Châu lục đối diện thảm họa y tế

Khoảng 85% ngân sách y tế toàn cầu của Mỹ dành cho châu Phi. Việc Mỹ quyết định tạm dừng viện trợ nước ngoài và đóng cửa USAID khiến hàng loạt quốc gia đối diện thảm họa y tế khi thiếu nguồn thay thế.

Trong khi Mỹ quyết định tạm dừng viện trợ nước ngoài và đóng cửa USAID, một cuộc thảo luận khẩn cấp nổ ra giữa các chính phủ, tổ chức từ thiện cùng tổ chức y tế và phát triển toàn cầu.

Trọng tâm của cuộc thảo luận xoay quanh câu hỏi quan trọng: Ai sẽ lấp đầy khoảng trống trên?

Năm 2024, Mỹ đã đóng góp khoảng 12 tỷ USD cho lĩnh vực y tế toàn cầu, theo New York Times.

Số tiền này được sử dụng để điều trị HIV và ngăn ngừa lây nhiễm mới; cung cấp vaccine phòng bại liệt, sởi và viêm phổi cho trẻ em; nước sạch cho người tị nạn; cùng xét nghiệm và thuốc điều trị sốt rét.

“Không dễ gì có thể lấp đầy khoảng trống của Mỹ”, tiến sĩ Ntobeko Ntusi, Giám đốc điều hành Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi, nhận định.

Trước đây, viện trợ của Mỹ được phân bổ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Tuy nhiên, hôm 21/2, thẩm phán liên bang Mỹ Carl Nichols đã cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump triển khai kế hoạch giải thể cơ quan này.

Nhiều người cho rằng các quốc gia như Trung Quốc có thể lấp đầy một số khoảng trống mà Mỹ để lại, tiến sĩ Ntusi cho biết.

Một số khác lại đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp tới các tổ chức từ thiện lớn, bao gồm Quỹ Gates và Open Philanthropy.

Tuy nhiên, cuộc thảo luận này mang tính sống còn nhất đối với châu Phi. Khoảng 85% ngân sách y tế toàn cầu của Mỹ dành cho các chương trình tại châu Phi hoặc hỗ trợ những quốc gia khu vực này.

Tại Somalia - nơi viện trợ từ Mỹ chiếm tới 25% tổng ngân sách chính phủ, hay Tanzania - nơi phần lớn hệ thống y tế công cộng được tài trợ bởi Mỹ, việc cắt giảm này có thể là thảm họa.

 Học sinh trên đường đến trường ở Dar es Salaam, Tanzania - nơi Mỹ tài trợ phần lớn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: New York Times.

Học sinh trên đường đến trường ở Dar es Salaam, Tanzania - nơi Mỹ tài trợ phần lớn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ảnh: New York Times.

“Hầu hết nước láng giềng của chúng tôi ở châu Phi phụ thuộc vào Mỹ để mua sắm phần lớn thuốc cứu mạng cho các bệnh nhiễm trùng đặc hữu”, tiến sĩ Ntusi nói.

“Tôi không nghĩ rằng các chính phủ có thể ngay lập tức tìm ra nguồn lực để đối phó với tình hình này. Vì vậy, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng - sẽ có những người châu Phi mất mạng vì căn bệnh có thể phòng ngừa được”.

Bên nào sẽ tham gia?

Không có dấu hiệu nào cho thấy nguồn tài trợ bổ sung sẽ đến từ các nước G7, Liên minh châu Âu hoặc quốc gia có thu nhập cao khác.

Anh, Đức, Pháp, Hà Lan và các nước Scandinavia đều đã cắt giảm viện trợ nước ngoài. Một số quốc gia tài trợ mới đã tham gia hỗ trợ WHO, bao gồm Saudi Arabia và Hàn Quốc, nhưng chi tiêu của họ vẫn còn khá khiêm tốn so với mức viện trợ trước đây của Mỹ.

Trong số các tổ chức phi chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB) là bên có khả năng nhất trong việc cung cấp hỗ trợ dài hạn cho chi tiêu y tế. Tuy nhiên, tổ chức này chưa có động thái rõ ràng.

WB có thể đưa ra giải pháp như hoán đổi nợ lấy chăm sóc y tế, nói cách khác giảm hoặc xóa một phần nợ để đổi lấy cam kết đầu tư số tiền tương ứng vào hệ thống chăm sóc sức khỏe. Điều này sẽ giúp các quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần có thêm dư địa tài chính để bù đắp khoản tài trợ y tế bị cắt giảm.

Tuy nhiên, Mỹ là cổ đông lớn nhất của WB và chính quyền Trump có thể tác động đến bất cứ khoản đầu tư nào liên quan.

Trung Quốc

Phần lớn cuộc thảo luận công khai về việc lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại tập trung vào Trung Quốc. Nước này đã xây dựng sự hiện diện đáng kể tại châu Phi thông qua các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn hoặc cảng chiến lược.

"Trung Quốc có lý do chính đáng để làm như vậy", Ja Ian Chong, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.

Trung Quốc coi viện trợ nước ngoài là công cụ quyền lực mềm trong cuộc cạnh tranh siêu cường với Mỹ. Bắc Kinh có thể tìm cách tận dụng viện trợ để giành thêm sự ủng hộ từ các nước đang phát triển tại Liên Hợp Quốc.

 Một công ty Trung Quốc đang xây dựng khu nghỉ dưỡng du lịch tại Ouidah, Benin vào năm 2022. Ảnh: New York Times.

