Những mùa xuân ở Vĩ tuyến 17
Mỗi con người đều có những vùng đất nặng ân tình, in dấu những năm tháng không quên trong cuộc đời mình. Với tôi, hơn nửa thế kỷ qua, Vĩnh Linh, Quảng Trị, nơi Vĩ tuyến 17 từng chia cắt đất nước Việt Nam trong 21 năm, là một vùng như vậy.
Mùa xuân 1972. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in quang cảnh cầu Hiền Lương và dòng sông Bến Hải lần đầu tiên nhìn thấy. Đấy là buổi sáng đúng vào ngày mùng Một Tết Nhâm Tý. Trên vùng đất đạn bom cày xới không còn sự sống, dòng sông nhỏ vẫn xanh trong một cách kỳ lạ trong nắng sớm. Cây cầu bị đánh phá nhiều lần chỉ còn chơ vơ mấy nhịp ở giữa. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ. Bên kia sông, căn cứ Dốc Miếu rất gần, xa nữa là Cồn Tiên, đồi 31... những cứ điểm nổi tiếng trên vành đai điện tử mà trước đây chúng tôi chỉ nghe nói đến.
Chúng tôi đón Tết ở tuyến lửa vào một thời khắc đặc biệt. Một nỗi nhớ nhà, nhớ Hà Nội quay quắt trong tôi. Đêm giao thừa ầm ì tiếng súng dọc vùng giới tuyến, với bầu không khí trực chiến căng thẳng, tôi ra sườn đồi sim, đứng nhìn về phía Bắc và nhớ về những người thân yêu của mình. Tôi nhớ gương mặt trầm tư của bố ngày tiễn tôi lên đường. Tôi nhớ mẹ tôi đêm giao thừa năm nào cũng thắp hương cúng tổ tiên trên mảnh sân trước nhà với một ngọn đèn dầu nhỏ đặt bên bể nước. Ngày trở về còn xa và những gian nan thử thách đang chờ chúng tôi ở phía trước.
Qua những năm tháng cái chết rập rình, cái khoảng thời gian cay đắng “Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò/ Sông thành giới tuyến con đò còn lơi”... Cái không gian thanh bình này là không gian của tình yêu, sự đoàn tụ như ngày xưa nó đã từng có, nay qua chia cắt, đau thương mất mát, người ta lại càng thêm yêu quý nó hơn.
Sau chuyến xuất hành đầu năm ra thăm cầu Hiền Lương, mấy hôm sau, tôi có chuyến về Vĩnh Chấp, Cửa Tùng. Cũng lại là lần đầu tiên tôi đến cửa sông ấy, một cửa sông nhỏ hiền hòa, thân thuộc do sự sắp đặt của lịch sử mà trở thành nơi đất nước chia đôi. Những đồi cát nhỏ trắng dịu, hàng phi lao xanh thẫm, nước biển xanh trong... Không khí chiến tranh vẫn hằn rõ với những chiến hào xẻ sâu vào lòng đất, những nhà hầm, địa đạo chìm nổi và máy bay do thám OV10 lơ lửng trên không suốt đêm ngày để hễ có một dấu hiệu nào của sự sống là ngay lập tức, pháo từ biển, từ các căn cứ bên kia giới tuyến sẽ chụp xuống.
Chúng tôi vào thăm địa đạo Vịnh Mốc, xuống các ngách hầm sâu, nơi trú ngụ cho sự sống kiên cường trên mảnh đất này. Điều làm tôi bất ngờ là cuộc sống trong các làng hầm vẫn rất gọn gàng, ngăn nắp; có cả nơi hội họp, có giếng nước, có trạm cứu thương; có những đứa trẻ được sinh ra ngay trong những căn hầm này...
Trong sổ tay của mình, tôi ghi mấy câu thơ chợt đến:
“Chẳng có bóng cau xõa ngang trời
Những đám mây trôi, các cô gái làng đùa nghịch...
Chỉ mạch nước ngàn đời trong vắt
Giếng giữa lòng địa đạo hầm sâu...”.
Khổ thơ ấy mở đầu cho bài “Giếng nước dưới địa đạo”, bài thơ đầu tiên tôi viết ở tuyến lửa.
