Những người mẹ thứ hai của sinh viên Lào, Campuchia ở TP.HCM

Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi xa quê hương, nhiều sinh viên Lào, Campuchia ở TP.HCM đã tìm thấy mái ấm thứ hai nhờ sự quan tâm, sẻ chia của những người mẹ Việt Nam.

Sau khi đến TP.HCM học tập, nhiều sinh viên Lào, Campuchia đã có thêm một mái ấm, nơi họ cảm nhận được tình cảm ấm áp, sự sẻ chia trong từng bữa cơm, từng cuộc trò chuyện.

Chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM” đã trở thành nhịp cầu nối liền các nền văn hóa, càng thêm thắt chặt mối quan hệ sâu sắc giữa người dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Gia đình thứ hai đầy ấm áp

Chiều một ngày cuối tuần, căn nhà của bà Nguyễn Thị Hằng (58 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) tràn ngập tiếng cười nói khi bà hướng dẫn các con gái nấu món ăn Việt.

 Bà Nguyễn Thị Hằng cùng Xaiyavong Duangmany tham gia cuộc thi nấu ăn. Ảnh: NVCC

Bà Nguyễn Thị Hằng cùng Xaiyavong Duangmany tham gia cuộc thi nấu ăn. Ảnh: NVCC

Vừa giúp mẹ nấu ăn, Xaiyavong Duangmany (23 tuổi, sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành) kể vẫn nhớ như in những ngày mới đến Việt Nam. Khi đó, Duangmany không ăn được món Việt, phải "thủ sẵn" mì Lào để thay thế. Có những ngày nhớ nhà da diết, Duangmany gọi điện nói với ba mẹ rằng muốn được về nhà.

“Đó là năm 2019, dù cố gắng hòa nhập nhưng tôi vẫn chưa quen với một TP.HCM nhộn nhịp, sôi động mà luôn nghĩ đến việc về Lào. Nhưng rồi ở nhà mẹ Hằng, nhờ mẹ dạy nấu ăn mà tôi dần quen với ẩm thực Việt Nam và xem nơi đây như gia đình thứ hai của mình” - Duangmany chia sẻ.

Cũng nhờ sự nhiệt thành của mẹ Hằng, Phengthongkham Lona (25 tuổi, quê tỉnh Vang Vieng, Lào) đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới ở TP.HCM. Lúc nào gọi điện về cho gia đình ở Lào Lona cũng khoe mình có thêm một người mẹ nơi đất khách.

“Tôi rất thích món ăn mẹ Hằng nấu và thấy mẹ chăm sóc tôi giống như mẹ ruột vậy”- Lona tâm sự.

 Bà Nguyễn Thị Hằng quây quần cùng các con ở nhà ngày cuối tuần. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Nguyễn Thị Hằng quây quần cùng các con ở nhà ngày cuối tuần. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Hiện bà Hằng đang đỡ đầu cho sáu sinh viên Lào, nhà bà cũng là gia đình có đông thành viên nhất trong số những hộ đăng ký tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM”.

Bà Hằng từng là sĩ quan quân đội, chồng đã mất gần 20 năm, hai con đang sinh sống và làm việc ở xa. Bà khoe rằng rất vui khi có sinh viên Lào đến sống chung, cùng ăn cơm, trò chuyện mỗi ngày.

Để các con nhanh chóng làm quen với nhịp sống ở TP.HCM, bà thường rủ các con cùng đi du lịch, đi đám cưới người quen, tham gia thi nấu ăn, ra quân dọn dẹp đường phố ở phường... Đặc biệt, bà Hằng còn dạy các con nấu các món ăn của người Việt Nam.

“Tôi nấu món Việt thật ngon để giới thiệu cho các con cùng biết, trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của các gia đình Việt. Những ngày rảnh rỗi, các con lại về nhà quây quần bên mẹ, chia sẻ chuyện vui buồn, hoặc dạy cho nhau những điệu múa, câu hát truyền thống của nước mình. Từ những người xa lạ, chúng tôi đã gặp nhau và giờ trở thành gia đình” - bà Hằng tâm sự.

Từ ngày trở thành mẹ đỡ đầu cho hai sinh viên Campuchia, bà Diệp Thị Kim Hiền (ngụ quận 4, TP.HCM) luôn thấy không khí gia đình mình rộn ràng niềm vui.

“Tôi biết chương trình một cách tình cờ nhưng thấy rất hay, có thể giúp gắn kết tình hữu nghị Việt Nam, Lào, Campuchia nên quyết định đăng ký nhận nuôi các con. Hai sinh viên nhà tôi đều rất ngoan, học giỏi, tôi xem các con như con ruột của mình vậy”- bà Hiền chia sẻ.

Những ngày cuối tuần, các con lại tranh thủ về nhà mẹ Hiền để ăn món Việt Nam và chờ được mẹ dẫn đi chơi, thăm thú TP.HCM.

 Bà Diệp Thị Kim Hiền cùng hai con là sinh viên Campuchia. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Diệp Thị Kim Hiền cùng hai con là sinh viên Campuchia. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cũng nhờ các con chia sẻ, bà Hiền biết thêm văn hóa người Campuchia, được thử ăn món Campuchia và nhiều điều thú vị khác.

