Những sai lầm khiến thí sinh trúng tuyển đại học sớm trượt oan

Hơn 100 trường đại học trong cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm, nhưng một bộ phận không nhỏ thí sinh vẫn nhầm lẫn điểm trúng tuyển.

Thí sinh phải đợt kết quả thi tốt nghiệp THPT và đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Ảnh: TTXVN

Thí sinh phải đợt kết quả thi tốt nghiệp THPT và đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Ảnh: TTXVN

Những sai lầm cần tránh

Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, hiện nay, các trường đại học đã công bố điểm đủ điều kiện trúng tuyển sớm, nhưng thực tế đây chỉ là điểm trúng tuyển có điều kiện. Nghĩa là thí sinh còn thiếu điều kiện tốt nghiệp THPT và chưa đăng ký trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Do vậy, thí sinh bắt buộc phải chờ kết quả đạt tốt nghiệp THPT và phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đợt 1 trên hệ thống của Bộ GD&ĐT từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7/2024.

Một lưu ý đặc biệt nữa với thí sinh trúng tuyển sớm là đối với nguyện vọng thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm theo thông báo của các trường, thí sinh không bắt buộc phải đặt nguyện vọng đó là nguyện vọng 1. Trường hợp nếu thí sinh đặt trúng tuyển sớm là nguyện vọng 1 trên hệ thống thì chắc chắn trúng tuyển. Đồng thời, các em phải đảm bảo được công nhận tốt nghiệp THPT.

Trước đó, từ ngày 6/7 đến 17 giờ ngày 10/7, Bộ GD&ĐT bắt đầu mở hệ thống hỗ trợ tuyển sinh để thí sinh vào đăng ký xét tuyển thử.

Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp (Đại học Bách khoa Hà Nội), sau ngày 10/7, hệ thống sẽ đóng lại, dữ liệu thí sinh đăng ký thử bị xóa hoàn toàn để từ ngày 18 - 30/7, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển và lúc này hệ thống mới ghi nhận.

Trong khi đó một bộ phận không nhỏ thí sinh nhầm lẫn khi đăng ký trên hệ thống này, cùng với việc trúng tuyển xét tuyển sớm sẽ hoàn tất đăng ký nguyện vọng năm nay. Theo các chuyên gia, đây là sai lầm lớn, khiến các em phải trượt oan trong đợt xét tuyển đầu tiên. Lúc này thí sinh chỉ còn cách đợi đợt xét tuyển bổ sung, nhưng không phải ngành nào, trường nào cũng xét bổ sung...

Chiến thuật xếp nguyện vọng với thí sinh đã trúng tuyển sớm

Trong những tư vấn gần đây với thí sinh trước khi bước vào đợt xét tuyển năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, khi đăng ký xét tuyển sớm, các em thí sinh có thể đăng ký ở nhiều trường và cũng được nhiều trường công bố trúng tuyển. Vì vậy, các em cần phải xếp thứ tự ưu tiên trên hệ thống theo sở thích. Nếu như các em đã trúng tuyển sớm, việc xếp ở nguyện vọng số một, chắc chắn các em sẽ trúng tuyển.

Nhấn mạnh với các thí sinh đã tham gia xét tuyển sớm và trúng tuyển sớm ở các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, nhiều bạn chủ quan nghĩ rằng đã trúng tuyển, nhưng bị nhầm lẫn, đây chỉ là quy trình thực hiện ở từng trường riêng lẻ.

"Tất cả thí sinh toàn quốc vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống hỗ trợ chung của Bộ GD&ĐT. Khi đó nguyện vọng của các em mới được ghi nhận và có hiệu lực pháp lý, kể cả những nguyện vọng xét tuyển sớm, các em có thể trúng tuyển sớm tới 10, 20 trường, nhưng chỉ được vào học một trường duy nhất. Do đó các em phải sắp xếp thứ tự ưu tiên nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

"Nếu các em đã trúng tuyển sớm và đạt được nguyện vọng số một, các em sẽ đỗ vào nguyện vọng đó, nhưng vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD&ĐT. Các em không nên chủ quan, vì khi các em quay lại, hệ thống đã đóng và lúc đấy không còn cơ hội đăng ký. Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quản lý Nhà nước trong công tác tuyển sinh đến nay", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định thêm.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/nhung-sai-lam-khien-thi-sinh-trung-tuyen-dai-hoc-som-truot-oan-20240714162955340.htm
Zalo