Một công ty Trung Quốc đang xây dựng khu nghỉ dưỡng du lịch tại Ouidah, Benin vào năm 2022. Ảnh: New York Times.

Dù phần lớn viện trợ của Trung Quốc dưới dạng các khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, nước này cũng hỗ trợ nhiều dự án đa dạng hơn.

Chẳng hạn, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu được Trung Quốc công bố vào năm 2021 đã phân bổ 2 tỷ USD để nâng cấp sản xuất chăn nuôi ở Ethiopia, chống sốt rét ở Gambia và trồng cây ở Mông Cổ, cùng nhiều dự án khác.

Dù vậy, ông Chong cho biết khả năng Trung Quốc lấp đầy khoảng trống mà USAID để lại có thể bị hạn chế do khó khăn tài chính của chính nước này. Nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại vì khủng hoảng bất động sản và nợ công tăng cao. Nước này đã thu hẹp một số khoản vay cơ sở hạ tầng lớn.

Cho đến nay, Trung Quốc tỏ ra ít quan tâm đến việc hỗ trợ các chương trình y tế toàn cầu hoặc cung cấp viện trợ quy mô lớn như USAID. AidData - phòng nghiên cứu của trường đại học William & Mary ở Virginia (Mỹ) - ước tính Bắc Kinh cung cấp khoảng 6,8 tỷ USD/năm dưới dạng viện trợ và các khoản vay lãi suất thấp.

Tổ chức từ thiện

Các tổ chức từ thiện hoạt động trong lĩnh vực y tế toàn cầu đang phải nhận những cuộc gọi hoảng loạn từ đối tác bị đóng băng nguồn tài trợ.

“Tôi đã nói chuyện với một số tổ chức và họ đều bảo rằng họ đang bị bao vây bởi lời cầu xin giúp đỡ. Tôi nghĩ họ đang cố gắng vá những lỗ hổng nhỏ", Sheila Davis, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận Partners in Health, cho biết.

“Nhưng nếu gói cứu trợ chắp vá chỉ có thể bù đắp 20% số tiền mà Mỹ từng chi trả, họ sẽ ưu tiên cứu vãn chương trình nào? Chọn một chương trình để duy trì hoàn toàn rồi bỏ mặc chương trình khác? Hay có chiến lược nào tối ưu hơn?”, bà đặt câu hỏi.

Quỹ Gates đang là tâm điểm của nhiều lời kêu gọi giúp đỡ. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo rằng họ không thể lấp được khoảng trống tài chính trên. Ngoài việc tài trợ các chương trình y tế toàn cầu, quỹ này còn hỗ trợ nghiên cứu và là nhà tài trợ chính của liên minh vaccine Gavi.

 Một y tá đang chuẩn bi vaccine sốt rét trước khi tiêm cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Kisumu, Kenya vào năm 2022. Ảnh: Reuters.

Một y tá đang chuẩn bi vaccine sốt rét trước khi tiêm cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện ở Kisumu, Kenya vào năm 2022. Ảnh: Reuters.

"Không có quỹ nào - hay nhóm quỹ nào - có thể cung cấp nguồn tài trợ, năng lực lực lượng lao động, chuyên môn hoặc khả năng lãnh đạo mà Mỹ từng cung cấp để chống lại và kiểm soát các bệnh tật chết người, cũng như giải quyết nạn đói nghèo trên toàn thế giới", Giám đốc quỹ tại Bắc Mỹ, Rob Nabors, cho biết qua email.

Các chính phủ châu Phi

Các chính phủ châu Phi đang chịu áp lực lớn trong việc tự đảm nhận chi tiêu y tế trước đây do Mỹ tài trợ. Vấn đề này đã trở thành chủ đề chính trong cuộc họp của các bộ trưởng y tế tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi vào tuần trước.

Trong 24 năm kể từ khi Liên minh thông qua Tuyên bố Abuja - cam kết 42 thành viên sẽ chi 15% trăm ngân sách cho y tế - chỉ có một số ít quốc gia đạt được mục tiêu này, và chỉ trong một hoặc hai năm.

Trung bình, ngân sách y tế của các nước châu Phi đạt chưa đến một nửa con số đó.

Tổng thống Nigeria đã triệu tập ủy ban nội các khẩn cấp để tìm giải pháp cho khoản thiếu hụt ngân sách. Quốc hội nước này đã thông qua khoản bổ sung 200 triệu USD cho ngân sách quốc gia vào tuần trước.

Tuy nhiên, con số này vẫn chưa bằng một nửa khoản tài trợ 512 triệu USD mà Mỹ cung cấp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nigeria trong năm 2023.

Bộ trưởng Y tế Nigeria, tiến sĩ Muhammad Pate, cho biết USAID tài trợ đến 3/4 chi phí thuốc men và bộ xét nghiệm cho 1,3 triệu người Nigeria sống chung với HIV.

Ông cho biết Nigeria sẽ cần nhanh chóng tìm ra cách thức hoạt động mới, bao gồm việc thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trên trong nước. “Có thể sản phẩm sẽ không được trau chuốt như trước, nhưng ít nhất chúng vẫn có thể phục vụ được”, ông Pate nhận định.

Ông cũng dự đoán việc chấm dứt viện trợ của Mỹ sẽ đẩy nhanh quá trình “tái cấu trúc" ở châu Phi.

"Thế giới đã thay đổi trong 20 năm qua", ông nói. "Vì vậy, giờ đây, chúng ta có những bên tham gia khác: Chúng ta có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mexico và những nước khác".

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chau-luc-doi-dien-tham-hoa-y-te-post1533562.html
Zalo