Xét tuyển đại học sớm: Nhiều bất cập cần được giải quyết dứt điểm trong năm học mới!

Theo các chuyên gia, việc tổ chức tuyển sinh đại học sớm đang ảnh hưởng đến công tác giảng dạy chương trình phổ thông và gây rối công tác tuyển sinh vì tỷ lệ hồ sơ ảo rất cao, bất bình đẳng giữa các phương thức tuyển sinh... Những điểm này cần được xử lý dứt điểm trong năm học mới.

Xét tuyển sớm để tranh thí sinh

Hiện nay, các trường đại học được chủ động trong tuyển sinh chính vì vậy mỗi trường đều có chiến lược tuyển sinh phù hợp nhằm thu hút được thí sinh theo học.

Điểm chung trong tuyển sinh của các trường chính là thực hiện tuyển sinh sớm, trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức các trường đã công bố thí sinh trúng tuyển. Có nhiều phương thức tuyển sinh sớm như tuyển theo điểm học bạ, theo chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, dựa theo kết quả kỳ thi riêng. Hiện nay, tỷ lệ học sinh theo học đại học bằng phương thức tuyển sinh sớm ngày càng cao. Có nhiều chuyên ngành thậm chí chỉ áp dụng tuyển sinh sớm hoặc chỉ dành % số chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp rất thấp.

Các trường đại học cần đổi mới phương thức tuyển sinh theo kịp đổi mới giáo dục

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, các trường đại học đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để phù hợp với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, nên thời gian tới cần xem xét.

“Các cháu xét trúng tuyển sớm sẽ không học nữa; các trường chỉ yên tâm cho số sẽ vào trường mình, số còn lại để tuyển sinh sẽ rất ít, điểm lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội được vào các trường đại học tốt. Việc này về phía Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc để đưa vào định hướng tuyển sinh của năm sau” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các trường đại học không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, càng đơn giản càng tốt, thuận cho học sinh, cho xã hội.

Việc tuyển sinh sớm của các trường đại học dẫn tới việc học sinh chưa học xong bậc THPT đã đậu đại học. Chị Nguyễn Thu Thủy ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, con của chị đậu đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ. Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa có kết quả nhưng nhiều trường đã báo con chị Thủy đậu đại học. “Bằng phương thức xét tuyển theo điểm tổng kết học bạ, con tôi đã đậu đại học trước khi tốt nghiệp THPT có kết quả” – chị Thủy chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cho thấy, việc xét tuyển bằng điểm học bạ rất được nhiều trường đại học xem là mỏ vàng để tuyển sinh. Hầu hết các trường danh tiếng cho đến các trường mới thành lập, tư thục, trường chưa có truyền thống đào tạo đều ưu tiên nhiều chỉ tiêu để xét tuyển sớm. Anh Trần Duy Đông ở quận Thanh Xuân chia sẻ, điểm chuẩn xét tuyển bằng học bạ ngày một cao. Nhiều trường xét tuyển lấy điểm số gần như tuyệt đối.

“Điểm tổng kết gần 10 điểm/môn mới có cơ hội đậu vào các trường danh tiếng. Nếu nhìn vào điểm ta có thể yên tâm về chất lượng đầu vào. Nhưng tôi không tin, những điểm số đó là thực chất. Bởi, thi cử hiện nay cho thấy để đạt 3 môn 30 điểm, thậm chí 29 điểm là điều rất khó. Việc các thí sinh có điểm tổng kết cao trong khi điểm thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lại thấp là minh chứng cho công tác tuyển sinh chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức” – anh Trần Duy Đông nhận xét.

Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, thầy Trần Văn Đạt ở Nghệ An chia sẻ, hiện có quá nhiều kỳ thi được tổ chức nhiều lần trong năm nhằm phục vụ tuyển sinh đại học. Thi cử nhiều gây tốn kém cho xã hội, áp lực học tập cho học sinh. “Đối với những học sinh đã được xét tuyển sớm thường hay không chú tâm vào học tập và thi tốt nghiệp THPT nếu các em biết mình đã đậu đại học. Chính vì vậy, việc sao nhãng học tập thời gian cuối cấp đối với những học sinh đã đậu đại học là điều cần thiết phải nghiên cứu. Tránh trường hợp, đậu đại học rồi không còn thiết tha gì học tập chương trình phổ thông” – thầy Trần Văn Đạt chia sẻ.

