Những tín hiệu tích cực cho cuộc chiến Ukraine
Các chính khách phương Tây toan tính gì khi có những cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin? Trong khi cục diện chiến trường tiếp tục bất lợi cho Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky hy vọng rằng khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2025, cuộc chiến tại Ukraine sẽ sớm chấm dứt và sẽ chấm dứt bằng con đường ngoại giao.
Cuộc điện đàm giữa ông Donald Trump và ông Putin
Báo Mỹ Washington Post ngày 11/11 đã đưa tin độc quyền về việc Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 6/11 và đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Trump thắng cử.
Dẫn nguồn tin “am hiểu câu chuyện”, tờ báo cho rằng cuộc gọi điện thoại được thực hiện tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở tiểu bang Florida. Các quan chức Ukraine đã được thông báo về cuộc gọi của ông Trump với ông Putin và không phản đối cuộc trò chuyện diễn ra. Các quan chức Ukraine từ lâu đã hiểu rằng ông Trump sẽ đối thoại với ông Putin về một giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến.
Trong cuộc gọi, ông Trump đã khuyên Tổng thống Nga Putin “không nên leo thang chiến tranh ở Ukraine” và “nhắc nhở” ông về sự hiện diện quân sự đáng kể của Washington ở châu Âu. Theo tờ báo này, hai lãnh đạo đã thảo luận về mục tiêu hòa bình trên lục địa châu Âu và ông Trump bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc trò chuyện tiếp theo để thảo luận về “giải pháp sớm cho cuộc chiến tranh Ukraine”.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ “chấm dứt ngay lập tức” cuộc chiến ở Ukraine, mặc dù không đưa ra thông tin chi tiết về cách ông dự định thực hiện điều đó. Ông đã ám chỉ riêng rằng sẽ ủng hộ một thỏa thuận theo đó Nga giữ lại một số vùng lãnh thổ đã chiếm được và trong cuộc gọi, ông đã nêu vấn đề lãnh thổ một cách ngắn gọn.
Cuộc điện đàm vốn chưa từng được báo cáo trước đó, diễn ra trong bối cảnh nhiều người không chắc chắn về cách ông Trump sẽ thiết lập lại bàn cờ ngoại giao thế giới của các đồng minh và đối thủ của Mỹ như thế nào sau chiến thắng quyết định của ông tại cuộc bầu cử hôm 5/11. Ông Trump nói với NBC vào ngày 7/11 rằng ông đã nói chuyện với khoảng 70 nhà lãnh đạo thế giới kể từ sau cuộc bầu cử, bao gồm cả Tổng thống Ukraine Zelensky.
Moscow ban đầu phản ứng lạnh lùng với chiến thắng của ông Trump, trong đó người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng Tổng thống Putin không có kế hoạch gọi điện cho tổng thống đắc cử của “một quốc gia thù địch đang trực tiếp và gián tiếp tham gia vào cuộc chiến chống lại nhà nước của chúng tôi”. Tuy nhiên, vào ngày 6/11, Tổng thống Putin đã công khai chúc mừng chiến thắng của ông Trump, ca ngợi phản ứng “đầy nam tính” của ông Trump đối với vụ ám sát ở tiểu bang Pennsylvania và cho biết ông “sẵn sàng” nói chuyện với ông Trump.
Sau khi bài báo của Washington Post được đăng tải, Điện Kremlin đã phủ nhận việc đã diễn ra cuộc điện đàm. Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho rằng điều đó “hoàn toàn không đúng sự thật”.
Trước đó, vào ngày 10/11, nhà báo Pavel Zarubin của kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya đã công bố một cuộc phỏng vấn với ông Peskov trong đó người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết các dấu hiệu cải thiện quan hệ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump là “tích cực”.
