Những lĩnh vực STEM nữ giới có thể chiếm ưu thế
Dự báo đến năm 2027, việc làm trong lĩnh vực STEM sẽ tăng lên 13%. Thu nhập từ ngành này cũng rất hứa hẹn khi 93% ngành nghề STEM có mức thu nhập trên mức trung bình.
Tuy nhiên, tại Mỹ, các trường đại học được dự đoán chỉ cung cấp được 29% sinh viên tốt nghiệp đủ điều kiện để tham gia vào thị trường việc làm STEM. Điều đó cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cho STEM vẫn bị thiếu hụt. Do đó, hiện tại chính là thời điểm tốt nhất để phụ nữ chuẩn bị dấn thân vào lĩnh vực này, căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng có khả năng bùng nổ trong tương lai.
Các nghề STEM có thể được phân thành 5 nhóm: nhóm nghề máy tính, nhóm nghề kỹ thuật, nhóm nghề khoa học vật lý và đời sống, nhóm nghề khoa học xã hội và nhóm nghề toán học. 50% công việc của lĩnh vực STEM rơi vào nhóm nghề máy tính, 50% phân bổ cho 4 nhóm nghề còn lại. Tỷ lệ nữ giới tham gia vào nhóm nghề máy tính vẫn rất thấp.
Dù vẫn có sự chênh lệch giới đáng kể trong việc làm STEM nhưng ở một số ngành, tỷ lệ tham gia của hai giới gần như tương đương, thậm chí tỷ lệ nữ giới còn có phần nổi trội hơn. Cụ thể: Quản trị cơ sở dữ liệu (38% lao động là nữ); Khoa học sinh học (48% lao động là nữ); Kế toán, kiểm toán (61% lao động là nữ); Kỹ thuật viên phòng thí nghiệm lâm sàng (75% lao động là nữ).
Những rào cản ngăn cản phụ nữ theo đuổi STEM
Để nữ giới hiện diện nhiều hơn trong các lĩnh vực việc làm STEM, có không ít rào cản về định kiến giới cần phải vượt qua. Ngay từ khi ở trường học, nhiều người mặc định nam sinh sẽ theo học "ban tự nhiên" còn "ban xã hội" sẽ dành cho nữ sinh. Nam giới thường được mặc định theo đuổi khoa học, kỹ thuật còn các lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực nhân văn, nghệ thuật thường được gắn với phái nữ. Định kiến này khiến nhiều phụ nữ đắn đo khi quyết định có theo đuổi STEM hay không và còn khiến họ tự giới hạn khả năng của mình theo các mặc định của xã hội.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ, khoảng một nửa phụ nữ trong lĩnh vực STEM coi phân biệt đối xử là yếu tố chính đứng sau sự hạn chế của giới nữ trong lĩnh vực này. Các hình thức phân biệt đối xử phổ biến với phụ nữ trong STEM là kiếm được ít hơn nam giới làm cùng công việc (29%), bị đối xử như thể họ không đủ năng lực vì giới tính của họ (29%), ít nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo cấp cao hơn so với đồng nghiệp nam cùng vị trí (18%). Nhiều người cho biết họ gặp khó khăn khi trở thành một phần của tổ chức và được các đồng nghiệp và cấp trên là nam giới chấp nhận.
Thiếu vắng những người dẫn dắt là nữ giới cũng là một rào cản khi phụ nữ muốn tham gia STEM. Một người dẫn đường đóng vai trò quan trọng trong bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là trong lĩnh vực mà phụ nữ vẫn là thiểu số. Họ cần được khuyến khích hơn và có các hình mẫu để được truyền cảm hứng và noi theo.
Một cuộc khảo sát của Microsof với hơn 6.000 trẻ em gái và phụ nữ từ 10 đến 30 tuổi cho thấy, các đối tượng nghiên cứu gặp khó khăn với việc hình dung trong các vai trò STEM. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em gái và phụ nữ cần được tiếp xúc nhiều hơn với các công việc STEM, hình mẫu phụ nữ theo đuổi STEM cũng như được định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực này để có thể theo đuổi sự nghiệp trong STEM.
Theo báo cáo tóm tắt của Tổ chức Lao động Quốc tế, từ năm 2005 đến 2016, tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học các ngành STEM ở Việt Nam tăng gần gấp đôi, từ 20% lên 37%. Năm 2018, số sinh viên nữ tốt nghiệp đại học các ngành STEM ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 40%.