Những lưu ý khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Hóa học

Thầy Nguyễn Trọng Tấn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên) lưu ý thí sinh ôn tập hiệu quả môn Hóa học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Giáo viên trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Thầy Nguyễn Trọng Tấn - Giáo viên trường THPT Lương Ngọc Quyến (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Thay đổi theo định hướng tiếp cận năng lực

Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ có sự thay đổi theo hướng tiếp cận năng lực, tích hợp liên môn, tăng cường tính phân hóa, giảm học thuộc lòng máy móc và tăng cường câu hỏi vận dụng. Đối với môn Hóa học, đề thi sẽ có những thay đổi rõ rệt theo hướng tiếp cận năng lực, tích hợp liên môn và vận dụng thực tiễn.

Cụ thể, tăng cường câu hỏi vận dụng thực tiễn, đề thi sẽ giảm bớt câu hỏi lý thuyết thay vào đó là các tình huống gắn với đời sống, công nghệ hoặc môi trường.

Tích hợp liên môn,Hóa học sẽ được kết nối với kiến thức từ các môn khác như Vật lý (ví dụ: điện hóa, nhiệt động lực học), Sinh học (ví dụ: quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể), hoặc Địa lý (ví dụ: phản ứng trong lớp vỏ Trái Đất),…

Bên cạnh đó, đề thi cũng có sự phân hóa rõ ràng, câu hỏi sẽ được thiết kế theo các mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng).

Giảm học thuộc lòng,Ít câu hỏi yêu cầu ghi nhớ máy móc thay vào đó, đề thi có thể cung cấp sẵn bảng số liệu, yêu cầu thí sinh phân tích.

 Thầy Nguyễn Trọng Tấn tại Hội thảo công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật ý tưởng khởi nghiệp năm học 2024 - 2025.

Thầy Nguyễn Trọng Tấn tại Hội thảo công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật ý tưởng khởi nghiệp năm học 2024 - 2025.

Chú trọng kỹ năng thực hành, xuất hiện câu hỏi mô phỏng thí nghiệm (ví dụ: nhận biết lỗi khi lắp dụng cụ chưng cất, chuẩn độ, giải thích hiện tượng quan sát được từ thí nghiệm,…).

Thầy Nguyễn Trọng Tấn lưu ý, giáo viên và học sinh cần chủ động đổi mới phương pháp dạy-học, tăng cường giải quyết tình huống thực tế, rèn kỹ năng đọc hiểu dữ liệu và tư duy phản biện.
Để đạt kết quả tốt nhất trong môn Hóa học theo định hướng mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, thầy Nguyễn Trọng Tấn cho rằng, các em học sinh cần xây dựng kế hoạch học tập khoa học, chú trọng phát triển năng lực vận dụng và tư duy liên môn.

Cụ thể, các em học sinh cần xây dựng lộ trình học tập rõ ràng theo từng giai đoạn:

Giai đoạn 1 (Lớp 10–11), nắm vững kiến thức nền tảng (cấu tạo nguyên tử, bảng tuần hoàn, liên kết hóa học, phản ứng oxi hóa – khử, hữu cơ cơ bản).

Giai đoạn 2 (Lớp 12), hệ thống hóa kiến thức trọng tâm (điện hóa, polimer, ester – lipit, amine – amino acid) kết hợp ôn tập chuyên sâu.

Giai đoạn 3 (3–6 tháng trước thi), luyện đề tích hợp, rèn kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn.

Có phương pháp học tập hiệu quả

Bên cạnh đó, cần có phương pháp học tập hiệu quả như: Học qua tình huống thực tế, liên hệ kiến thức với ứng dụng trong đời sống; học theo Sơ đồ hóa kiến thức, sử dụng mindmap để kết nối các chương.

Tăng cường thực hành, tự làm thí nghiệm ảo (trên phần mềm ChemLab, Phet), phân tích hiện tượng qua video. Tích cực giải đề thi mẫu, ưu tiên đề có câu hỏi tích hợp.

Ngoài ra, các em cần rèn luyện các kỹ năng như đọc hiểu dữ liệu, thường xuyên luyện tập với bảng số liệu, đồ thị. Tập đặt câu hỏi "Tại sao?" và phân bổ thời gian làm đề thi theo mức độ.

Các em có thể tham khảo tài liệu như: Sách giáo khoa lớp 10–12 (Chương trình GDPT 2018), trọng tâm các bài có biểu tượng "Vận dụng". Sách bài tập nâng cao, bám sát định hướng tích hợp. Nguồn học liệu số, kho bài giảng trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kênh YouTube Hóa học Online.

Cũng theo thầy Nguyễn Trọng Tấn đề thi sẽ bao phủ toàn bộ chương trình, đặc biệt chú ý các chủ đề thường xuất hiện trong đề tham khảo. Các em nên thảo luận nhóm để giải quyết bài tập khó, chia sẻ cách tiếp cận liên môn và hình thành thói quen dùng sổ tay ghi lại các "mẹo" nhận biết nhanh.

 Thầy Tấn hướng dẫn học sinh thực hành.

Thầy Tấn hướng dẫn học sinh thực hành.

Các em học sinh cần giữ thói quen sinh hoạt điều độ, thư giãn hợp lý để giảm căng thẳng, tránh "học nhồi nhét" 1–2 ngày trước thi, chỉ nên xem lại công thức, lỗi sai thường gặp.

Đặc biệt, các em cần tự tin vào bản thân, bởi "Sự tự tin đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Hãy coi kỳ thi là cơ hội thể hiện năng lực, không phải 'cuộc chiến' căng thẳng." thầy Nguyễn Trọng Tấn nhấn mạnh.

Phương Thảo

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-luu-y-khi-lam-bai-thi-tot-nghiep-thpt-mon-hoa-hoc-post729199.html
Zalo