Những trường hợp nào được coi là tổ chức đánh bạc?

* Bạn đọc Nguyễn Phương Anh ở phường 6, quận 10, TP Hồ Chí Minh, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, trong những trường hợp nào được coi là tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc 'với quy mô lớn'?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248, Điều 249 Bộ luật Hình sự. Cụ thể như sau:

1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”:

a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc;

c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên.

Tranh của NGUYỄN VĂN DŨNG

Tranh của NGUYỄN VĂN DŨNG

2. Người tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc trường hợp chưa đến mức được hướng dẫn tại các điểm a, b và c khoản 1 điều này, nếu tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì tuy họ không phải chịu trách nhiệm hình sự về “tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” nhưng họ phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.

3. “Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn” được xác định như sau:

a) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng là thu lợi bất chính lớn.

b) Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 90.000.000 đồng là thu lợi bất chính rất lớn.

c) Thu lợi bất chính từ 90.000.000 đồng trở lên là thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

* Bạn đọc Vũ Duy Linh ở xã Khánh Công, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, quân nhân đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc; cho vay nặng lãi bị áp dụng hình thức kỷ luật nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 42, Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-2-2024). Cụ thể như sau:

1. Đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép; cho vay nặng lãi dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.

2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm:

a) Là chỉ huy;

b) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;

c) Lôi kéo người khác tham gia;

d) Cho thuê địa điểm đánh bạc.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nhung-truong-hop-nao-duoc-coi-la-to-chuc-danh-bac-810747
Zalo