Những quyết sách làm nức lòng dân

Từ cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 đến nay, Đảng, Chính phủ có những quyết sách đột phá rất trọng tâm, khơi thông những điểm nghẽn cho phát triển KT-XH một cách hiệu năng, hiệu quả, có tính chiến lược cho đất nước phát triển bền vững, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

10 năm đầu sau giải phóng, đất nước ta còn bộn bề khó khăn do hậu quả 30 năm dài đánh đuổi thực dân, đế quốc cộng với chính sách bao vây cấm vận và thiên tai, địch họa ở cả 2 đầu biên giới. Giai đoạn này chồng chất khó khăn nhưng Đảng ta vẫn vững vàng tay lái, nhanh chóng đổi mới, tiến dần vào thế ổn định.

Từ năm 1986 đến nay, sau gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, KT-XH không ngừng tăng trưởng, nhảy vọt, nâng chất đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân. Song song với sự đổi mới, phát triển KT-XH, vị thế chính trị, ngoại giao, nguồn lực quốc phòng - an ninh củng cố, nâng tầm, được thế giới đánh giá cao. Từ đây, nguồn lực đất nước khá đủ mạnh để có thể đề ra những quyết sách đột phá, tiến vào kỷ nguyên mới vươn tầm của dân tộc.

Quyết sách đầu tiên mang tính đột phá là “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu đầu tiên của “cuộc cách mạng” này là mở rộng không gian phát triển cho từng vùng, khu vực, tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm quản trị, điều hành gần dân, sát dân, giải quyết tốt hơn công vụ với dân. Mục tiêu quan trọng là tinh giản biên chế với quan điểm: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, khắc phục thực trạng đùn đẩy trách nhiệm, một việc nhiều người làm thay vì một người làm được nhiều việc, rõ người, rõ việc, nâng cao hiệu suất công vụ, rút ngắn thời gian giải quyết, nâng chỉ số hài lòng cho mọi công dân và doanh nghiệp. Giảm bộ máy, tinh gọn biên chế chính là giải pháp tiết kiệm nguồn nhân lực, nguồn ngân sách để bổ sung nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Quyết sách mang tính lịch sử này đang được Đảng, Chính phủ tiến hành khẩn trương nhưng phải bảo đảm quy trình pháp luật nghiêm túc, định mốc thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành, bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ để đưa đất nước, dân tộc ta vững bước tiến vào kỷ nguyên mới. Đến thời điểm này, nhân dân đồng thuận rất cao và tin tưởng quyết sách sẽ đi đến thắng lợi, ích nước, lợi dân.

“Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cũng là một quyết sách chiến lược nhằm xóa hẳn nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên cả nước. Chủ trương này được Thủ tướng Chính phủ phát động vào đầu tháng 10/2024. Ngay sau khi phát động, nhân dân cả nước, các doanh nghiệp lớn, nhỏ rất đồng tình hưởng ứng với tinh thần “Ai có của góp của, ai có công góp công, ai có gì góp nấy” nên chỉ trong thời gian ngắn đã huy động hàng ngàn tỉ đồng cộng với 5% nguồn tiết kiệm từ ngân sách. Trị giá bình quân mỗi căn nhà từ 60-80 triệu đồng, có căn lên 100 triệu đồng. Chủ trương này đang được thực hiện rất quyết liệt, thần tốc với mốc thời gian ban đầu là cuối năm 2025 nhưng được Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quyết định tăng tốc đến ngày 31/10/2025 là hoàn thành.

Tính đến giữa tháng 4/2025, cả nước có gần 122.000 căn nhà xây mới, trong đó đã bàn giao cho hơn 65.000 hộ dân, hơn 56.000 căn nhà sắp bàn giao. Từng địa phương tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ để đến cuối tháng 10/2025, cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát. Chính sách đậm chất nhân văn này vừa làm nức lòng các hộ nghèo, lan tỏa niềm tin yêu, phấn khởi trong toàn dân chung tay xây dựng xã hội ưu việt dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Quyết sách mới nhất là từ năm học 2025-2026 (ngày 01/9/2025), tất cả học sinh từ mầm non đến THPT công lập được miễn học phí. Thông tin trên được phụ huynh, học sinh phấn khởi tiếp nhận, nhất là các hộ có thu nhập trung bình thấp. Được biết, sau ngành Giáo dục, ngành Y tế vừa được Đảng, Chính phủ chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, đổi mới tư duy, chuyển từ khám, chữa bệnh sang chủ động phòng trị bệnh từ sớm, từ xa, miễn viện phí cho nhân dân, nhất là hộ yếu thế,...

Những quyết sách trên đã tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm, nâng cao niềm tin, thắt chặt ý Đảng và lòng dân. Khi lòng dân đã an yên, đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua bởi đó là sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân./.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Phương Phi

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nhung-quyet-sach-lam-nuc-long-dan-a194344.html
Zalo