Làng 'cơm chung nồi, tiền chung túi'
Nằm nép mình giữa núi rừng Thái Nguyên, Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải hiện lên như một ngôi làng cổ tích - nơi hơn 150 người chung sống như một gia đình lớn.

Ngôi nhà sàn ẩn mình sau những tán lá cọ tại bản làng. (Ảnh: Phương Thảo)
Trong suốt 22 năm qua, bản làng không chỉ giữ vững và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày, mà còn khiến bất cứ du khách nào khi đặt chân đến đây đều ấn tượng với lối sống “ăn chung một nồi cơm, tiêu chung một túi tiền”.
Nồi cơm gói trọn nghĩa tình
Hiếm thấy một nơi nào như bản làng Thái Hải, vì họ cùng góp cơm, sẻ gạo chung trong một căn bếp cộng đồng.
Theo đó, người dân trong bản mang thực phẩm mình trồng trọt, chăn nuôi đến bếp tập thể của làng để cùng nấu, cùng ăn. Mỗi ngày khu bếp của làng chuẩn bị trung bình 70 mâm cơm, đầy đủ hương vị truyền thống của người Tày.
Chị Lê Thị Nga - Phó làng Thái Hải chia sẻ: “Bắt nguồn từ lời dặn của Bác Hồ mà người Tày vô cùng trân quý - cùng nhau đoàn kết, yêu thương, cùng ăn, cùng ở, cùng làm - bà con bản làng đã cùng nhau san sẻ gánh nặng cơm áo và tạo nên một gia đình lớn hòa thuận, đầm ấm. Tất cả mọi người, từ trẻ nhỏ đến người già, đều xem nhau như ruột thịt”.
Chị Nga cho biết, dân làng luôn duy trì lối sống tự cung tự cấp, tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống.
Trên diện tích 25ha, đất đai được phân chia thành các khu vực chuyên biệt để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất thực phẩm. 70% nhu cầu thực phẩm hàng ngày của làng đều được tự cung tự cấp như rau xanh, cây ăn quả, lợn gà...
Những gì không thể tự sản xuất như mắm muối hay vải vóc sẽ được đặt mua. Tuy nhiên, các bà, các chị trong làng vẫn tự may trang phục truyền thống cho gia đình mình.
Ở Thái Hải, đều đặn ngày ba bữa cả làng lại quây quần bên nhau ở khu ẩm thực để cùng ăn và chia sẻ với nhau những câu chuyện đời thường trong cuộc sống.
Hơn 20 năm nay, gia đình bà Nông Thị Hảo đã gắn bó ở nơi này với bốn thế hệ, trở thành một trong bốn “ngôi nhà sàn di sản” linh thiêng nhất được dân làng cùng nhau giữ gìn và bảo tồn.
Với nghề làm chè xanh truyền thống, cả nhà bà Hảo hàng ngày cùng nhau sao chè để phục vụ dân làng, vừa làm quà cho du khách.
Bà Hảo nói: “Ở làng, chẳng ai phải nghĩ bữa nay ăn món gì, đến bữa cơm ra ăn chung cùng mọi người. Vì sao gọi là làng hạnh phúc? Vì nơi đây chúng tôi sống bằng tình yêu thương với con người, với cỏ cây, hoa lá”.
Túi tiền không phân biệt giàu nghèo
Qua cuộc trò chuyện với Phó làng, chúng tôi được biết thêm rằng người dân Thái Hải còn áp dụng một nguyên tắc quan trọng khác trong đời sống cộng đồng: tiêu chung một túi tiền.
Toàn bộ thu nhập từ hoạt động du lịch cộng đồng, từ việc bán sản phẩm như rượu, thuốc nam, mật ong cho đến các dịch vụ phục vụ du khách đều được đưa vào quỹ chung của bản làng.
Những người nấu ăn, trồng trọt, chăn nuôi hay làm các công việc khác đều đóng góp vào sự phát triển chung của làng mà không vì lợi ích cá nhân. Trong làng không có khoảng cách giàu nghèo và không ai phải lo vấn đề cơm áo gạo tiền.
Những sự kiện quan trọng như đám hiếu, đám hỷ hay việc ăn học của con em trong làng đều được Trưởng làng lo liệu từ nguồn tiền quỹ chung của làng. Tất cả mọi người đều đồng sức, đồng lòng xây dựng bản làng Thái Hải và lan tỏa rộng rãi hơn văn hóa của mình đến với cộng đồng.
