Những loại rượu tuyệt đối phải tránh xa

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phải nhập viện cấp cứu vì uống phải loại rượu này.

Khoảng 19 giờ ngày 17/10, sau khi ăn lẩu uống rượu tại quán lẩu trên đường Thanh Niên, tổ 8, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn, 5 người trẻ tuổi cùng xuất hiện dấu hiệu bất thường. 1 giờ sau, nam bệnh nhân đầu tiên được xe cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đưa đến viện. Lúc này bệnh nhân tím tái, khó thở, lả người, huyết áp tụt, đồng tử giãn. Ê-kíp bác sĩ tại khoa Cấp cứu đã xử trí xông dạ dày, thở oxy, bơm rửa đường tiêu hóa… theo phác đồ của cấp cứu ngộ độc.

Trong 10 phút tiếp theo, 4 bệnh nhân còn lại được đưa đến viện. Các bệnh nhân cho biết họ mới vào bữa lẩu và có uống rượu, đều có dấu hiệu hoa mắt, da mặt tái, khô miệng và nôn...

Ngay khi nhận thông tin, lập tức Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tạm thời đình chỉ quán lẩu để tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ việc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm chuyển gấp về Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm tìm nguyên nhân và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo bệnh viện tỉnh tập trung nguồn lực, tích cực điều trị cho các bệnh nhân trên. Trong trường hợp cần thiết, bệnh viện có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai.

Nói với VietNamNet, ông Tạc Văn Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn, cho biết ngày 18/10 ngành y tế tỉnh đã lấy 15 mẫu thực phẩm (gồm có rượu) ngay tại quán lẩu để gửi đi kiểm nghiệm.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm phục vụ điều tra của Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm quốc gia trả lời ngày 19/10 gửi Sở Y tế Bắc Kạn cho thấy: hàm lượng methanol tính theo phần trăm thể tích ở chén rượu thừa uống dở và chai rượu trắng trên bàn ăn là 16,7% v/v.

"Hàm lượng này cao gấp nhiều lần quy định tại TCVN 7043:2013 về rượu trắng", công văn nêu rõ. Theo quy định, hàm lượng methanol không được vượt 2.000mg/1 lít ethanol ở 100 độ. Kết hợp với dấu hiệu lâm sàng do Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn báo cáo, Sở Y tế tỉnh này kết luận loại hình vụ ngộ độc thực phẩm này là thức ăn đường phố, nguyên nhân là do rượu. Các bệnh nhân sau khi được điều trị, sức khỏe đã ổn định, ra viện.

Chai rượu trắng, chén rượu thừa uống dở cùng các món ăn trong vụ ngộ độc thực phẩm tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, niêm phong ở quán lẩu tại Bắc Kạn. Ảnh: DN

Chai rượu trắng, chén rượu thừa uống dở cùng các món ăn trong vụ ngộ độc thực phẩm tại thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, niêm phong ở quán lẩu tại Bắc Kạn. Ảnh: DN

Mặc dù đã có nhiều lời cảnh báo về tác hại của tình trạng ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) đối với sức khỏe nhưng không ít người vẫn phớt lờ.

Trước đó, cuối tháng 8/2023, một vụ ngộ độc rượu nghiêm trọng xảy ra tại tỉnh Kiên Giang khiến 2 công nhân tử vong. Những người này sau khi nhận tiền lương đã rủ nhau ăn và uống rượu trắng. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kiên Giang kết luận, đây là vụ ngộ độc rượu do hàm lượng methanol vượt mức giới hạn theo tiêu chuẩn trên 400 lần.

Bác sĩ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng hường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, nhiều trường hợp nặng, thậm chí tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol tại đây là xấp xỉ 30% còn ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí lên đến 50%. Nhiều bệnh nhân may mắn được cứu sống cũng phải chịu di chứng nặng nề.

Những loại rượu tuyệt đối tránh xa

Liên quan đến nguyên nhân gây ngộ độc rượu, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol xếp hàng đầu, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật...

Đáng lo ngại là tình trạng ngộ độc do uống rượu pha từ cồn công nghiệp methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, thải trừ chậm, oxy hóa thành formol (formaldehyde) và axit formic. Chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng; 15ml trở lên gây mù lòa; 30ml có thể gây tử vong.

Các triệu chứng ngộ độc methanol thường gặp là buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy hoặc đau bụng, đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, môi và móng tay tím tái, hành vi kích động, nhìn không rõ hoặc mờ, mù lòa, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống.

Nhằm chủ động ngăn chặn các sự cố an toàn thực phẩm, giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc rượu gây ra, đảm bảo tính mạng người tiêu dùng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol lớn hơn 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày.

Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia. Nếu có những triệu chứng khác thường sau khi uống rượu cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-loai-ruou-tuyet-doi-phai-tranh-xa-tranh-ruoc-hoa-vao-than-2208580.html
Zalo