Ý nghĩa của học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga đối với xung đột ở Ukraine

Học thuyết hạt nhân mới hạ thấp tiêu chuẩn, cho phép Nga ta có thể đáp trả ngay cả một cuộc tấn công thông thường được hỗ trợ bởi sức mạnh hạt nhân.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tài liệu “Những nguyên tắc cơ bản của chính sách nhà nước về răn đe hạt nhân” được biết đến nhiều hơn với tên gọi học thuyết hạt nhân của Nga, phiên bản sửa đổi được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 19/11 đã nêu rõ các tình huống cho phép ông sử dụng kho vũ khí nguyên tử của Moskva vốn lớn nhất thế giới.

Phiên bản mới này hạ thấp tiêu chuẩn, cho phép Nga ta có thể đáp trả ngay cả một cuộc tấn công thông thường được hỗ trợ bởi sức mạnh hạt nhân. Điều này có thể bao gồm việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp để tấn công lãnh thổ Nga, sự việc mà Moskva cho biết đã xảy ra vào rạng sáng 19/11 khi sáu tên lửa tấn công khu vực Bryansk.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh rằng những cuộc tấn công như vậy có khả năng dẫn đến phản ứng hạt nhân theo văn kiện đã sửa đổi.

Theo Điện Kremlin, phiên bản đầu tiên của học thuyết hạt nhân của Nga đã được Tổng thống Putin ký vào năm 2020 và ông đã phê duyệt phiên bản mới nhất hôm 19/11. Nó phác thảo thời điểm Nga có thể sử dụng kho vũ khí nguyên tử của mình.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022, Nga thường xuyên đe dọa phương Tây bằng kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng điều đó không ngăn cản các đồng minh của Kiev cung cấp cho họ hàng tỷ USD vũ khí tiên tiến, một số trong đó đã tấn công vào đất Nga.

Tài liệu được sửa đổi mô tả vũ khí hạt nhân là “một phương tiện răn đe”, lưu ý rằng việc sử dụng chúng là “biện pháp cực đoan và bắt buộc”. Tài liệu tuyên bố rằng Nga thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự trầm trọng thêm của quan hệ giữa các quốc gia có thể gây ra xung đột quân sự, bao gồm cả xung đột hạt nhân.

Tài liệu nêu rõ, hoạt động răn đe hạt nhân như vậy nhằm mục đích bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, ngăn chặn kẻ xâm lược tiềm tàng hoặc trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự, ngăn chặn leo thang thù địch và chấm dứt chúng theo các điều kiện có thể chấp nhận được đối với Liên bang Nga.

Mặc dù được xây dựng rộng rãi để tránh cam kết chắc chắn về việc sử dụng vũ khí hạt nhân và khiến phương Tây phải đoán già đoán non về phản ứng của Moskva, phiên bản sửa đổi nêu rõ các điều kiện mà Tổng thống Putin có thể sử dụng giải pháp hạt nhân để đáp trả một cuộc tấn công thông thường.

Những thay đổi trong học thuyết đã được tiến hành trong nhiều tháng, và không phải ngẫu nhiên mà thông báo về phiên bản mới vào ngày 19/11 diễn ra sau hai ngày kể từ quyết định của Washington cho phép Ukraine sử dụng các tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu ở Nga. Trong nhiều tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cân nhắc những rủi ro của sự leo thang như vậy.

Điều gì gây ra phản ứng hạt nhân của Nga?

Học thuyết này nêu rõ Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân "để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác" chống lại Nga hoặc các đồng minh của nước này, cũng như trong trường hợp xâm lược chống lại Nga và Belarus bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền và/hoặc toàn vẹn lãnh thổ.

Tài liệu nêu rõ bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại Nga của một cường quốc phi hạt nhân với sự tham gia hoặc hỗ trợ của một cường quốc hạt nhân sẽ được coi là cuộc tấn công chung của họ vào Nga.