Không ít du khách đến đây đặt dấu hỏi làm thế nào để hơn 150 người duy trì lối sống ấy suốt nhiều năm qua?
Để gắn kết mọi người và giải tỏa những khúc mắc, làng đã duy trì một nét văn hóa đặc biệt: Ngày hội lửa làng, hay còn gọi là lễ tắm lửa, diễn ra đều đặn mỗi tuần. Đây không chỉ là dịp để các thành viên trong làng quây quần bên nhau sau một tuần làm việc bận rộn, mà còn là cơ hội để hàn gắn, sẻ chia trong cộng đồng.
Theo chị Nga, buổi tối hôm ấy mọi người sẽ ngồi lại bên nhau, trò chuyện, sẻ chia một cách chân thành và cởi mở những tâm tư trong lòng. Ai có điều chưa hài lòng, những khúc mắc hay mệt mỏi đều có thể nói ra để nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ từ cộng đồng.
Trưởng làng với vai trò như người giữ lửa và kết nối, sẽ lắng nghe và đưa ra những hướng giải quyết hợp lý, mang lại sự đồng thuận và gắn kết trong làng.
Sau phần chia sẻ, tất cả sẽ cùng tham gia lễ rước lửa - một nghi thức trang trọng mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Dưới ánh lửa bập bùng, mọi người gửi gắm những điều không may mắn, không suôn sẻ của tuần qua lên thần lửa, cầu mong chúng được hóa giải và mang đi xa đến Mường Trời. Đồng thời, họ gửi lời cầu chúc cho một tuần mới bình an, hạnh phúc và tốt đẹp.

Bộ đội đến thăm người dân làng Thái Hải. (Ảnh: Phương Thảo)
Ươm mầm văn hóa Tày
Việc ươm mầm và giáo dục trẻ em để duy trì lối sống cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu tại bản làng Thái Hải.
Hiện nay, làng có ba thế hệ cùng chung sống: thế hệ đầu tiên là trưởng làng và những người đặt nền móng cho cộng đồng; thế hệ thứ hai là những người trẻ đang tiếp nối truyền thống; thế hệ thứ ba là những đứa trẻ - tương lai của bản làng.
Để văn hóa Tày được gìn giữ bền vững, việc giáo dục thế hệ thứ ba được người dân trong làng rất coi trọng.
Vì vậy, làng đã thành lập trường mầm non ngay trong cộng đồng. Ngoài chương trình học theo chuẩn của Bộ Giáo dục, các em còn được học thêm về văn hóa dân tộc Tày, từ ngôn ngữ, hát Then, đàn Tính, đến những phong tục tập quán đặc trưng.
Chị Nga cho biết: “Người Tày quan niệm rằng việc dạy dỗ không chỉ giới hạn trong lớp học mà có thể ở bất cứ đâu. Khi các em cùng người lớn hái cà chua, nấu ăn hay làm những công việc trong làng, đó cũng là lúc chúng học cách đếm số, học tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm”.
Với tinh thần “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, trẻ em ở đây được giáo dục để vừa học, vừa làm, trở thành một phần của cộng đồng từ những điều giản dị nhất.
Đặc biệt, hơn 50 trẻ nhỏ trong làng đều được coi là con chung của cả cộng đồng. Các em gọi tất cả người lớn trong làng bằng bố, mẹ, thể hiện một thứ tình cảm thật gần gũi, đoàn kết và trách nhiệm chung trong việc nuôi dạy thế hệ trẻ.
Tất cả từ già đến trẻ đều sống và làm việc theo năm điều Bác Hồ dạy, bởi với họ, mỗi người đều là con cháu của Bác, luôn giữ vững tinh thần yêu thương, gắn bó và đồng lòng vì một cộng đồng bền vững.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng và tinh thần gắn bó với văn hóa truyền thống, đến năm 2019, Thái Hải đã trở thành cái tên được nhiều người biết đến. Bốn năm liên tiếp, làng Thái Hải được nhận Giải thưởng ASEAN về du lịch cộng đồng và du lịch bền vững (2016-2019); được Tổ chức Du lịch thế giới (hiện nay là Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc) vinh danh là một trong những “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”.
Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân làng Thái Hải mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết, giữ gìn bản sắc và quyết tâm xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.