Tôi cũng không bao giờ quên chuyến công tác đầu tiên sang bên kia giới tuyến. Chuyến đi ấy, tôi về đội du kích xã Gio Mỹ. Cuộc gặp gỡ với những người du kích trẻ ngay dưới chân Đồi 31, bên dòng sông Hiền Lương để lại những ấn tượng khó quên. Trong chuyến đi này, tôi đã chụp ảnh nữ du kích Thu Hồng, một cô gái tuổi tròn đôi mươi, đang là học sinh miền Nam trên đất Bắc thì tình nguyện về quê hương tham gia chiến đấu. Thu Hồng đã hy sinh ngay trong trận đánh mở màn khi cùng đồng đội tấn công dồn Bến Ngự. Bức ảnh tôi chụp đã kịp lưu lại được hình ảnh của cô ngay trước khi chiến dịch mở màn - một hình ảnh đẹp về một nữ du kích Gio Linh.
Rất nhiều điều không thể quên trong năm 1972, với “Mùa hè đổ lửa”: Những lần hành quân trên vành đai điện tử giữa những trận bom B52, pháo biển suốt ngày đêm; theo các mũi tiến quân qua Cam Lộ, Đông Hà… và có mặt ở thị xã Quảng Trị ngày đầu giải phóng; tham dự lễ ra mắt chính quyền cách mạng ở Bích La Đông, quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn; cùng những người du kích trong chiến dịch chống phản kích ở Triệu Hòa, Triệu Trạch…
Và hình ảnh của những con người mãi còn đọng lại: Nữ giao liên Nguyễn Thị Phiếu đưa chúng tôi qua những bãi bom bi chưa nổ để kịp về thị trấn Cam Lộ giữa những ngày chiến dịch; O Khuya, cán bộ nằm hầm gần 3 năm ở Triệu Trạch, mấy ngày đầu giải phóng chưa dám ra ngoài vì chưa quen ánh sáng mặt trời; nữ du kích bắn tỉa nổi tiếng Hoàng Thị Chẩm cùng bà con xã Trung Hải đốt lửa trên đồng để giải phóng đất đai khỏi bom mìn, bắt đầu cuộc sống mới trên quê hương.
Vĩnh Linh trong 1.440 ngày đêm chống chiến tranh phá hoại, kẻ thù đã trút xuống hơn nửa triệu tấn bom, 700.000 quả đạn pháo, bình quân 1km2 có 600 tấn bom và 88 quả đạn pháo. Một người dân Vĩnh Linh, từ cụ già đến em bé, mỗi người phải hứng chịu 7 tấn bom và 10 quả pháo... Gio Linh nằm trên vành đai trắng, nơi Mỹ - ngụy xây dựng hàng rào điện tử McNamara. Phòng tuyến này, theo kế hoạch dài 100km, rộng 20km, một năm sử dụng khoảng 20 triệu quả mìn và 25 triệu quả bom cỡ nhỏ, chi phí khoảng 800 triệu đôla. Cả một vùng làng mạc trù phú bị cào ủi, san bằng, cả huyện chỉ còn là một vùng trắng...
Với tôi, đằng sau những con số ấy là số phận của cả một vùng đất và biết bao con người, trong đó có không ít bạn bè quen biết, những con người có tên tuổi, tính cách, biết ước vọng, từng tồn tại và đã vĩnh viễn ra đi; đằng sau những con số ấy là máu, là nước mắt, là những làng mạc, bàn chân trần của mình cùng bạn bè đã lội qua, là những khoảng không gian, trong đó sự sống và cái chết cùng tồn tại. Mặt đất bị quần phá cho đến tan nát mà rồi ngày nào cũng hứng chịu thêm biết bao bom đạn.
“Việt Nam đất nước biếc xanh
Và dài như một chiếc đàn bầu
Mà sợi tơ đàn bỗng bị đứt ngang
Nơi chiếc cần đàn: Dòng sông Bến Hải”.
Menelaos Loudemis, nhà thơ Hy Lạp nổi tiếng đã viết như vậy. Và bao nhiêu âm thanh có thể ngân vang giữa đất trời thanh bình lại cứ phải âm thầm, day dứt trong lòng người, lòng đất.
Mùa xuân 1973. Sau vài tháng trở ra Hà Nội, cùng nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, tôi quay lại Quảng Trị khi Hiệp định Paris ký kết. Chúng tôi có nhiệm vụ thông tin về việc triển khai hiệp định vừa ký, nhất là việc trao trả tù binh ở bờ sông Thạch Hãn, cùng các hoạt động như gìn giữ hòa bình, xây dựng chính quyền, ổn định cuộc sống của người dân tại vùng đất chiến tranh tàn phá khốc liệt này.