Giữ hay bỏ xét tuyển sớm

Những tồn tại trong công tác tuyển sinh đại học ngày càng được bộc lộ. Vấn đề hiện nay, cơ quan quản lý cần phải có biện pháp như nào để hạn chế những điểm bất cập do tuyển sinh sớm gây ra.

Bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng nhận định, tuyển sinh đại học vẫn có những cơ sở đào tạo còn nhiều phương thức xét tuyển phức tạp. Một số nơi chưa đảm bảo tính công bằng, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống. Tuy có hệ thống lọc ảo của Bộ GD&ĐT nhưng nhiều trường xét tuyển sớm vẫn không dự báo được số lượng thí sinh ảo.

Ông Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, thời điểm các trường xét tuyển sớm, thực chất học sinh lớp 12 vẫn chưa hoàn thành chương trình THPT. Đây là điều không hề hợp lý. “Tôi không tán thành việc đưa nhiều phương thức xét tuyển rồi phân bổ chỉ tiêu cho từng phương thức. Vì việc phân bổ này không có cơ sở thuyết phục, không đảm bảo công bằng giữa thí sinh xét tuyển ở các phương thức khác nhau vào cùng một ngành, trường” - ông Trần Thiên Phúc nêu quan điểm. Ông Phúc cho rằng cần bỏ phương thức tuyển sinh sớm.

Cũng bàn về bất cập trong tuyển sinh sớm, ông Lê Thành Bắc - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, con số tỷ lệ ảo trong xét tuyển sớm những năm gần đây vẫn ở ngưỡng 200% mặc dù Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ các trường trong việc chạy lọc ảo trên hệ thống. Ông Lê Thành Bắc cho rằng, nếu duy trì nhiều phương thức xét tuyển sớm thì trong năm 2025 cần có thêm quy định các cơ sở giáo dục đại học chỉ được công bố trúng tuyển sau khi thí sinh đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, GS.TS. Phạm Hồng Quang (Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thái Nguyên) đề nghị năm 2025, nên cân nhắc giảm phương thức xét tuyển bằng học bạ, giảm bớt các phương thức xét tuyển tăng cơ hội cho thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Phương án tuyển sinh năm 2025 không được tác động xấu đến giáo dục phổ thông

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cũng đã có chỉ đạo đối với Vụ Giáo dục đại học khẩn trương phối hợp để có dự thảo sớm nhất phương án tuyển sinh 2025. Phương án tuyển sinh làm sao đơn giản hóa, đảm bảo chất lượng cũng như công bằng cho thí sinh. Các trường thực hiện tự chủ nhưng không có tác động xấu tới giáo dục phổ thông, mà cần phải có tác động tích cực hơn đối với giáo dục phổ thông.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, tuyển sinh sớm đang là bộc lộ nhiều mặt trái. Bên cạnh việc giúp các trường chủ động hơn trong tuyển sinh, cạnh tranh trong thu hút sinh viên đầu vào thì gây nên nhiều tốn kém cho xã hội vì có quá nhiều kỳ thi, gây bất bình đẳng giữa các phương thức xét tuyển và ảnh hưởng đến việc dạy và học ở trường phổ thông trong thời gian cuối cấp.

Đặc biệt, trong năm 2025, lần đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi này được kỳ vọng tạo sự thay đổi lớn trong việc dạy và học cũng như công tác tuyển sinh. Chính vì vậy, nhiều người kỳ vọng việc thi cử và tuyển sinh đại học sẽ được đơn giản, công bằng và thực chất hơn.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/xet-tuyen-dai-hoc-som-nhieu-bat-cap-can-duoc-giai-quyet-dut-diem-trong-nam-hoc-moi-post307770.html
Zalo