Ước mơ âm nhạc của chàng trai khiếm thị đầy nghị lực
Chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng nhưng chàng thanh niên khiếm thị Nguyễn Bạch Thiên San (sinh năm 2003) vẫn cảm nhận ánh sáng của riêng mình từ những nốt nhạc trầm bổng vào mỗi ban mai.
Đàn piano là người bạn tri kỷ
Đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày, San bắt đầu ngày mới bằng việc chơi đàn piano trong thánh lễ tại giáo xứ Thị Nghè (quận Bình Thạnh, TP. HCM). Khi những khúc nhạc thánh ca vang lên cũng là lúc Thiên San đang sống với niềm đam mê âm nhạc của mình.
Thiên San sống cùng gia đình tại Suối Mơ (Bảo Lộc, Lâm Đồng) đến năm 6 tuổi thì dời đến Đà Lạt. Đây cũng là thời gian San bắt đầu học đàn và nhen nhóm tình yêu âm nhạc. Năm 2018, vì điều kiện gia đình khó khăn, San chuyển đến TP. HCM sinh sống và học tập với sự giúp đỡ của các sơ tại mái ấm khiếm thị Nhật Hồng (quận Bình Thạnh, TP. HCM).
San luôn ấp ủ trong mình ước mơ trở thành sinh viên ngành Sư phạm âm nhạc, Nhạc viện TP. HCM. Tuy nhiên, không có nhiều cơ hội được học luyện thanh để đáp ứng tiêu chí của trường nên San chưa đạt được ước mơ của mình. Dẫu vậy, chàng thanh niên khiếm thị chưa ngày nào nguôi ngoai hoài bão của mình. “Tôi biết hát không phải thế mạnh của mình nhưng tôi nghĩ cứ cố gắng trau dồi chắc chắn một ngày nào đó cơ hội khác sẽ đến. Cánh cửa này đóng lại thì mình tìm một cánh cửa khác” - Thiên San quyết tâm.
Mỗi ngày San chơi đàn 4 - 5 tiếng và đã duy trì thói quen này được hơn 15 năm. Ngoài thể loại yêu thích nhất là nhạc cổ điển, Thiên San còn thuần thục nhiều thể loại khác như bolero, nhạc hiện đại,... Thỉnh thoảng sau giờ cơm tối, San “lập ban nhạc” với những người bạn biết chơi trống, guitar, organ trong mái ấm. Thiên San bộc bạch: “Tôi cảm thấy được an ủi tinh thần khi chơi những thể loại âm nhạc yêu thích, kết giao với những người bạn tốt và chia sẻ những khó khăn với những người chung cảnh ngộ”.
“Cánh cửa này đóng lại thì mình tìm một cánh cửa khác”
Với khao khát truyền đạt lại những gì bản thân đã được học cho những người đồng cảnh ngộ, Thiên San vừa dạy đàn, vừa dạy chữ nổi miễn phí cho các bạn trong mái ấm. San kể: “Tôi mất nhiều thời gian và công sức hơn người bình thường vì phải cầm tay các bạn chỉ từng chút một. Nhiều khi cả mất cả buổi sáng chỉ dạy được vài ba nốt nhạc, vài ba con chữ”.
Đặng Thị Kim Hoa, một trong những “học trò” của Thiên San, chia sẻ: “Tôi chưa hoàn toàn mất thị lực nhưng trong quá trình học vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhờ anh San kiên nhẫn, ân cần mà tôi không nản chí”.
“Mọi người trong mái ấm hay gọi San bằng biệt danh “giáo sư” vì San có giọng nói trầm và phong thái như một thầy giáo”. San cũng là người rất nhiệt tình giúp đỡ các sơ trong các hoạt động hằng ngày tại mái ấm”, cô Nguyễn Thị Giao, quản lý mái ấm Nhật Hồng cho hay.
Thiên San vẫn quyết định tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ sư phạm âm nhạc của mình trong tương lai. Đối với San, từng nốt nhạc du dương trầm bổng hằng ngày phát ra từ gian phòng 20 mét vuông tại mái ấm Nhật Hồng chứa đầy ánh sáng. Ánh sáng ấy xuất phát từ niềm đam mê, tinh thần lạc quan, nghị lực và niềm tin.
Thiên San có khả năng phân biệt các tuyến xe buýt dựa vào tiếng động cơ. Thậm chí chỉ nghe tiếng quạt gió, tiếng đèn xi nhan, San đã nhận biết được hãng xe, đời xe, số ghế của chiếc xe buýt. Thiên San cho biết khả năng này một phần là do cảm âm tốt, phần còn lại là do mỗi khi đi xe buýt, San có thói quen sờ nắm cửa và đếm số ghế. Hơn nữa, San có sở thích tìm hiểu về các loại xe qua thông tin trên internet.