai Bà Trưng cho biết: "Cây đa sống lại khiến bà con xung quanh vui lắm, ai đi qua cũng tấm tắc khen".

Tại công viên Thống Nhất, cây đa Bác Hồ sau khi được trồng dựng lại cũng đang bắt đầu ra lá mới. Trải qua biến cố lớn, giờ đây, cây đa lịch sử lại tiếp tục hiên ngang, sống mãi cùng người dân Hà Nội.

Chị Nguyễn Thị Thủy Chung - Thành phố Vinh - Tỉnh Nghệ An cho biết: "Lúc đầu mình cũng nghĩ sau bão công viên sẽ không còn bóng cây cao nữa vì sức tàn phá quá khủng khiếp nhưng giờ đây bóng mát quay lại, mình cảm thấy rất vui và mình mong những cây này sẽ xanh tươi trở lại".

Ông Ma Kiên Hán - Phó TGĐ Công ty TNHH MTV công viên Thống Nhất cho biết: "Khi thời tiết vào xuân, chúng tôi tin rằng sức sống của những cây xanh quanh đây sẽ trở lại".

Cây xanh đang đâm chồi nảy lộc báo hiệu một mùa Xuân mới lại về. Lá phổi xanh của Thủ đô đang được phục hồi, đồng nghĩa với việc tăng “sức đề kháng” cho hệ sinh thái đô thị, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra thiên tai.

Hiếm có nơi nào như Hà Nội, nơi từng hàng cây, góc phố đều gắn bó với cuộc sống của nhân dân, mang những ký ức, câu chuyện thấm đẫm yếu tố văn hóa, lịch sử.

Khép lại năm 2024 với nhiều khó khăn, thử thách, Hà Nội bước sang năm 2025 với diện mạo mới, sức sống mới. Cây xanh gãy đổ được cứu sống, trồng lại đã thể hiện những nỗ lực của Thành phố trong việc gìn giữ và xây dựng không gian xanh đô thị.

Kiên cường như đất và người Hà Nội, cây xanh đã hồi sinh trở lại trong xuân mới, báo hiệu một giai đoạn phát triển đầy sức sống của Thủ đô.

Chu Lan Anh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nhung-vuon-cay-xanh-o-ha-noi-vuon-minh-don-nang-xuan-299828.htm
Zalo