Chúng tôi đã chứng kiến niềm vui của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ ta sau những năm lao tù được trở về trong tình đồng chí, đồng đội. Niềm vui của người lính Sài Gòn được trao trả cho phía bên kia cũng để lại những ấn tượng khó quên. Khát vọng hòa bình, đoàn tụ sau những năm tháng chiến tranh ác liệt là mong mỏi chung của mọi con người Việt Nam.
Chúng tôi thực hiện chuyến đi về vùng giáp ranh ở Triệu Phong. Tại một số nơi đã có sự gặp gỡ, giao lưu giữa những người lính của hai bên, có các điểm “hòa hợp” là nơi gặp mặt của những người lính từ hai phía. Thôn Long Quang là một địa điểm như vậy. Những người lính hai bên đã có một số lần gặp gỡ và trở nên quen biết.
Tôi nhớ một người lính Sài Gòn chia sẻ:
- Mệt mỏi lắm rồi mấy anh ơi! Tui chỉ mong được đến ngày về quê, giúp tía má mần mấy công đất. Có cô nào thương cưới làm vợ, có con cho ông già bà già vui lòng. Vậy thôi!
Những bức ảnh về “Hai người lính” của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành được thực hiện trong hoàn cảnh như vậy, trong đó có những ảnh chụp chung và đặc biệt là hình ảnh chụp riêng hai người lính từ hai phía, sau này được biết tên là Nguyễn Huy Tạo, chiến sĩ giải phóng và Bùi Trọng Nghĩa, người lính Sài Gòn. Đấy là những hình ảnh rất quý về khoảnh khắc lịch sử hiếm hoi của thời kỳ này được ghi lại.
Sau lần ấy, tôi còn nhiều dịp trở lại Quảng Trị. Cuối năm 1974, tôi vào tăng cường cho Phân xã Vĩnh Linh 2 tháng. Năm 1975, tôi đi Chiến dịch Hồ Chí Minh, có những ngày dừng chân ở Quảng Trị trước khi vào Huế, Đà Nẵng rồi vào tận Sài Gòn.
Trên vùng đất đạn bom cày xới không còn sự sống, dòng sông nhỏ vẫn xanh trong một cách kỳ lạ trong nắng sớm. Cây cầu bị đánh phá nhiều lần chỉ còn chơ vơ mấy nhịp ở giữa. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.
Mùa xuân 1983. Kỷ niệm 10 năm giải phóng Quảng Trị, tôi có dịp trở lại và đi nhiều nơi trong tỉnh. Lần ấy, tôi vừa như một người thân lâu ngày mới trở về quê hương mình, vừa như một người khách trước một vùng đất mới. Tôi cứ tần ngần đứng ngắm mãi những đàn cò trắng bên các vạt ruộng ngay đầu cầu, tháng Ba này lúa đang lên xanh. Vẫn những con cò trắng mảnh dẻ, chân cao, mỏ dài quen thuộc, bạn bè muôn đời của đồng ruộng làng quê, mà tôi cứ tưởng chúng là những sinh vật khác lạ, từ đâu mới xuất hiện cùng cái màu xanh cứ nối dài mãi của làng xóm, ruộng đồng, của những đồi hồ tiêu, rừng cao su và những loại cây khác. Có lẽ tại tôi xa mảnh đất này quá lâu rồi, mảnh đất tôi sống một phần những năm tháng tươi trẻ nhất của mình, những năm tháng luôn còn lại và đi theo mãi như một thứ hành trang tinh thần của mỗi con người.
Về Bến Hải lần ấy, tôi dành nhiều thời gian để đi về các xã. Còn gì vui thích hơn được trở lại nơi trước đây mình đã sống, gặp lại bạn bè và những người quen biết. Hôm đầu tiên đến Cửa Tùng, chúng tôi gặp một ngày nắng rất đẹp. Dù rằng, đã đến đây nhưng lâu ngày quay lại, tôi vẫn ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của cửa biển nhỏ bé mà diễm lệ này. Có lẽ ít ở đâu, nơi dòng sông gặp biển mà cửa sông chỉ rộng có vài chục mét, khi nước cạn, những đứa bé 11, 12 tuổi cũng có thể bơi qua như ở đây. Cái bến đò Tùng Luật này cũng đã có một thời không quên của nó, khi những người lính cuối cùng tập kết qua sông, giơ cao hai ngón tay hẹn với vợ con, gia đình sau 2 năm sẽ trở lại.
