Những ngân hàng tụt lại phía sau khi đề xuất tăng hệ số CAR lên 10,5%
Ngân hàng Nhà nước đề xuất nâng tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng lên mức 10,5% đến năm 2033. Khi không đáp ứng được tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu và vốn đệm bảo toàn vốn, ngân hàng sẽ bị giới hạn chia cổ tức tiền mặt. Tính đến cuối năm vừa qua, có 8 ngân hàng niêm yết có tỷ lệ CAR thấp hơn mức này và cần sớm khởi động cuộc đua tăng vốn để cải thiện tình hình.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hiện đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nâng dần hệ số CAR lên 10,5%
Dự thảo thông tư được xây dựng gồm 8 chương với 88 điều. Dự thảo thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu ở mức 10,5%, thay vì mức tối thiểu là 8% hiện được quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư số 41). Trong đó đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%.
Lộ trình nâng dần tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng theo từng giai đoạn và đạt mức tối thiểu 10,5% đến năm 2033.
Basel III là chuẩn mực quản trị rủi ro trong hoạt động ngân hàng đã và đang được áp dụng rộng rãi trên quốc tế. Đây là chuẩn mực mà hệ thống ngân hàng Việt Nam hướng đến, thông qua việc nâng cao chất lượng về vốn và năng lực thanh khoản theo yêu cầu chuẩn mực, từ đó tạo nền tảng cho một hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, có sức chống chịu biến cố, khả năng phục hồi sau biến cố và góp phần ngăn ngừa những tổn thất hệ thống có thể xảy ra.
Trên thực tiễn, một số ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đã nghiên cứu, tham khảo thông lệ quốc tế về chuẩn mực Basel III để hướng tới việc áp dụng vào quản trị rủi ro, quản trị điều hành tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Do đó, NHNN cho rằng việc nghiên cứu, ban hành thông tư quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để vừa cập nhật các quy định mới tại chuẩn mực Basel III vừa phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam triển khai thực hiện.
Dự thảo quy định giao quyền cho Thống đốc NHNN quyết định tỷ lệ an toàn vốn trong từng thời kỳ trong trường hợp cần thiết và chưa đưa ra yêu cầu cụ thể đối với tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ.
Dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở Thông tư số 41 và cập nhật những quy định mới tại chuẩn mực Basel III năm 2017, đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
"Tỷ lệ này nhằm ngăn ngừa sự suy giảm của nền kinh tế, linh hoạt trong từng thời kỳ do NHNN quyết định với mức dao động trong khoảng 0-2,5%, tăng lên trong thời điểm thị trường tăng trưởng nóng và giảm xuống khi thị trường hoạt động trong điều kiện ổn định" - dự thảo nêu rõ.
Giới hạn tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt
Theo dự thảo thông tư, trường hợp ngân hàng thương mại không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn CAR tối thiểu và mức đệm bảo toàn vốn (CCB) quy định tại dự thảo trong năm tài chính, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được dùng lợi nhuận chưa phân phối để chi cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ tối đa 80%.
Khi ngân hàng đảm bảo tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu và vốn đệm bảo toàn vốn thì có thể nâng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt lên 100%, tức 1 cổ phiếu được nhận 10.000 đồng.
Thời gian qua, các ngân hàng thông thường trả cổ tức bằng cổ phiếu nhằm giúp ngân hàng đảm bảo được tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa mở rộng danh mục tín dụng. Tính riêng năm 2024, sau khi không còn bị siết quy định, các ngân hàng đua nhau trả cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận song tỷ lệ cũng chỉ dao động 3-15%.
Tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm nay lớn nhất là 15% tại Techcombank sau 10 năm thực hiện chính sách không chi trả cổ tức, theo đó, mỗi cổ phiếu TCB được nhận 1.500 đồng.
Ba năm vừa qua, ngành ngân hàng đang cải thiện dần hệ số tỷ lệ an toàn vốn CAR của nhóm ngân hàng áp dụng theo Thông tư số 41 và đạt ở mức cao hơn trên 3 điểm phần trăm so với mức tiêu chuẩn (8%). Trong khi một số ngân hàng ghi nhận CAR ở mức rất cao so với yêu cầu tối thiểu 8% tại Thông tư số 41 và cao hơn nhiều so với hệ thống như: Saigonbank, VPBank, Techcombank, SeABank..., hiện một số ngân hàng có tỷ lệ CAR ở mức thấp hơn đáng kể.
Các ngân hàng có tỷ lệ CAR thấp hơn 10,5%
Tính đến cuối năm 2023, thống kê của TBTCVN cho thấy, trong các ngân hàng niêm yết có 8 ngân hàng có tỷ lệ CAR dưới 10,5%; trong đó, có hai "ông lớn" quốc doanh là Vietinbank có hệ số CAR là 9,31%; BIDV 9,18%. Bên cạnh đó, còn có một số nhà băng khác như: VietBank với hệ số CAR là 10,39%; KienlongBank 9,73%; VietABank 9,25%; NVB 9,22%; Sacombank 9,11%; Bac A Bank 8,56%.
Như vậy, nếu thông tư được ban hành, thì các ngân hàng kể trên phải đẩy mạnh lộ trình tăng vốn để nâng dần tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên mức 10,5% đến năm 2033, hoặc giảm hoạt động cho vay để thích ứng.