Tài liệu này cũng nói thêm rằng vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng trong những tình huống sau: Nếu nhận được thông tin đáng tin cậy về vụ phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của nước này; Nếu vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác tấn công vào lãnh thổ Nga hoặc các đồng minh của Nga, hoặc được sử dụng để tấn công các đơn vị quân sự hoặc cơ sở của Nga ở nước ngoài; Nếu tác động của kẻ thù vào các cơ sở quân sự hoặc chính phủ cực kỳ quan trọng của Nga có thể làm suy yếu khả năng tấn công hạt nhân trả đũa; Nếu hành động xâm lược Nga hoặc Belarus bằng vũ khí thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; Nếu nhận được thông tin đáng tin cậy về việc cất cánh hoặc phóng máy bay chiến lược và chiến thuật, tên lửa hành trình, thiết bị bay không người lái, máy bay siêu thanh hoặc các phương tiện bay khác và việc chúng xâm nhập biên giới Nga.

Tổng thống Nga có thể thông báo cho các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị của các quốc gia khác hoặc các tổ chức quốc tế về sự sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc rằng ông đã quyết định sử dụng chúng.

Liệu vũ khí hạt nhân có sắp được sử dụng không?

Ngay cả trước khi ký học thuyết sửa đổi, Tổng thống Putin đã cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO không được cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp, nói rằng điều đó sẽ khiến Nga và NATO rơi vào chiến tranh.

Ngày 19/11, khi được hỏi rằng liệu một cuộc tấn công như vậy của Ukraine có khả năng gây ra phản ứng hạt nhân hay không, người phát ngôn Peskov trả lời là có. Ông chỉ ra điều khoản của học thuyết này cho phép Nga làm điều đó sau một cuộc tấn công thông thường gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga. Ông Peskov cũng nhấn mạnh phần mới của học thuyết này, mô tả cuộc tấn công của bất kỳ quốc gia nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là hành động xâm lược chung chống lại Nga.

Bà Tatiana Stanovaya thuộc Trung tâm Carnegie về Nga và Á-Âu lưu ý rằng bình luận của ông Peskov đánh dấu lần đầu tiên Điện Kremlin thừa nhận rõ ràng "khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa".

Tuy nhiên, trong khi học thuyết này hình dung ra khả năng Nga phản ứng hạt nhân, nó lại được xây dựng một cách linh hoạt để tránh cam kết chắc chắn sử dụng vũ khí hạt nhân và giữ cho Tổng thống Putin có nhiều lựa chọn. Theo một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, người không được phép bình luận công khai và yêu cầu giấu tên, Mỹ không thấy có thay đổi nào đối với lập trường hạt nhân của Nga. Do đó, chính quyền Tổng thống Biden không thấy lý do gì để điều chỉnh lập trường hoặc học thuyết hạt nhân của Mỹ.

Tiến sỹ Jack Watling, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services (Anh), cho biết việc sử dụng tên lửa tầm xa của phương Tây chắc chắn sẽ không kích hoạt phản ứng hạt nhân của Moskva như một số người ở phương Tây lo ngại. Nhưng ông nói thêm rằng "Nga có thể leo thang theo nhiều cách để gây ra chi phí cho phương Tây, từ phá hoại dưới nước đến sử dụng lực lượng ủy nhiệm để quấy rối hoạt động thương mại ở Bab el-Mandeb", một eo biển ngoài khơi Biển Đỏ, nơi các cuộc tấn công vào tàu thuyền được cho là do lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện.

Tuy nhiên, bà Stanovaya cho biết tình hình hiện tại tạo ra cơ hội cho Tổng thống Putin để leo thang căng thẳng . Tổng thống Putin có thể muốn đưa ra cho phương Tây hai lựa chọn rõ ràng: Một là chiến tranh hạt nhân, hai là chấm dứt xung đột với các điều kiện của Nga.

Bà cho biết điều đó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ sáng kiến hòa bình nào nhưng có thể củng cố lập luận của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc đối thoại trực tiếp với ông Putin. Bà Stanovaya cũng lưu ý thêm điều này sẽ khiến tổng thống Biden phải chịu sự chỉ trích vì là chất xúc tác của sự leo thang trong khi có khả năng ngăn cản Ukraine sử dụng thêm tên lửa tầm xa.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo timesofisrael)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/y-nghia-cua-hoc-thuyet-hat-nhan-sua-doi-cua-nga-doi-voi-xung-dot-o-ukraine-20241120144853768.htm
Zalo