“Ông Trump đã nói trong chiến dịch tranh cử của mình về cách ông ấy nhìn nhận mọi thứ thông qua các thỏa thuận, rằng ông ấy có thể đạt được một thỏa thuận sẽ đưa mọi người đến với hòa bình. Ít nhất thì ông ấy nói về hòa bình, không phải về đối đầu và mong muốn gây ra thất bại chiến lược cho Nga”, ông Peskov nói.
Trong khi đó, cuộc gọi của ông Trump với ông Zelensky cũng diễn ra trong bầu không khí thân thiện nhưng trong bối cảnh các quan chức ở Kiev lo lắng về việc nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump có thể có ý nghĩa không thuận lợi như thế nào đối với nỗ lực chiến tranh. Ukraine cần hàng tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự mỗi tháng để tiếp tục cuộc chiến. Ông Trump đã phàn nàn về chi phí chiến tranh đối với người nộp thuế Mỹ và lưu ý rằng Ukraine có thể phải từ bỏ một số lãnh thổ của mình để đổi lấy hòa bình.
Căng thẳng giữa Ukraine và chiến dịch tranh cử của ông Trump đã gia tăng sau chuyến thăm của ông Zelensky tới một nhà máy đạn dược ở tiểu bang Pennsylvania vào tháng 9. Chuyến thăm tới tiểu bang chiến trường này đã bị các đồng minh của ông Trump, kể cả Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson chỉ trích là một “chiêu trò chính trị”.
Tin tức về cuộc gọi này xuất hiện khi Ukraine ngày 10/11 đã phát động một cuộc tấn công lớn bằng máy bay không người lái vào Moscow và 5 khu vực khác của Nga, làm 1 người bị thương và buộc 3 sân bay phải tạm dừng hoạt động, các quan chức tại Moscow cho biết. Bộ Quốc phòng Nga cho biết 34 trong số những máy bay không người lái đã bị bắn hạ trên khu vực Moscow và đây là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất của Ukraine vào thủ đô Moscow kể từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine.
Mặc dù chưa nêu rõ kế hoạch chấm dứt chiến tranh, nhưng ông Trump đã nói rằng sẽ có lợi cho Ukraine nếu đạt được một thỏa thuận sớm hơn trong cuộc chiến khi đất nước này tiếp tục mất đi binh lính, thường dân và cơ sở hạ tầng. “Bất kỳ thỏa thuận nào - cho dù là thỏa thuận tồi tệ nhất - cũng sẽ tốt hơn những gì chúng ta có hiện nay”, ông Trump nói trong bài phát biểu tại Bắc Carolina vào tháng 9. Một cựu quan chức Mỹ được thông báo về cuộc điện đàm Trump-Putin cho biết ông Trump có lẽ không muốn nhậm chức với một cuộc khủng hoảng tiếp tục leo thang ở Ukraine, vì nó sẽ “khiến cho nỗ lực ngăn chặn chiến tranh của ông trở nên tồi tệ hơn”.
Với chủ trương như thế của ông Trump, ông Zelensky đã quay sang ủng hộ nỗ lực nhanh chóng của ông Trump để làm trung gian cho một thỏa thuận. “Về phía chúng tôi, chúng tôi phải làm mọi thứ để cuộc chiến này kết thúc vào năm tới, kết thúc thông qua các biện pháp ngoại giao”, ông nói với đài phát thanh Ukraine. Ông tuyên bố, chiến thắng trong cuộc bầu cử của ông Trump mang ý nghĩa là cuộc xung đột sẽ “kết thúc sớm hơn”.
Tổng thống Ukraine Zelensky đã tích cực “lấy lòng” ông Trump để thúc đẩy cho điều ông đã nói. Hai ông đã gặp nhau tại New York vào tháng 9. Sau chiến thắng của ông Trump, nhà lãnh đạo Ukraine đã nhanh chóng chúc mừng ông, trích dẫn lời hứa của chính Trump về “hòa bình thông qua sức mạnh”.