Qua những năm tháng cái chết rập rình, cái khoảng thời gian cay đắng “Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò/ Sông thành giới tuyến con đò còn lơi”... Cái không gian thanh bình này là không gian của tình yêu, sự đoàn tụ như ngày xưa nó đã từng có, nay qua chia cắt, đau thương mất mát, người ta lại càng thêm yêu quý nó hơn.
Ở Bến Hải, người ta hay nói đến những cảnh đời éo le của những ngày chia cắt, chồng Bắc, vợ Nam. Tôi đã đến thăm một trong những gia đình đã qua cảnh ngộ đó, gia đình bác Trần Ngọc Châu, một sĩ quan về hưu tại thôn Xuân Hòa. Suốt 6 năm liền, từ năm 1954-1960, bác làm nhiệm vụ canh gác ở đầu cầu phía Bắc, hằng ngày thấy vợ mình ra sông lấy nước, vo gạo, rửa rau, đi làm đồng. Vậy mà chẳng dám nhìn nhau lâu, chẳng dám tỏ ra là quen biết, muốn nhắn nhủ điều gì phải nhờ người làng nói to lên, trống không giữa đất trời để bờ bên kia nghe mà đoán biết. Cái day dứt, giằng xé của những năm tháng ấy thật quá sức chịu đựng của con người. Tôi đã ăn một bữa cơm thân tình với vợ chồng người lính già ấy, chia sẻ niềm vui của cuộc sống đoàn tụ, thanh bình trên quê hương. Hai bác sau này gặp lại nhau, họ có hai con, một trai, một gái và rất hạnh phúc.
Sau lần ấy, tôi viết bài ký “Những đàn cò trắng bên sông Hiền Lương”, kể về cuộc sống mới trên mảnh đất này.
Những năm sau này, tôi còn có một số dịp về Quảng Trị, lần nào về cũng thân thiết, sâu nặng ân tình. Mùa xuân 2023. Tôi thăm lại Gio Linh, mảnh đất địa đầu giới tuyến một thời, những kỷ niệm hơn nửa thế kỷ trở nên sống động với nhiều gợi nhớ trong tôi. Đứng trên Dốc Miếu, nhìn làng mạc, đồng ruộng đầm ấm một màu xanh, tôi nhớ đến quang cảnh vành đai điện tử những năm ấy.
Dốc Miếu bây giờ là nơi có Nghĩa trang Liệt sĩ Gio Linh. Cùng các đồng nghiệp, tôi đã có những khoảnh khắc không thể quên. Nghĩa trang này là nơi có mộ liệt sĩ Thu Hồng. Tôi đã thực hiện tâm nguyện từ lâu là đến viếng mộ chị. Khi chúng tôi đến nơi, những cán bộ, chiến sĩ trong đội du kích Gio Mỹ, các đồng đội của chị Thu Hồng năm xưa và Thu Lan, em ruột chị Thu Hồng từ Hà Nội vào, đã đợi sẵn. Chúng tôi đã đến viếng mộ Thu Hồng và các liệt sĩ trong Nghĩa trang Liệt sĩ Gio Linh với lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc.
Trở lại Gio Linh lần này, tôi còn có dịp gặp lại chị Hoàng Thị Chẩm, người du kích bắn tỉa nổi tiếng trên vành đai điện tử McNamara năm xưa. Chị là người tôi đã viết trong bài “Trên vành đai điện tử” quen thuộc với bạn đọc từ những năm tháng ấy. Năm 1972, sau đợt đầu của chiến dịch tổng tiến công, tôi đã về xã Trung Hải, viết về cuộc sống của người dân ở đây sau giải phóng. Tôi đã về thăm gia đình ông Hoàng Văn Triệc, một lão du kích nhiều năm bám trụ trên vành đai. Nữ du kích Hoàng Thị Chẩm, hay o Chẩm theo cách gọi vùng này, là con gái của ông Triệc, năm đó 21 tuổi, nổi tiếng về tinh thần chiến đấu kiên cường và tài bắn tỉa.
