Những thanh âm cuộc sống

Hà Nội là 1 trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Bộ mặt của Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại với những dự án chung cư cao tầng ngày một nhiều hơn. Tuy nhiên, đằng sau những tòa nhà hiện đại vẫn ẩn chứa những trầm tích văn hóa của Hà Nội, mà một trong những nét cổ xưa ấy còn lưu giữ là văn hóa làng xã. Liệu trong tiến trình phát triển, giao thoa văn hóa, 'tình làng nghĩa xóm' có bị mai một?

Cư dân các xóm lao động sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày

Cư dân các xóm lao động sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày

Ngõ nhỏ, xóm nhỏ…

Một ngày trống trải, trái tim tôi thôi thúc rủ rê, trở về xóm cũ, nơi ẩn chứa những ký ức tuổi thơ của một thời xa ngái. Xóm nghèo, ngõ nhỏ, tôi từng là một phần trong đó. Từng ngóc ngách, bụi tre, vào những buổi trưa hè vẫn vang lên tiếng cười đùa khúc khích trong trò chơi nghịch ngợm thủa nào. Nơi ấy, từng bờ mương, mép nước, còn đong đầy những kỷ niệm lội bùn bắt cá. Mỗi khi cơn mưa lớn ngập tràn, cá từ những hồ nuôi tràn ra con mương thoát nước xóm tôi. Đến khi trưởng thành, đi làm, có điều kiện về kinh tế, tôi chỉ ao ước kiếm thật nhiều tiền để rời bỏ chốn này, tìm đến một nơi có chất lượng sống tốt hơn. Uớc mơ đó đã thành hiện thực, nơi ở mới của gia đình tôi là một chung cư cao cấp, văn minh, hiện đại.

Chung cư tôi đang ở có nhiều cây xanh, sân chơi rộng rãi, có cả bể bơi và lúc nào cũng rực rỡ ánh đèn, trái ngược với cái xóm lao động tối tăm, mùa nắng thì bụi bặm, mùa mưa thì lầy lội, lại nằm sát con kênh thoát nước hôi hám đen ngòm. Chung cư của tôi toàn những người lịch lãm, mặt hoa da phấn, áo trắng quần âu, váy đủ sắc màu. Họ đi những chiếc ô tô bóng loáng, khác hẳn với những con người lam lũ xóm cũ sống bằng nghề đồng nát, vé số, sớm khuya bám phố, loẹt quẹt dép lê cùng thúng hàng rong để nhặt nhạnh từng đồng trang trải nỗi lo cơm áo. Thanh âm cuộc sống sau giờ thành phố lên đèn ở hai nơi ấy thật trái ngược. Một nơi thì im lìm tĩnh lặng, một nơi thì sôi động tiếng đời.

Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống thì câu chuyên về xây dựng văn hóa, cách ứng xử văn minh ở chung cư càng mang lại nhiều ý nghĩa

Khi ngày càng có nhiều người lựa chọn chung cư để sinh sống thì câu chuyên về xây dựng văn hóa, cách ứng xử văn minh ở chung cư càng mang lại nhiều ý nghĩa

Sống ở chung cư cao cấp, tôi thấy thế giới của mình bị thu hẹp lại từ cánh cửa căn hộ đến bàn ăn và phòng ngủ. Nhìn dãy hành lang sáng loáng chẳng khác gì một khách sạn hạng sang, nơi cư dân như các vị khách lưu trú chẳng quan tâm đến hàng xóm, căn hộ nào cũng đóng cửa im ỉm cả ngày. Mỗi căn hộ là một thế giới, người ta gọi cái thế giới ấy bằng hai tiếng “riêng tư”. Khác hẳn với cái xóm cũ của tôi, mặt trời tắt bóng là lúc những thanh âm cuộc sống bắt đầu. Tiếng nồi niêu bát đĩa lách cách, tiếng trò chuyện ríu ran, tiếng thuốc lào lọc sọc, tiếng ồn ã của lũ trẻ trêu đùa nhau... Và dĩ nhiên rồi, cũng không thể thiếu tiếng lè nhè say xỉn của mấy ông làm nghề lao động chân tay, chiều tối về nhà uống vài chén rượu giải khuây rồi lăn quay ra ngủ sớm. Sau giờ cơm nước, đám đàn ông lại lê la ngoài quán nước, chuyện đủ thứ trên đời chẳng có hồi kết. Đó có thể là những câu chuyện hữu ích hay tầm phào, nhưng là để giao lưu, chuyện trò với nhau, qua đó khoảng cách xích lại gần hơn, tình làng nghĩa xóm bền chặt.

