Tái hiện phong tục, văn hóa Mường
Trong những ngày đầu Xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều hoạt động văn hóa giới thiệu bản sắc dân tộc Mường đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như tái hiện, trình diễn Đâm đuống, Sắc Bùa… Những hoạt động này thu hút nhiều khách du lịch cũng như người dân tại Hà Nội, đã tạo ra không gian vui chơi đón Xuân ngày Tết.
Phát huy giá trị truyền thống
Trong những năm gần đây, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tăng nhanh, đặc biệt là giới trẻ. Chính vì thế, việc tổ chức các sân chơi ngày Tết gắn liền với việc giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch, văn hóa. Đây là hoạt động thiết thực giúp người dân và du khách trang bị thêm kiến thức lịch sử, văn hóa, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống địa phương, giúp giới trẻ yêu quê hương, đất nước và con người Việt Nam.
Nhằm mang đến một không gian trải nghiệm Tết truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Di sản văn hóa Mường tổ chức chương trình “Vui Xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình” trong hai ngày mồng 4 - 5 Tết (thứ Bảy ngày 1.2 và Chủ nhật ngày 2.2). Theo Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường Bùi Thanh Bình, khi du khách và người dân đến vui chơi và trải nghiệm chương trình sẽ được các nghệ nhân giới thiệu các phong tục Tết Mường qua các hoạt động trải nghiệm văn nghệ dân gian, các trò chơi dân gian và ẩm thực. Điều này góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường. Đồng thời sẽ được hòa mình với các trò chơi dân gian trong ngày Tết của một số dân tộc: kéo co, đánh quay, đánh mảng, đánh cầu lông gà, ném pao, tung còn, múa sạp...
Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Bùi Ngọc Quang chia sẻ: Trong những ngày đầu xuân Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, mọi nhà đều quây quần bên nhau dịp Tết, trọn vẹn cho ngày đầu Xuân. Mọi người cùng nhau tận hưởng những ngày đầu năm mới hết sức an lành và vui vẻ. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Vạn sự sung túc sẽ trọn vẹn như ý khi có nụ cười viên mãn của người thân. Do đó, việc tổ chức chương trình nhằm phát huy vai trò bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa truyền thống trong bối cảnh đương đại. Cũng như tạo ra không gian tràn ngập tiếng cười đầu Xuân cho mọi nhà. Đồng thời, khi được trải nghiệm sẽ khơi dậy, bồi đắp tình yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của giới trẻ trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Khám phá phong tục, văn hóa
Cây nêu được xem là biểu tượng của sự khởi đầu mới, tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và thịnh vượng. Việc dựng cây nêu vào dịp Tết không chỉ mang tính nghi lễ, mà còn là cách thể hiện mong muốn của gia đình về một năm mới đầy may mắn, tài lộc và sức khỏe. Nghệ nhân Bích Du - người chuyên đóng vai thầy cúng của người Mường cho biết: Cũng như các dân tộc khác, người Mường rất coi trọng việc dựng cây nêu trong dịp lễ Tết. Tục dựng cây nêu ngày tết của người Mường chứa đựng ý nghĩa nhân văn sâu sắc gắn với phong tục, tập quán sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của đồng bào.
Truyền thống từ xa xưa để lại, từ ngày 23 cho đến 28 tháng Chạp hằng năm, nhà nhà trong bản Mường đều trồng cây nêu ở nơi trang trọng nhất trước ngôi nhà của mình. Cây nêu là cây có họ hàng với loài tre, phải có thân thật thẳng, các lóng thật dài, tán ngọn phải tròn, bầu đất lúc đào lên phải còn nguyên vẹn thì khi trồng mới được tươi lâu. Cây nêu thẳng, cao, ngọn còn nguyên vẹn, lá được tỉa chọn hình cái lộng. Gốc còn nguyên bầu đất, chỉ thân cây là được tỉa sạch các cành. Khi cây nêu được đặt ngay ngắn trên giá.
Theo ông Bích Du: Truyền thuyết của người Mường kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, cái ngày trời đất chưa có tên có tuổi, thời gian chưa có tháng có ngày, vũ trụ quay cuồng hỗn loạn rồi mẹ đất xuất hiện, đất rộng lớn mênh mông nhưng toàn thân tối tăm lạnh lẽo. Cho đến lúc cha trời xuất hiện, những tia nắng ấm áp của cha trời làm ấm nồng trái tim mẹ đất. Thế rồi vũ điệu trời đất giao hòa sinh sôi vạn vật bắt đầu… Khi con người và con thú tập trung tại rừng, suối chung sống với nhau thì bị bọn ma quỷ ghen ăn tức ở về phá hoại gây lũ lụt hạn hán liên miên khiến cái ác, cái khổ chất chồng cao hơn núi. Lúc đó, mệ Vua làm phép cắm cây nêu để đánh dấu đất giữ Mường. Trên mỗi ngọn cây nêu đều treo áo của Phật bà, bóng chiếc áo tỏa đến đâu là đất của Phật dành cho loài người sinh sống. Từ đó, người Mường lại làm Lễ lên nêu để ghi nhớ công ơn của mệ Vua, xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới.
Ông Bích Du cho biết thêm: Sau khi làm lễ dựng cây nêu, người Mường chuẩn bị thêm mâm lễ tế trời đất gồm một cỗ thịt lợn luộc. Người Mường không quan niệm mâm cao cỗ đầy, nhiều hay ít, mà quan trọng con lợn có bao nhiêu bộ phận thì phải có đủ miếng trên mâm cỗ… Bên cạnh đó còn có cơm canh, mâm cỗ chay. Điều đặc biệt là mâm cỗ chay cũng chuẩn bị các món ăn hình dạng tương ứng với mâm cỗ mặn.
Trong hai ngày 1- 2.2, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn diễn ra nhiều chương trình giới thiệu phong tục văn hóa người Mường hấp dẫn khác như Hát “Sắc bùa” - là phong tục không thể thiếu làm nên cái Tết cổ truyền đáng nhớ của người Mường xưa nhưng theo thời gian, hát sắc bùa dẫn trở thành một hoạt động gắn liền với mọi giai đoạn quan trọng của mỗi một con người. Tiếng âm vang cồng chiêng (dụng cụ chính trong mỗi phường hát) với điểm nhấn là tiếng “khầm” của cồng chiêng sắc bùa như làn sóng, như sức mạnh xua đuổi ma quỷ, xua đuổi cái xấu. Du khách còn được trải nghiệm hoạt động giã gạo “Đâm đuống” của đồng bào Mường bằng cối gỗ hình chiếc thuyền độc mộc dài từ hai tới ba sải tay, chiếc chày giã dài như đòn gánh, giữa thân thon để vừa tay cầm...