Những đối tượng cần tiêm vắc-xin cúm mùa

Cúm mùa là một căn bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng một số đối tượng có nguy cơ mắc cúm và gặp phải các biến chứng nguy hiểm, bao gồm trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh nền đặc biệt như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ…

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về dịch cúm mùa đang gây lo lắng trong dư luận. Ảnh: Chí Cường

Bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về dịch cúm mùa đang gây lo lắng trong dư luận. Ảnh: Chí Cường

Các chuyên gia y tế khuyến cáo tất cả mọi người đều có nguy cơ nhiễm cúm mùa, nhưng một số nhóm đối tượng cần đặc biệt chú ý và tiêm phòng cúm thời điểm này để phòng chống các biến chứng nặng gồm: Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tháng tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện. Người cao tuổi, từ 65 tuổi trở lên, với hệ miễn dịch suy yếu.

Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con trong mùa cúm, vì thay đổi thể trạng và hệ miễn dịch trong thời gian này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Người có bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ, và những người đang điều trị thuốc dài hạn.

Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch suy yếu, người béo phì (BMI trên 40), người mắc các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, và những người dưới 20 tuổi đang dùng aspirin trong thời gian dài cũng thuộc nhóm cần tiêm vắc-xin phòng cúm.

Ngoài những đối tượng nêu trên thì theo bác sỹ Nguyễn Tuấn Hải, Hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec, mỗi người dân cần được tiêm vắc-xin cúm mùa để phòng chống các biến chứng nặng do bệnh gây ra.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các loại vắc-xin cúm đang lưu hành, theo bác sỹ Hải, về bản chất chúng ta có vắc-xin cúm mùa bất hoạt (vi rút đã chết hoặc chỉ một phần của vi rút đã chết) và vắc-xin sống giảm độc lực. Hiên nay chúng ta chủ yếu dùng vắc-xin bất hoạt dạng vi rút đã phân mảnh (loại này có độ an toàn và công hiệu).

Theo số loại kháng nguyên chúng ta có vắc-xin Tam giá hay Tứ giá (3 hay 4 loại vi rút). Người ta làm như vậy (vắc-xin hỗn hợp 3 hay 4 loại vi rút) để việc tiêm vắc-xin có thể bảo vệ với phần lớn các vi rút đang lưu hành phổ biến trên thế giới (bao phủ).

Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm đến vắc-xin thuộc “mùa” nào (năm) và thuộc Bắc bán cầu hay Nam bán cầu. Lý do là mùa Đông-Xuân của Bắc bán cầu và Nam bán cầu lệnh nhau.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, đợt bùng phát cúm mùa tại Nhật Bản đang diễn ra mạnh mẽ. Từ tháng 9 năm 2024 đến tháng 1 năm 2025, Nhật Bản ghi nhận khoảng 9,5 triệu ca cúm, chủ yếu do cúm A gây ra. Các khu vực có đông dân cư và các điểm du lịch như Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho biết, trong các tuần cuối năm 2024, tỷ lệ mắc cúm và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) tăng mạnh ở nhiều quốc gia thuộc Bắc bán cầu, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Mỹ và nhiều quốc gia ở châu Á.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để giảm thiểu nguy cơ mắc cúm mùa:

Tiêm vắc-xin cúm mùa: Đây là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi cúm. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi.

Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn tay hoặc ống tay áo để giảm phát tán dịch tiết. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt ở nơi đông người và trên phương tiện giao thông công cộng. Giảm tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm khi không cần thiết.

Duy trì lối sống lành mạnh: Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng và vận động thể lực đều đặn.

Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân không nên tự ý xét nghiệm hoặc mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Các bác sỹ cũng cảnh báo rằng nhiều người mắc cúm thường chủ quan, nghĩ rằng chỉ là bệnh nhẹ và không đi khám sớm, điều này có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Trước tình hình cúm mùa đang gia tăng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Bộ cũng khuyến cáo các biện pháp giám sát và kiểm dịch y tế biên giới để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và hạn chế lây lan.

Theo số liệu từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện đang điều trị cho 8 bệnh nhân nhiễm cúm, trong đó có một số ca cúm A cần can thiệp ECMO.

ThS.Phạm Văn Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, nhấn mạnh rằng người có bệnh nền, người cao tuổi, và người có hệ miễn dịch suy giảm cần đặc biệt cẩn trọng khi mắc cúm. Việc phát hiện và điều trị cúm sớm là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy đa tạng, và thậm chí tử vong.

Bộ Y tế cũng lưu ý người dân về tình hình thời tiết mùa Đông - Xuân, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có thể gia tăng trong thời gian này.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-doi-tuong-can-tiem-vac-xin-cum-mua-d245183.html
Zalo