Ngẫm chuyện “làng trong phố”

Đang sống lại những hồi tưởng nơi xóm cũ, tôi giật mình bởi tiếng gọi của chú Hòa. Vẫn cái dáng đi siêu vẹo ngày nào, nhưng ẩn chứa trong đó là sức mạnh lớn lao của một “siêu nhân”, mang dòng máu nghĩa hiệp. Ngày ấy, xóm tôi xảy ra hỏa hoạn bắt nguồn từ căn bếp nhà chị Dung làm nghề bán cháo sườn rong. Đám cháy bùng rất nhanh, có nguy cơ lan sang nhà hàng xóm. Chú Hòa ngày thường đi phụ vợ bán rau ở chợ đầu mối, nhưng trong một ngày trở trời mệt mỏi, chú ở nhà. Đang bệnh, nhưng chú quên hết mệt nhọc, lao vào đám cháy để cứu bé gái 5 tuổi con chị Dung đang kẹt trong nhà. Rồi cũng một mình chú bất chấp hiểm nguy dập lửa, tránh cháy lan gây thiệt hại cho bà con. Chân chú Hòa bị bỏng nặng phải đưa đi cấp cứu. Nằm viện vài ngày, chú xin về. Bà con sang thăm, chú cười hiền lành nói chỉ bị bỏng sơ sơ. Ấy là chú giấu mọi người, chú chẳng muốn chị Dung phải áy náy vì không thanh toán cho phần viện phí, chứ thực ra, gia cảnh chú cũng làm gì có tiền mà nằm viện. Đen đủi hơn, vết thương lâu ngày không khỏi dẫn đến hoại tử, chú phải tháo khớp bàn chân trái. Lúc đó, cả xóm chung tay gom góp để lo ca mổ cho chú, nếu không tính mạng khó lòng giữ nổi.

Các căn hộ ở chung cư luôn đóng cửa im ỉm, nhà nào biết nhà đó

Các căn hộ ở chung cư luôn đóng cửa im ỉm, nhà nào biết nhà đó

Trong buổi lễ tuyên dương và trao giấy khen, mọi người khen chú Hòa bình tĩnh và có kỹ năng y như lính cứu hỏa. “Các cô, các bác quên à, chú Hòa là thành viên bảo vệ tổ dân phố mình, từng đạt giải trong hội thi phòng cháy chữa cháy cấp quận còn gì...”. Nghe anh cảnh sát khu vực giới thiệu, chú Hòa đỏ mặt vì ngượng, chú vẫn vậy, luôn sống hiền lành, khiêm nhường với mọi người.

Ấy vậy mà xóm cũ của tôi với những con người hiền lành gắn kết sẽ chỉ còn là hoài niệm, vì khu vực này sắp phải di dời để nhường đất xây dựng công trình công cộng. Cái mương thoát nước đen ngòm ấy cũng sẽ được đi ngầm dưới lòng đất để tránh ô nhiễm môi trường. Bà con trong xóm sẽ được tái định cư tại những chung cư cao tầng. Chẳng ai muốn ra đi, cuộc sống sẽ xáo trộn nhiều, nhưng vì sự phát triển của thành phố, vì lợi ích chung của xã hội, nên họ đều ủng hộ và nghiêm chỉnh chấp hành. “Xóm mình chắc sẽ ly tán mỗi người một nơi” - chú Hòa nói mà như muốn khóc!

Đêm hôm đó, trở về căn hộ của mình, tôi ngồi trên ban công thoáng đãng, nhìn xuống vườn hoa bên dưới tòa nhà, nơi có hồ nước và ánh đèn màu trang trí bắt mắt. Câu chuyện trên báo mà tôi đọc được vẫn ám ảnh tâm trí. Tại sao một cô gái chết khô trên sofa trong tòa chung cư cao cấp suốt 2 năm trời mới tình cờ được phát hiện? Gia đình, bạn bè không ở gần đã đành, nhưng còn những người hàng xóm xung quanh, ban bảo vệ tòa nhà đâu? Không lẽ chẳng ai để ý tới sự biến mất của một con người...? Phải chăng lối “đèn ai nhà nấy rạng” đã trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay, nhất là ở đô thị và được ngụy trang bằng 2 chữ “riêng tư”?

Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, những xóm nghèo như xóm cũ của tôi với hạ tầng và môi trường sống không đảm bảo dần sẽ được nâng cấp, thay đổi để tạo diện mạo mới cho thành phố. Để thích hợp với cái mới, đã đến lúc cần có tư duy mới để nhìn nhận: Tính gắn kết làng xã không nhất thiết phải theo mô tuýp địa danh, địa lý; không nhất thiết phải có cổng làng, đình đền miếu mạo, cây đa giếng nước mới gọi là “xóm làng”... mà cần mở rộng để có cái nhìn sâu hơn về “tình làng nghĩa xóm” trong bối cảnh Hà Nội ngày một hiện đại, xuất hiện nhiều hơn các khu đô thị, các tòa chung cư. Trong sự thay đổi đó, đáng mừng là một thiết chế văn hóa mới đang hình thành trong tâm thức của mỗi người dân. Cư dân ở các tòa chung cư đã biết gắn kết “tình làng nghĩa xóm” bằng cách tự lập nên ban quản lý, bầu tổ trưởng các tầng và tổ chức sinh hoạt cộng đồng theo mô hình các câu lạc bộ để gắn kết, giao lưu, từ đó tăng thêm sự hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau.

Tôi tin rằng, dù là cư dân của phố, của xóm hay của làng trong phố, thì cũng đều cần một cộng đồng chia sẻ mà hạt nhân quan trọng là những người như chú Hòa. Các cụ dạy: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần là vậy!”.

Trần Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-thanh-am-cuoc-song-post611366.antd
Zalo