Ngày 9/11, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã sẵn sàng thảo luận về Ukraine với ông Trump nhưng điều đó không có nghĩa là ông sẵn sàng thay đổi các yêu cầu của Moscow. Trước đó, vào tháng 6/2024, Tổng thống Putin đã đưa ra các điều khoản của mình để chấm dứt chiến tranh: Ukraine sẽ phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút toàn bộ quân đội khỏi toàn bộ lãnh thổ của 4 khu vực mà Nga tuyên bố chủ quyền. Ukraine đã bác bỏ điều đó, nói rằng điều đó tương đương với sự đầu hàng, và ông Zelensky đã đưa ra một “kế hoạch chiến thắng” bao gồm các yêu cầu về hỗ trợ quân sự bổ sung từ phương Tây - Moscow gọi là đây là sự leo thang chiến tranh của Kiev.
Toan tính của Thủ tướng Đức Scholz
Ngay sau cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin, Moscow và Berlin thông báo Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Putin vào hôm 8/11. Ông Scholz cho biết ông muốn nói chuyện với Tổng thống Nga về các giải pháp khả thi để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, hiện đang tiến gần đến mốc “1.000 ngày” vào ngày 19/11 tới. Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo nói chuyện là vào tháng 12/2022, khi đó Thủ tướng Đức thúc giục ông Putin rút quân khỏi Ukraine.
Cũng trong cuộc gọi, ông Scholz đã nhắc lại “lời lên án” của Berlin về cuộc chiến tại Ukraine, kêu gọi Nga rút quân và nhấn mạnh “quyết tâm không lay chuyển trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc đấu tranh phòng thủ chống lại Nga miễn là cần thiết”.
Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga, trích dẫn lời một quan chức Chính phủ Đức giấu tên, đưa tin rằng hai ông Scholz và Putin đã đồng ý duy trì liên lạc với nhau. Đức cũng có kế hoạch thông báo tóm tắt cho “các đồng minh và đối tác” về các cuộc đàm phán của ông Scholz với ông Putin, hãng tin này cho biết thêm.
Ông Putin cũng đã nêu rõ lập trường đàm phán của Nga, bao gồm lợi ích an ninh của quốc gia, vị thế hiện tại của nước này trên tuyến đầu và “quan trọng nhất là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột”. Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin đã than phiền về “sự suy thoái toàn diện chưa từng có” trong quan hệ Nga-Đức do “chương trình không thân thiện” của Berlin, đồng thời nói thêm rằng Moscow sẵn sàng hợp tác năng lượng “nếu Berlin quan tâm”. Điện Kremlin cho biết thêm, Nga và Đức có kế hoạch duy trì liên lạc ở các cấp thấp hơn.
Cuộc điện đàm hôm 8/11 diễn ra vào thời điểm bấp bênh đối với cả triển vọng tiếp tục ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine và đối với tương lai chính trị của chính Thủ tướng Scholz. Ông Scholz đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chính phủ sau sự sụp đổ của “liên minh đèn giao thông” của Quốc hội Đức vào tuần trước và ông phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào giữa tháng 12 tới.
Trong khi đó, việc ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ mang tính lịch sử đã làm dấy lên mối lo ngại trong các đối tác châu Âu của Washington về việc liệu Mỹ có duy trì vai trò lãnh đạo của mình trong việc hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước lực lượng đang tiến nhanh của Nga hay không.
Mặt khác, trước thông tin về các động thái nhanh chóng và liên tục của ông Trump đối với cuộc chiến tại Ukraine, không chỉ Đức mà nhiều đối tác châu Âu khác của Mỹ cũng đang đứng ngồi không yên. Trong tình thế đó, ông Scholz được cho là đang nỗ lực nhằm không để bị “bỏ lại phía sau” trong cuộc vận động chung tìm kiếm cơ hội đàm phán với Nga để giải quyết cuộc chiến Ukraine. Với việc ông Trump tuyên bố “sẽ sớm chấm dứt cuộc chiến Ukraine”, châu Âu, đặc biệt là Đức sẽ không thể chậm chân hơn trong việc thể hiện vai trò tìm kiếm hòa bình của mình.