Những thiếu hụt dinh dưỡng đáng lo từ chế độ ăn toàn thịt

Chế độ ăn toàn thịt (carnivore diet) là một hình thức ăn chỉ bao gồm thịt, cá, trứng, và một số sản phẩm từ động vật như sữa.

Ảnh minh họa. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Ảnh minh họa. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN

Một nghiên cứu mới đây cho thấy chế độ ăn toàn thịt, vốn được một số người ủng hộ vì lợi ích cho các bệnh chuyển hóa, có thể khiến người áp dụng cách ăn này thiếu hụt các dưỡng chất thiết yếu nếu không kết hợp thực phẩm từ nội tạng động vật và sữa.

Chế độ ăn toàn thịt (carnivore diet) là một hình thức ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ bao gồm thịt, cá, trứng, và một số sản phẩm từ động vật như sữa. Chế độ này loại bỏ hoàn toàn các nhóm thực phẩm khác, bao gồm trái cây, rau củ, các loại hạt, ngũ cốc, và đậu.

Tỷ lệ mắc các bệnh chuyển hóa ngày càng cao đã thúc đẩy sự quan tâm đến các chế độ ăn uống thay thế, thách thức các khuyến nghị dinh dưỡng truyền thống. Trong khi các bác sĩ thường khuyên dùng trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt, một số bệnh nhân lại chọn cách loại bỏ hoàn toàn thực phẩm từ thực vật.

Một nghiên cứu gần đây, được công bố trên tạp chí Nutrients bởi các nhà khoa học tại Australia và New Zealand, đã phân tích bốn phiên bản của chế độ ăn toàn thịt. Kết quả cho thấy, dù chế độ này cung cấp dư thừa một số dưỡng chất như vitamin B12 và kẽm, nhưng lại thiếu hụt nghiêm trọng các chất như vitamin B1, magiê và vitamin C.

Đặc biệt, mức tiêu thụ natri trong chế độ ăn này cao gấp 15-20 lần mức khuyến nghị, gây lo ngại lớn về sức khỏe.

Nghiên cứu đã thiết kế bốn thực đơn dựa trên chế độ ăn toàn thịt, hai dành cho nam và hai dành cho nữ trong độ tuổi 19-50. Bao gồm: Một cặp thực đơn bao gồm sữa để tăng cường canxi. Một cặp khác bổ sung nội tạng động vật nhằm cung cấp sắt và vitamin A.

Dù không có định nghĩa chính thức cho chế độ ăn toàn thịt, các thực đơn trong nghiên cứu được thiết kế để đảm bảo protein chiếm 25-30% năng lượng, phần còn lại đến từ chất béo.

Chế độ ăn toàn thịt vượt ngưỡng khuyến nghị cho một số dưỡng chất như riboflavin, niacin, vitamin B12, selen, photpho, kẽm, vitamin B6, và vitamin A. Tuy nhiên, nghiên cứu ghi nhận thiếu hụt vitamin B1, magiê, canxi, sắt, vitamin C, iốt và folate.

Đáng chú ý, lượng chất xơ trong chế độ ăn này chỉ đạt chưa đến 1% mức khuyến nghị, và ba trong bốn thực đơn không cung cấp đủ kali.

Bổ sung sữa và nội tạng động vật giúp giảm bớt một số thiếu hụt. Ví dụ, sữa giúp tăng lượng canxi tiêu thụ lên 74% ở nam và 84% ở nữ, dù vẫn chưa đạt mức khuyến nghị 1.000 mg/ngày. Nội tạng động vật giúp phụ nữ đáp ứng nhu cầu sắt, trong khi muối iốt giải quyết vấn đề thiếu iốt.

Tiến sĩ Sylvia Goedeke, một chuyên gia dinh dưỡng, cho biết người theo chế độ ăn này nên cân nhắc bổ sung canxi, magiê và kali để bù đắp thiếu hụt.

Chế độ ăn này có một số ưu và nhược điểm được các chuyên gia chỉ ra. Ưu điểm: Hàm lượng protein và chất béo cao giúp giảm cảm giác thèm ăn, từ đó giảm lượng calo tiêu thụ. Loại bỏ thực phẩm chế biến sẵn và đường giúp ổn định đường huyết. Lựa chọn thực phẩm hạn chế giúp đơn giản hóa việc lên thực đơn.

Nhược điểm: Thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là vitamin C, E, K, folate, chất xơ. Khó duy trì lâu dài. Nguy cơ tim mạch do tiêu thụ chất béo bão hòa cao. Thiếu các hợp chất có lợi từ thực vật như phytonutrients (dinh dưỡng thực vật) và chất chống oxy hóa.

Bác sĩ Paunel Vukasinov khuyến cáo những người theo chế độ ăn toàn thịt nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số sức khỏe, bao gồm mức cholesterol, chức năng thận và nồng độ các dưỡng chất trong máu. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc điều chỉnh chế độ ăn theo chỉ dẫn của chuyên gia y tế là rất cần thiết.

Dù chế độ ăn toàn thịt có thể mang lại một số lợi ích, nhưng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cho thấy cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo theepochtimes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nhung-thieu-hut-dinh-duong-dang-lo-tu-che-do-an-toan-thit-20250109161912799.htm
Zalo