Sau hòa bình, chị Chẩm đã cùng gia đình làng xóm xây dựng lại cuộc sống trên quê hương. Chị đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đông con cháu. Ngoài công việc đồng áng, chị còn trở thành người hộ sinh tình nguyện, giúp chăm sóc sức khỏe cho bà con trong vùng. Nhiều đứa trẻ ra đời trên mảnh đất từng là nơi đạn bom, chết chóc và chia ly này dưới bàn tay của bà đỡ Hoàng Thị Chẩm. Chúng tôi đã về thăm ngôi nhà nhỏ của chị bên dòng sông Bến Hải, ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng nhiều ác liệt nhưng sâu nặng tình người trên mảnh đất này. Tôi đã tặng lại chị bài viết “Trên vành đai điện tử” viết về chị và người dân Trung Hải từ hơn nửa thế kỷ trước.
Mùa xuân năm 2024, bên thềm những ngày tháng Tư lịch sử, tôi và anh trai - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh thực hiện cuộc hành trình về chiến trường xưa, dọc theo chiều dài đất nước. Một chuyến đi chúng tôi muốn thực hiện từ lâu. Hai anh em đã qua Vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, thăm lại Nghĩa trang Trường Sơn, khu di tích thành cổ Quảng Trị…
Chúng tôi qua cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải, nơi đất nước 21 năm cách chia. Nửa thế kỷ vùng đất Vĩ tuyến 17 này im tiếng súng. Nhưng ký ức về những năm tháng đã xa ấy vẫn đâu đây. Quang cảnh Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà… đã hoàn toàn đổi khác. Những con đường mới, những khu dân cư mới chen nhau, khó lòng tìm thấy những dấu vết xưa. Cầu Hiền Lương mới bắc qua sông Bến Hải rộng và đẹp hơn nhiều, bên cạnh vẫn còn cây cầu cũ biểu tượng của một thời.
Ngay trên cây cầu lịch sử, nơi giữa lòng vẫn còn vệt sơn trắng cách chia một thời, chúng tôi gặp lại những người quen cũ, trong đó có chị Hoàng Thị Chẩm.
Cùng với các chiến sĩ trong đội du kích Gio Mỹ và người thân gia đình Thu Hồng, chúng tôi đã viếng mộ chị và các liệt sĩ trong Nghĩa trang Gio Linh với lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng tôi đã có một bữa cơm thân tình trên vùng đất cũ, không xa Đồi 31 và căn cứ của những người du kích Gio Mỹ năm xưa. Những tình cảm chân thành, mộc mạc của các anh, các chị để lại trong chúng tôi những ấn tượng thật đặc biệt.
Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước. Những ngày Quảng Trị với những năm tháng trẻ trung, sôi nổi ấy đã để lại dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời làm báo của tôi. Xin chia sẻ lại bài thơ “Trở lại Hiền Lương” tôi đã viết sau những chuyến đi về miền đất nhiều gắn bó ấy.
Trở lại Hiền Lương
Thanh bình quá sáng nay sông vẫn chảy
Tự xa xưa trong trẻo cội nguồn
Như chẳng có một thời lửa đạn
Từng câu hò mảnh pháo cũng cắt ngang
Tôi gặp lại mình tuổi hai mươi yêu dấu
Lần đầu bên sông một thoáng sững sờ
Đất nước chia đôi nơi dòng sông bé nhỏ
Bão đạn mưa bom gieo chết chóc cả đôi bờ
Một nhát chém giữa lòng Tổ quốc
Biết mấy lỡ làng đau đớn xót xa
Bầm dập hoang tàn nát tan xứ sở
Trong tầm tay mà cay đắng chia lìa
Như thấy lại cây cầu xưa gãy gục
Mấy nhịp chơ vơ ở giữa dòng
Chỉ nhói lên vết sơn ở giữa
Ranh giới hai miền chỉ một lằn ngang
Hàng triệu người ngày ấy đã qua sông
Những ám ảnh một thời lửa cháy
Nhiều người ra đi không một lần trở lại
Gửi bóng mình vào sóng nước hôm nay
Những nẻo đường tôi qua trên mặt đất này
Nửa thế kỷ bao nhiêu là bờ bến
Trở lại đây cuối đời như hò hẹn
Gặp lại sông mà để gặp lại mình
Đất nước mình bao nhiêu dòng sông
Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một
Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt
Trong lòng sông và cả lòng người.
Trần Mai Hưởng
(nguyên phóng viên chiến trường, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam)