Những người làm tín dụng chính sách ở 'bìa rừng' (Bài 2)
Với sự đóng góp của nguồn vốn tín dụng chính sách, Đắk Lua từ một trong những xã nghèo nhất tỉnh Đồng Nai hiện đã bắt đầu xây dựng nông thôn mới nâng cao, thu nhập của người dân cải thiện vượt bậc và xuất hiện ngày càng nhiều những gương nông dân điển hình tiên tiến.
Bài 2: Những đồng vốn đậm tình quê nghèo thay áo mới
Khá lên từ những đàn bò và nền nhà vượt lũ
Theo anh Triệu Văn Tích, Ấp trưởng Ấp 7 xã Đắc Lua, tất cả những gì bà con trong ấp có được đến ngày hôm nay trong đó có sự quan tâm hỗ trợ từ chính quyền xã và các hội, đoàn thể. Đặc biệt là nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) giúp các hộ dân từ những việc cấp thiết nhất như đổ nền nhà để “sống chung với lũ” vào mùa mưa đến việc đầu tư xây chuồng trại, nuôi heo nuôi bò, cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng các loại cây ăn trái giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, bí đỏ, sầu riêng.
Ông Nguyễn Thành Nam, một người dân ngụ tại Ấp 4 cho biết, đoạn đường trước nhà ông trước đây rất lầy lội, nắng thì bụi, mưa thì đóng xình, xe cộ qua lại rất khó khăn. Từ khi xã xây dựng nông thôn mới, cùng nguồn vốn nhà nước đầu tư, gia đình ông và nhiều gia đình khác nằm trong khu vực trũng đã vay từ NHSCXH để cải tạo lại nền nhà. Hiện nay, đường trước nhà đã được bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ. Hệ thống kênh mương thoát nước, trạm bơm cấp nước mùa khô cũng được xã đầu tư, giúp các hộ dân sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa thay vì chỉ gieo trồng mỗi năm một vụ như trước đây nên kinh tế khá lên rõ rệt, thu nhập tăng thêm vài ba lần so với trước.
Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch xã Đắc Lua cho biết, thời gian qua, ngân sách từ huyện Tân Phú hỗ trợ địa phương xây dựng được hơn 25 kilomet đường giao thông nông thôn theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Song song đó, huyện cũng đã đầu tư xây dựng tại xã Đắc Lua một khu tái định cư cho 34 hộ dân. Vì thế, cảnh lụt lội, nước lũ tràn vào nhà dân như nhiều năm trước không còn nữa. Hầu hết các gia đình hộ nghèo, hộ cận đều phát triển các mô hình trồng trọt và chăn nuôi và trong xã đã xuất hiện những hộ khá giả lên từ nguồn vốn vay NHCSXH.
Tiêu biểu cho những hộ vay thoát nghèo và vươn lên khá giả tại Đắk Lua có thể kể đến bà Đinh Thị Hạnh (ngụ tại Ấp 4). Từ những năm 2000, cuộc sống của gia đình bà gặp nhiều khó khăn, bà phải phiêu bạt lên TP. Biên Hòa sinh sống nhưng cũng không đủ trang trải lại phải quay trở về xã, sống đắp đổi qua ngày nhờ vào tiền công làm thuê và tiền bán cua, bán cá do bà và các con đi bắt tại các con suối trong rừng.
Từ năm 2005, nguồn vốn vay NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ xã cho bà vay đầu tư phát triển nuôi trâu và bò sinh sản. Từ đôi trâu bò đầu tiên, mỗi năm bà đều mở rộng quy mô đàn và mở ra dịch vụ kéo xe, cày thuê đất cho bà con trong xã. Siêng năng làm ăn, tích góp, sau gần 10 năm đàn trâu, bò nhà bà Hạnh lên vài chục con. Không chỉ thoát nghèo, hộ gia đình bà vươn lên trở thành một trong những hộ khá giả. Các con cái khi lập gia đình riêng đều được bà Hạnh mua tặng đất vườn và một đôi trâu, bò làm vốn làm ăn sinh sống. Bản thân bà cũng được UBND tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen ghi nhận là một trong những tấm gương phụ nữ xuất sắc trong phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi.
Một trường hợp hộ nghèo khác cũng khá giả lên từ đàn bò do NHSCXH hỗ trợ vốn vay là hộ gia đình anh Đoàn Xuân Trung và chị Đặng Thị Nga ngụ tại Ấp 2. Theo lời kể của anh Trung, trước đây gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất của xã. Tuy nhiên, từ năm 2016, vợ chồng anh vay 20 triệu đồng vốn từ NHCSXH, đồng thời tham gia các lớp tập huấn kinh nghiệm chăn nuôi bò sinh sản của Hội Nông dân. Sau đó, vợ chồng anh phát triển đàn bò của gia đình từ 1-2 con ban đầu lên 12-13 con vào thời điểm hiện tại. Song song với việc mở rộng quy mô đàn bò, gia đình anh Trung cũng tập trung vào nghề bóc vỏ lụa hạt điều để kiếm thêm thu nhập. Đến hiện nay, thu nhập của gia đình đã khá ổn định và cao gấp nhiều lần 5-7 năm trước, nhà cửa được xây dựng mới khang trang, vững chãi hơn.
