Những mô hình trồng trọt điển hình trong nhà lưới ở Hậu Lộc
Trong lộ trình phát triển nông nghiệp hiện đại, nhiều nông dân huyện Hậu Lộc đã chủ động phát triển mô hình trồng trọt trong nhà lưới cho hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ phát huy được giá trị quỹ đất, nâng cao hiệu quả kinh tế, các mô hình còn tạo hiệu ứng cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, thay đổi tư duy sản xuất nông sản hàng hóa gắn phát triển thị trường tiêu thụ...

Mô hình nhà lưới sản xuất của ông Mai Văn An được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Khu vực đồng Bái Trung, xã Hòa Lộc vốn đất cát pha, nhiễm mặn và chua nên nhiều đời nay năng suất cây trồng không cao. Trong khoảng thời gian dài gần chục năm trước, khu đồng trũng và xa khu dân cư này bị bỏ hoang nhiều. Khi có chủ trương tích tụ đất đai của Tỉnh ủy và huyện Hậu Lộc, ông Mai Văn An đã quyết tâm đấu thầu và dồn đổi thành khu sản xuất lớn để phát triển kinh tế. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, rồi lấy ngắn nuôi dài, đến nay một khu sản xuất trù phú đã hiện hữu.
Trên tổng diện tích sản xuất 3ha, ông đã phát triển 2ha nhà lưới để trồng dưa vàng, dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Những thời điểm gần tết và xen giữa một số vụ dưa còn trồng thêm những lứa hoa thược dược và nhiều loại hoa ngắn ngày để cung ứng cho thị trường. Theo ông, những năm đầu sản xuất gặp nhiều khó khăn trong lựa chọn cây trồng, kinh nghiệm còn ít, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Tuy nhiên, ông tự học hỏi và đúc rút kinh nghiệm để duy trì sản xuất ổn định và hiệu quả.
Đến nay, khu sản xuất với 5 nhà màng luôn duy trì diện tích 2ha chuyên canh dưa các loại và một số loại hoa thời vụ. Đây đều là những loại cây có yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng chủ mô hình đã chiếm lĩnh được kinh nghiệm và quy trình sản xuất. Từng gốc cây trồng đều được trồng trong các bầu giá thể, trong nhà lưới có thể điều chỉnh được nhiệt độ và độ ẩm. Đáng nói, hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại được đầu tư từ nhiều năm qua cung cấp nguồn nước đến từng gốc cây. Chỉ cần một thao tác trên áp điện thoại thông minh, tuy ở xa nhà ông cũng có thể vận hành hệ thống tưới hiện đại này. Đây cũng là mô hình tưới rất tiết kiệm nước, lại có thể thay thế được nhiều công lao động thủ công tưới truyền thống.
Mỗi năm, mô hình sản xuất khoảng 3 vụ dưa, chưa tính xen cây trồng khác. Theo hạch toán của chủ mô hình, những năm giá dưa cao, thu nhập từ khu sản xuất đạt hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 50%. Hiện mô hình này đang giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương. Sản phẩm dưa được ông ký hợp đồng với một doanh nghiệp ở huyện Nga Sơn bao tiêu, đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Tại xã Hoa Lộc, thanh niên Nguyễn Thị Luận ở thôn Hoa Trung cũng xây dựng thành công mô hình điển hình sản xuất trong nhà lưới không chỉ trong xã. Là công chức xã, được giao làm Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Hoa Lộc, chị đã đầu tư xây dựng khu sản xuất làm mẫu cho những hộ khác. Từ năm 2021, sau khi nhận thấy đất sản xuất cánh đồng Đông Vầu rất màu mỡ nhưng nhiều hộ không mặn mà, chị dùng diện tích của gia đình dồn đổi, thuê thêm của các hộ xung quanh thành khu sản xuất hơn 1,1ha. Ngoài sản xuất lúa, các loại rau màu luân phiên quanh năm, chị vay ngân hàng để hình thành khu nhà lưới 2.500m2 sản xuất dưa vàng. Gặt hái nhiều thành công, những năm gần đây, diện tích nhà lưới liên tục được mở rộng và hiện đã lên 5.000m2.
Tại khu sản xuất nằm giữa cánh đồng, các công nhân được thuê quanh năm để phát triển sản xuất. Những ngày nghỉ và sau giờ hành chính mỗi ngày, chủ mô hình lại hồ hởi về khu nhà lưới để tham gia lao động và chỉ đạo sản xuất. Xác định sản xuất sạch để tạo đầu ra bền vững, chị cho nhập phân chuồng và tự ủ những loại rác hữu cơ, thân cây trồng thành phân bón. Các chế phẩm sinh học để xử lý mầm bệnh cũng phải là những nhãn hiệu cho phép. Từ sự hiệu quả, mỗi năm mô hình cho lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Hậu Lộc Trần Hồng Phong, “Chỉ tính riêng các mô hình nhà lưới, nhà màng có diện tích từ 0,5ha trở lên, huyện Hậu Lộc đang có hơn 20 mô hình với tổng diện tích khoảng 30ha. Nhiều mô hình phát triển 2 - 3ha, đều áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các cây trồng trong nhà lưới, nhà màng của huyện chủ yếu là dưa vàng, dưa đỏ, dưa chuột, các loại hoa và một số loại rau thời vụ. So với sản xuất truyền thống, các mô hình trồng trọt trong nhà lưới ở Hậu Lộc có hiệu quả gấp gần chục lần trồng lúa”.