Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra. Kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng bởi diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính.

Nội dung này được đề cập tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Lê Thành Long với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025 diễn ra sáng 29/4, tại trụ sở Chính phủ.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1 triệu 165.000 thí sinh đăng ký dự thi, đồng thời, tổ chức thi theo hai chương trình giáo dục phổ thông là chương trình 2006 và chương trình 2018. Các địa phương sẽ điều động khoảng 200.000 cán bộ, giáo viên tham gia công tác tổ chức thi. Đây là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, các quy trình tổ chức để chỉ đạo chung các tỉnh/thành phố công tác tổ chức thi tại địa phương.

Toàn cảnh cuộc họp

Toàn cảnh cuộc họp

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: “Bộ cũng hết sức chủ động trong mọi công việc, chỉ đạo các Sở chuẩn bị tốt công tác dạy và học theo chương trình mới. Chúng tôi đã rà soát những tỉnh nào, thành phố nào có sát nhập, lãnh đạo sở là mới thì sẽ đi kiểm tra trước, với phương châm hậu kiểm là chính. Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi là quan trọng nhất, đúng và tuyệt đối an toàn, bởi vì số lượng diễn ra rất lớn với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, cùng một lúc diễn ra ở các địa phương, các vùng miền khác nhau”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra. Tính chất kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng, lại diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, nên công tác tập huấn cho những người tham gia tổ chức thi được đặc biệt quan tâm và thực hiện tập huấn trực tiếp, theo hướng “cầm tay chỉ việc”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác chuẩn bị thi

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin về công tác chuẩn bị thi

Đại diện Bộ Công an, Y tế, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương, Thanh tra Chính phủ… nêu một số công việc đang triển khai cho kỳ thi cũng như những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh trong thực tế.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ công, chịu trách nhiệm chính, đã rất chủ động trong việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như sự chủ động của các bộ, ngành liên quan. Kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra… nhưng yêu cầu đặt ra là phải tổ chức kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố, bởi chỉ một chút không an toàn thì hậu quả khôn lường.

PTT Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp

PTT Lê Thành Long phát biểu tại cuộc họp

Về những nhiệm vụ trong chuẩn bị tổ chức kỳ thi thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ: “Sắp tới còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Cần tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với việc này, theo hướng "cầm tay chỉ việc" và áp sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, có sự phân công lại, để chúng ta hướng dẫn cụ thể chứ không chung chung. Đặc biệt là phân định về thẩm quyền và công việc trong quá trình sắp xếp tổ chức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Minh Hường/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ky-thi-tot-nghiep-thpt-2025-con-nhieu-viec-phai-lam-tuyet-doi-khong-chu-quan-post1195930.vov
Zalo