Chục tỷ đồng đổ vào vườn sầu, nương dâu
Theo chị Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Lua, hiện nay trên địa bàn xã có hàng trăm hộ dân phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm. Bên cạnh những mô hình sản xuất tơ tằm lâu năm như cơ sở của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Lành ở Ấp 4, hiện đã phát triển mạnh, tạo công ăn việc làm cho hơn 40 lao động trong xã thì nhiều hộ dân khác trong xã đều đã vay được nguồn vốn để phát triển các vườn dâu và đầu tư nuôi tằm.
“Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ NHCSXH huyện Tân Phú và Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Đồng Nai, Hội Nông dân xã đã giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm và nguồn vốn hỗ trợ các dự án trồng dâu nuôi tằm cho hơn 100 hộ dân trong xã. Số vốn ngân hàng ủy thác cho Hội Nông dân cho vay đến nay đã đạt khoảng trên 8 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình khá giả lên nhờ nghề dâu tằm như hộ chị Nguyễn Thị Lý, anh Nguyễn Văn Hoàng (ngụ tại Ấp 2)” – chị Định cho biết.
Bên cạnh nghề trồng dâu nuôi tằm, trong vòng vài năm trở lại đây với phong trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nhiều hộ dân tại Đắk Lua vay vốn ngân hàng để chuyển đổi từ vườn tạp sang trồng bưởi da xanh, sầu riêng và bí đỏ.
Anh Hoàng Vũ Bảo, cán bộ tín dụng Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Tân Phú cho biết, ngay tại buổi giao dịch gần đây, thông qua các Tổ Tiết kiệm vay vốn tại xã, ngân hàng đã giải ngân hàng tỷ đồng cho các hộ dân đầu tư cải tạo vườn tạp. Trong đó, nhiều hộ dân vay từ 50-100 triệu đồng để xuống giống vườn sầu riêng mới và đầu tư trồng bưởi da xanh trên các khu vực đất đồi.
Chia sẻ về những đóng góp của NHCSXH đối với việc phát triển kinh tế xã hội của Đắk Lua, ông Lê Văn Hải, Chủ tịch xã chia sẻ, cái quý nhất ở chỗ ngân hàng không phải chỉ là mấy chục tỷ đồng vốn ưu đãi quay vòng suốt hàng chục năm qua mà là cái nghĩa tình gắn bó với địa phương, không ngại xa, ngại khó của các anh em cán bộ tín dụng.
“Xã cách trung tâm huyện cả 60-70 cây (kilomet), đến như cán bộ chúng tôi đi họp mà gặp lịch họp liên tiếp 2 ngày là xác định phải ở lại ngoài huyện. Vì thế trước đây bà con muốn vay vốn là phải di chuyển rất vất vả, khó khăn và tốn kém” – ông Hải nói và cho biết, NHCSXH đã tạo ra mô hình giao dịch ngay tại UBND xã là một mô hình đúng với câu nói “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. Việc ngân hàng trực tiếp mang vốn xuống tận nơi cư trú của người dân, tiếp xúc bà con, hướng dẫn tận tình cho bà con làm các thủ tục vay vốn, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp niềm tin của người dân vào các chính sách của Đảng và Nhà nước tăng lên rất nhiều. Từ đó, địa phương có cơ sở, động lực từ “lòng dân” để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội.
Kỳ vọng sớm hoàn thành nông thôn mới nâng cao
Theo thông tin từ UBND huyện Tân Phú, sắp tới đây với sự phối hợp của UBND huyện Bù Đăng tỉnh Bình Phước, nhiều công trình hạ tầng tại Đắk Lua sẽ được xây dựng, như: nâng cấp lưới điện trung thế từ 1 pha lên 3 pha tại Ấp 7 (để phục vụ trạm bơm, tưới tiêu cho người dân); hỗ trợ đầu tư xây dựng các tuyến đường DH12 và DHA14 xã Đăng Hà (huyện Bù Đăng) để việc đi lại giao thương giữa các xã được thuận lợi. Với việc đầu tư phát triển hạ tầng, lãnh đạo xã Đắk Lua kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật để địa phương hoàn thành những tiêu chí nông thôn mới nâng cao còn chưa đạt như các tiêu chí về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tiêu chí giáo dục…
Riêng về nguồn vốn tín dụng chính sách, UBND Đắk Lua kỳ vọng tiếp tục được huyện Tân Phú và tỉnh Đồng Nai tăng thêm cho các hoạt động vay vốn giải quyết việc làm, cho vay nước sạch, cải thiện sinh kế của người dân; tăng thêm nguồn vốn ủy thác từ các quỹ tài chính có nguồn gốc ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay hiệu quả với các nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương. Trong vài năm tới, xã Đắk Lua hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều NHTM về mở các điểm giao dịch để đa dạng hóa nguồn vốn giúp các mô hình kinh tế thuận lợi hơn trong việc mở rộng quy mô, nâng tầm từ thoát nghèo lên khá giả và trở thành những mô hình điểm của huyện Tân Phú và tỉnh Đồng Nai.