“Có lần các con nấu cho tôi món bún Num Ban Chok, rất ngon và tôi cứ nhớ mãi, sau đó các cháu đã dạy tôi nấu món này. Để các cháu hiểu thêm văn hóa Việt Nam tôi cũng hay tổ chức tiệc vào ngày lễ, Tết của Việt Nam, gửi lì xì, gửi quà cho gia đình các cháu ở Campuchia”- bà Hiền hào hứng.

Sau khi nghe bạn bè giới thiệu về Việt Nan, Chhey Vorn (22 tuổi, quê TP Siem Reap, Campuchia) đã mong muốn một lần được đến để trải nghiệm về văn hóa, con người Việt Nam.

Với Chhey Vorn, hai năm sống với mẹ Hiền đong đầy những kỷ niệm đáng nhớ. Cô sinh viên đã được mẹ tặng áo dài, được mẹ dẫn đi chùa, đi du lịch,…

“Nhờ mẹ Hiền mà tôi vơi bớt cảm giác nhớ nhà, tôi thích nhất là món bún riêu mẹ nấu và bún bò Huế”- Chhey Vorn chia sẻ.

Từ bỡ ngỡ thành "fan" của món ăn Việt

Tham gia chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại TP.HCM” từ những ngày đầu, bà Tô Phương Anh (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) đã cùng các con đã trải qua bao kỷ niệm, cảm xúc vui buồn.

Hiện bà Phương Anh đang nhận đỡ đầu cho bốn sinh viên Lào. Trong đó có hai sinh viên đang học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, một sinh viên đang học ở Trường ĐH Văn Lang và Kiyang Kangpao (26 tuổi, quê tỉnh Oudomxay, Lào) đang học Học viện Hàng không.

 Bà Tô Phương Anh cùng các con. Ảnh: NVCC

Bà Tô Phương Anh cùng các con. Ảnh: NVCC

“Đối với tôi, gặp được các con là một cái duyên lớn. Nhờ có các con mà nhà trở nên vui hơn rất nhiều”- bà Phương Anh chia sẻ.

Những ngày đầu khi các con còn ngại sinh hoạt ở nhà mới, bà Phương Anh thường bỏ thời gian giúp các con học thêm tiếng Việt để giao tiếp tự tin hơn, dạy nấu ăn và rủ các con cùng tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng, di tích lịch sử, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

“Khi mới sang đây các con chưa rành tiếng Việt nên tôi dạy học thêm bằng cách tôi vừa nói gì thì các con nhắc lại lời tôi. Đến cuối tuần cả nhà lại cùng tụ tập nấu ăn, có khi tôi nấu món Việt, có khi các con nấu món Lào. Món ăn mà tôi được mời nhiều nhất là lạp, khá cay đó nhưng ngon lắm”- bà Phương Anh kể.

Năm 2022, bà Phương Anh nhận Kiyang Kangpao làm con đỡ đầu. Từ việc bỡ ngỡ với mọi thứ như ngôn ngữ, cách giao tiếp, sinh hoạt... đến nay Kiyang đã dần quen và trở thành “fan” cuồng nhiệt của món ăn Việt.

“Người Lào ăn cay và mặn hơn người Việt Nam, nhưng giờ tôi lại ghiền món Việt. Chả giò và gỏi cuốn mà mẹ Phương Anh làm là những món tôi yêu thích nhất” - Kiyang nói.

Với Kiyang, thời gian sinh sống, học tập ở TP.HCM không chỉ giúp anh trưởng thành mà còn tìm thấy một gia đình thứ hai. Anh nói sẽ rất nhớ bà Phương Anh, người mẹ đỡ đầu tận tụy của mình, sẽ không quên những khoảnh khắc đã sống cùng gia đình bà.

“Sau này dù có về nước tôi vẫn sẽ quay lại Việt Nam thăm mẹ, đó là điều tôi luôn nghĩ đến”- Kiyang nói.

Vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa các nước

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đánh giá thời gian qua hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại nhân dân, trong đó có chương trình “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM”.

Hiện có 95 gia đình Việt, 127 sinh viên Lào và 35 sinh viên Campuchia cùng tham gia chương trình này. Năm 2024, TP.HCM đã chi kinh phí hỗ trợ các gia đình nuôi với tổng số tiền hơn 748 triệu đồng.

Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cùng các tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu hữu nghị, tạo điều kiện cho các gia đình và sinh viên Lào, Campuchia tham gia chương trình về nguồn, tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm cuộc sống tại TP.HCM.

Theo ông Sơn, các hoạt động đồng hành của chương trình đã mang đến cho sinh viên Lào, Campuchia những cảm nhận, trải nghiệm về nét văn hóa, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt của người Việt Nam cũng như người dân TP.HCM.

“Kết quả thực hiện chương trình phối hợp công tác đối ngoại nhân dân - kiều bào giai đoạn 2020 - 2024, đặc biệt là chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập TP.HCM" đã tạo được ấn tượng tốt đẹp, chất lượng chương trình ngày một nâng lên, góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa các quốc gia”- ông Sơn nhấn mạnh.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhung-nguoi-me-thu-hai-cua-sinh-vien-lao-campuchia-o-tphcm-post835455.html
Zalo