Quy định mới về số lượng Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc TAND cấp cao
Chánh án TAND tối cao vừa ký các Quyết định ngày 23/1/2025 về số lượng Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại Đà Nẵng và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị có 2 Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm, gồm: Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, hành chính (Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm I) và Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm về dân sự, kinh doanh thương mại, phá sản, lao động (Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm II).
Đối với TAND cấp cao tại Đà Nẵng có 1 Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo nội dung các Quyết định, Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm I có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thẩm phán, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án, vụ việc về hình sự, hành chính thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm II có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban Thẩm phán, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, Chánh án TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh trong công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án, vụ việc về dân sự, kinh doanh thương mại, phá sản, lao động thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao tại Hà Nội, TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh.
Các Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm nêu trên thực hiện, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Thông tư số 03/2024/TT-TANDTC ngày 31/12/2024 của Chánh án TAND tối cao.
Cụ thể, theo Thông tư số 03/2024/TT-TANDTC, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Giám đốc thẩm, tái thẩm gồm: Nghiên cứu, giải quyết văn bản yêu cầu đề nghị, kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định; nghiên cứu, đề xuất việc xem xét, quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định.
Đồng thời, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu phục vụ phiên họp, phiên tòa xét xử của Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao; kiến nghị Chánh án TAND cấp cao xem xét, kháng nghị bản án, quyết định của TAND cấp cao đã có hiệu lực pháp luật theo quy định; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về tố tụng; thực hiện nhiệm vụ liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo thẩm quyền; tổng kết thực tiễn xét xử, đề xuất án lệ; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Chánh án TAND cấp cao.