Thái Bình đang triển khai giải phóng mặt bằng 135 dự án với tổng diện tích gần 2.500ha

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, đến nay UBND các huyện, thành phố tại Thái Bình đã hoàn thành việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với 354 dự án, tổng diện tích là 1.083,2ha; trong đó có 37 dự án do nhân dân tự nguyện hiến đất với diện tích 39,7ha. Đang triển khai giải phóng mặt bằng 135 dự án với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng gần 2.500ha; trong đó, diện tích đã hoàn thành giải phóng mặt bằng trên 1.500ha, diện tích đang tiếp tục giải phóng mặt bằng gần 950ha.

 Thái Bình đẩy mạnh giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái và tuyến đường trục của Khu kinh tế. Ảnh: Báo XD

Thái Bình đẩy mạnh giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Liên Hà Thái và tuyến đường trục của Khu kinh tế. Ảnh: Báo XD

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, triển khai nghiêm túc, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác giải phóng mặt bằng vẫn là “điểm nghẽn” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đã thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan liên quan đến sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu chưa cao, chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giải phóng mặt bằng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

Một số cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng chưa tích cực, quyết liệt tham gia vào công tác giải phóng mặt bằng; năng lực, trình độ của một số cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị cấp huyện và cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác tuyên truyền, vận động của một số địa phương, cơ sở chưa sâu sắc, cụ thể về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả, giá trị mang lại của các dự án cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa tạo được sự thống nhất về nhận thức và sự đồng thuận trong nhân dân...

Ông Nguyễn Khắc Thận nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, để đáp ứng bối cảnh mới trong giai đoạn hiện nay. Qua đó góp phần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đáp ứng yêu cầu phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội và sẵn sàng cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển; đồng thời bảo đảm phù hợp với các quy định mới của Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

 Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại hội nghị.

Kết quả, tiến độ giải phóng mặt bằng là thước đo đánh giá năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là năng lực của người đứng đầu. Nghị quyết số 10-NQ/TU nhấn mạnh quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc hiến đất trong công tác giải phóng mặt bằng, trên tinh thần tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tạo cơ chế để khuyến khích, lan tỏa phong trào hiến đất và tài sản trên đất, từ đó mang lại hiệu quả tích cực, cụ thể tại các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu phải đổi mới phương thức lãnh đạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 10-NQ/TU; bên cạnh việc đề ra các mục tiêu tổng quát, cần xác định các mục tiêu cụ thể, các mốc thời gian, đường găng tiến độ đối với các công trình, dự án trọng điểm đang triển khai để quản lý, giám sát, theo dõi, đánh giá cũng như kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.

Các cấp, các ngành cần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nghiên cứu kinh nghiệm thành công của các dự án đã triển khai, các địa phương khác để áp dụng phù hợp, hiệu quả. Khẩn trương thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc UBND tỉnh và kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng chuyên môn làm công tác giải phóng mặt bằng tại các huyện, thành phố.

Về phía các địa phương cần tập trung nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng; ưu tiên bố trí ngân sách thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch… Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết bài bản, có thời gian lộ trình cụ thể, đặc biệt là các địa phương có dự án trọng điểm. Cần quán triệt Nghị quyết đến tất cả cấp ủy đảng và đảng viên ở các địa phương, đơn vị, từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm về công tác giải phóng mặt bằng trong giai đoạn mới.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-binh-dang-trien-khai-giai-phong-mat-bang-135-du-an-voi-tong-dien-tich-gan-2500ha-post325541.html
Zalo