Cần rà soát quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&Đ), cần rà soát việc thực hiện quy chế đào tạo văn bằng cho ông Vương Tấn Việt có vi phạm không. Nếu nhà trường vi phạm quy định này cần làm rõ trách nhiệm của nhà trường.

Thời gian qua, dư luận xôn xao trước nghi vấn ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) dùng bằng cấp 3 giả học đại học. Ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Nhưng sau đó, ông Vương Tấn Việt lần lượt học tiếp lên các trường đại học. Cụ thể là cử nhân Ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội), cử nhân luật, tiến sĩ luật tại Trường ĐH Luật Hà Nội, tiến sĩ ngành Tôn giáo học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Thượng tọa Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) thuyết giảng tại chùa Thiền Tôn Phật Quang trong lễ Phật đản 2024 hồi tháng 5. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang

Thượng tọa Thích Chân Quang (tên thật Vương Tấn Việt) thuyết giảng tại chùa Thiền Tôn Phật Quang trong lễ Phật đản 2024 hồi tháng 5. Ảnh: Thiền tôn Phật Quang

Câu hỏi đặt ra là quy trình trong kiểm duyệt văn bằng, chứng chỉ của các trường đại học ra sao, nếu việc sử dụng bằng cấp 3 bị phát hiện thì xử lý thế nào? Trách nhiệm của các trường đại học, của Bộ GD&ĐT như thế nào?

Các trường đại học, cơ sở đào tạo có trách nhiệm trong việc để lọt những người sử dụng bằng giả

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, khả năng bằng của ông Vương Tấn Việt là bằng giả rất cao vì hiếm có người trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh và địa chỉ.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, các đơn vị chức năng cần làm rõ vấn đề bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt từ đâu mà có, động cơ làm giả là gì. Nếu cần thiết thì nên rà soát lại toàn bộ quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt để có kết quả thỏa đáng về quá trình đào tạo, chất lượng thực sự.

Cần rà soát việc thực hiện quy chế đào tạo văn bằng 2 trong đối tượng tuyển và tuyển sinh theo Quyết định số22/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/6/2001 có vi phạm không. Nếu nhà trường vi phạm quy định này cần làm rõ trách nhiệm của nhà trường khi đào tạo văn bằng 2 cho ông Vương Tấn Việt.

Bằng tốt nghiệp THPT (trước đây gọi là bằng cấp 3) là điều kiện tiên quyết cho tất cả quá trình học tập lên cao sau này. Muốn học lên cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ đều cần có bằng tốt nghiệp THPT. Do đó, nếu xác định bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt là giả thì các trường đại học, cơ sở đào tạo cần lập tức thu hồi tất cả bằng tốt nghiệp đã cấp.

Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ có trách nhiệm yêu cầu thu hồi và giám sát quá trình thực hiện của các trường đại học, các cơ sở đào tạo đã cấp bằng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh cho biết, về quy định, các trường đại học không có chức năng thẩm định, kiểm tra độ thật giả bằng cấp của người học. Chỉ khi nào có khiếu nại, tố cáo thì các trường mới lập hội đồng xem xét, kiểm tra. Tuy nhiên, trên thực tế, qua quá trình dạy học, tiếp xúc học viên, các thầy cô giảng viên là người hiểu rõ nhất năng lực của học trò. "Một người chưa tốt nghiệp cấp 3 thì không thể nào có đủ kiến thức, kỹ năng để hoàn thành khóa luận tốt nghiệp đại học, luận án tiến sĩ. Các trường đại học, cơ sở đào tạo có trách nhiệm trong việc để lọt những người sử dụng bằng giả, thể hiện sự dễ dãi trong đào tạo, đánh giá học viên".

Văn bản xác minh của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Văn bản xác minh của Sở GD&ĐT TP.HCM.

Liên quan đến quy trình xét tuyển đại học, chia sẻ với báo chí, ThS. Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công thương TP.HCM cho biết: "Quy trình tuyển sinh của trường hiện nay rất chắc chắn, chặt chẽ. Chúng tôi phải kiểm tra bằng cấp của thí sinh qua 2-3 bước rồi mới đi đến quyết định cuối cùng. Hồ sơ nhập học của thí sinh yêu cầu cần có bản chính thức của bằng tốt nghiệp THPT, nếu hệ đại học.

Nếu bằng thạc sĩ và tiến sĩ thì có bằng đại học, thạc sĩ bản chính thức và giấy xác nhận của cơ quan nơi công tác. Người xác nhận bằng cấp cũng phải là người có tính kỹ càng, có kinh nghiệm lâu năm. Nếu thí sinh sử dụng bằng cấp 3 giả mà để lọt, tôi nghĩ có thể do yếu tố chủ quan nào đó từ phía các trường đại học".

Trường ĐH Hà Nội không còn lưu bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Liên quan đến quá trình học tập của ông Vương Tấn Việt tại Trường ĐH Hà Nội, chia sẻ với báo chí, đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội) vừa thông tin, ông Việt theo học chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa trong thời gian từ năm 1994 - 2001. "Hiện nay, nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học".

Theo đại diện lãnh đạo nhà trường, thời gian học ngành Ngôn ngữ Anh của ông Vương Tấn Việt kéo dài 6 năm 4 tháng, từ tháng 8/1994 đến tháng 12/2000, hệ đào tạo từ xa. Bằng tốt nghiệp đại học của ông Việt được cấp vào đầu năm 2001. "Như vậy, thời gian đào tạo 6 năm 4 tháng nằm trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo từ xa".

Trước đó, vào ngày 13/8, Bộ GD&ĐT thông tin về việc đào tạo và cấp bằng cấp 3 cho ông Vương Tấn Việt. Bộ GD&ĐT đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục xác minh có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-ra-soat-qua-trinh-hoc-tu-tieu-hoc-den-tien-si-cua-ong-vuong-tan-viet-169240815133428973.htm
Zalo