Né phạt nồng độ cồn: Sài Gòn đi metro, Cà Mau bơi xuồng
Xuân về Tết đến, chuyện lai rai bia rượu là tất nhiên. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể chọn điểm nhậu gần nhà để tiết kiệm tiền xe công nghệ. Trong khi ở Sài Gòn người dân dùng phương tiện hiện đại là metro để đi lai rai thì ở Cà Mau, chiếc xuồng truyền thống được dùng làm phương tiện đi đám tiệc.
Tết năm ngoái, trong đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, dân nhậu đối phó bằng cách chuyển sang đi xe đạp và chọn điểm lai rai gần nhà để nhậu xong còn có sức đạp về. Sau đó, tính sáng tạo tăng lên, một số người dùng xe đạp điện hoặc trợ lực điện để thoải mái đi nhậu xa hơn, miễn xe không hết điện giữa chừng.
Chiêu lách luật này trong thời gian đầu có hiệu quả vì trong đợt cao điểm cảnh sát giao thông chỉ kiểm tra người lái xe gắn máy và xe hơi, nên người đi xe đạp cứ ung dung đạp xe tà tà qua chốt.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ ít lâu sau khi đợt cao điểm lắng xuống, xe đạp vào tầm ngắm của lực lượng kiểm tra. Bởi lẽ, theo quy định có từ năm 2020 với nghị định 100 và mới đây nhất là nghị định 168/2024, mức phạt vi phạm nồng độ cồn là từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi xe đạp, kể cả xe đạp điện.
Cách lách luật, né phạt nồng độ cồn bằng việc đi xe đạp chính thức bị khai tử sau khi không ít người đi ngang chốt được mời vào thổi nồng độ cồn và phải đóng phạt và bị giữ xe.
Dù các quán nhậu có dịch vụ giữ xe miễn phí cho khách nhưng nếu quán xa nhà thì người dân vẫn đành lắc đầu vì không kham nổi tiền đi xe công nghệ, nhất là với những người có nhiều độ nhậu dịp cuối năm.
Thế rồi metro số 1 đi vào hoạt động, một số người nhanh nhạy phát hiện ra đây là phương tiện đi nhậu xa thoải mái và đặc biệt là rẻ tiền. Cách đây vài ngày, cơ quan cũ của người viết bài này tổ chức tắt niên. Một nhóm đồng nghiệp ở khu vực Thủ Đức đã hẹn nhau ngày đó cùng đi làm bằng metro, dự tiệc cuối ăn và “dzô dzô” thoải mái. Tiệc tan, mọi người cùng nhau bắt taxi ra ga Bến Thành, lên tàu đi một mạch về Thủ Đức rồi đi xe công nghệ hay gọi người nhà ra đón.
Cách đi lại này vừa an toàn, vừa tiện lợi, sau khi uống rượu bia xong có thể ngồi trong toa tàu máy lạnh đánh một giấc. Có nhóm túm tụm lại tiếp tục câu chuyện rôm rả trong tiệc tất niên rồi chụp hình selfie đăng lên nhóm Facebook nội bộ, trang Facebook cá nhân thật là xôm tụ.
Ở cuối miền đất nước, vùng Cà Mau, dân nhậu cũng sáng tạo trong việc đi nhậu mà vẫn an toàn không bị kiểm tra nồng độ cồn. Cách đây vài tuần, nguời viết bài này có dịp dự đám giỗ trong gia đình ở Cà Mau tại khu vực này nằm dọc quốc lộ 1. Đây là vùng chằng chịt sông nước, nhà cửa đa phần có hai mặt tiền “trước lộ sau sông” nên hai phương tiện đi lại phổ biến nhất là xe máy và xuồng ghe.
Trong bàn tiệc đám giỗ, tình cờ nghe mấy người bà con cùng bàn rủ nhau đi đám giỗ trong xóm và dặn nhau nhớ mua bia đem theo, một tập tục ở vùng quê này. Khi được hỏi “mấy anh nhậu không sợ bị kiểm tra nồng độ còn sao?” thì họ cười ngất và cho biết “tụi tui đi bằng xuồng mà!”.
Ra là vậy, khi trên bộ siết kiểm tra nồng độ cồn thì người dân từ đi xe máy đã chuyển dùng xuồng đi đám tiệc. Điều này cũng dễ hiểu vì ở các tỉnh miền Tây, đám tiệc là dịp cụng ly vui vẻ khó mà bỏ được.
Khi người dân đi nhậu bằng đường sông thì cảnh sát giao thông đường bộ đành bó tay vì đó là địa bàn do cảnh sát giao thông đường thủy phụ trách. Mà với hệ thống sông ngòi chằng chịt len lỏi khắp nơi ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long thì có lẽ cánh sát khó mà đủ nhân lực lẫn ca nô đi tuần tra kiểm soát nồng độ cồn trên sông rạch.
Dù vậy, việc lách luật này vẫn tiềm ẩn nguy cơ vì sau khi nhậu say, dù không gặp cảnh sát nhưng nếu chẳng may lật xuồng thì không khéo lại phải gặp …Hà Bá. Bởi vậy, cẩn thận, tuân thủ quy định vẫn là hơn.